26/03/2009 - 08:49

Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2009)

Bản lĩnh tuổi trẻ!

Tháng ba- Tháng Thanh niên, cũng là thời điểm các cơ sở Đoàn trong thành phố tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong bầu không khí nhộn nhịp ấy, chúng tôi đã gặp nhiều cán bộ Đoàn đang ngày đêm miệt mài với công việc, học tập... góp sức mình xây dựng quê hương.

 Phạm Văn Lượm.

Chúng tôi gặp lại sinh viên Phạm Văn Lượm, Bí thư Chi đoàn lớp Luật Tư pháp 3, K32, ủy viên BCH Đoàn Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, khi anh đang bận rộn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Vừa ngơi tay, Lượm kể cho tôi nghe về chuyện mình và nhiều bạn trong BCH Đoàn khoa đang vận động các bạn đóng góp tiền để đi tặng quà trẻ em mồ côi, chuẩn bị tổ chức hội thao, hội nghị học tốt... Nhìn nét mặt hớn hở, nghe giọng nói hào hứng sôi nổi của chàng sinh viên năm thứ 3, chúng tôi hiểu rằng trong Lượm vẫn tươi nguyên bầu nhiệt huyết công tác Đoàn như những năm về trước.

Thời sinh viên của Lượm gắn liền với các hoạt động tình nguyện. Từ tư vấn tuyển sinh, vệ sinh môi trường, đến đào đất, đắp đường, giúp dân thu hoạch lúa... công việc nào Lượm làm cũng giỏi. Lượm cười: “Con nhà nông mà. Những công việc này em làm hoài. Được tham gia mùa hè tình nguyện, phục vụ cho bà con em vui lắm”.

Lượm là con trai lớn trong một gia đình nông dân ở thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Từ nhỏ, Lượm rất thông minh, chăm chỉ, có thành tích cao trong học tập, nhưng đáng tiếc, ngay thời điểm thi vào Học viện Chính trị Quân sự, do bị bệnh, nên Lượm làm bài không đạt yêu cầu. Buồn, chán nản, Lượm gần như giam mình trong phòng, không dám gặp mặt bạn bè. Khi ấy, cha đến bên Lượm, ôn tồn: “Đã đến lúc con phải học bài học đầu tiên “Thắng không kiêu, bại không nản”, có như thế mới đủ nghị lực đứng vững trong xã hội”, Lượm tỉnh ngộ ra. Vừa luyện thi, Lượm vừa tham gia công tác Đoàn ở địa phương. Với vai trò là Bí thư Chi đoàn ấp Mỹ I, xã Hỏa Lựu, thị xã Vị Thanh, Lượm phát động ĐVTN thực hiện các công trình: nâng cấp lộ, cầu giao thông nông thôn, khai thông mương rãnh, vệ sinh môi trường, giúp dân làm hàng rào, dựng cột cờ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh... góp phần xây dựng các thiết chế văn hóa. Sau một năm tích cực tham gia công tác Đoàn, năm 2006, Lượm được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây cũng là thời điểm Lượm nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường Đại học Cần Thơ. Đậu vào đại học đã khó, theo kịp chương trình để trở thành một sinh viên giỏi càng khó hơn. Ý thức mình là đảng viên, là cán bộ Đoàn, Lượm càng nỗ lực học tập. Là một sinh viên đến từ tỉnh lẻ, thời gian đầu Lượm gặp nhiều khó khăn trong học tập nhất là đối với hai môn ngoại ngữ và tin học. Vì vậy, ngoài giờ học, Lượm vào thư viện, các nhà sách để tìm tài liệu. Tiền hàng tháng gia đình gởi lên, Lượm nhín lại để học thêm ngoại ngữ, vi tính. Từ sự chăm chỉ học tập, Lượm đã biến môn vi tính thành công cụ trợ giúp đắc lực để khai thác thông tin, tài liệu phục vụ tốt cho việc học tập, nâng cao kiến thức.

Với vai trò là Bí thư chi đoàn lớp, UVBCH Đoàn khoa Luật, Lượm vận động các bạn tích cực tham gia phong trào Đoàn, từ các phong trào ngày thứ 7 tình nguyện, làm vệ sinh trường lớp, đến việc thành lập các CLB, tổ nhóm học tập, tổ chức các buổi hướng dẫn chuyên ngành, tạo điều kiện cho các ĐVTN trao đổi, hỗ trợ kiến thức để cùng học tốt. Bước vào năm học thứ 3, áp lực học tập các môn chuyên ngành càng tăng, Lượm vẫn dành nhiều gian để tham gia công tác Đoàn, dù sau mỗi phong trào, Lượm phải thức học bù trắng cả đêm. Niềm vui của Lượm là những ngày đội nắng chang chang để giúp dân, là những lúc tiết kiệm chi tiêu, dành dụm tiền mua quà tặng cho những em học sinh ở Trường Tương Lai, trẻ mồ côi... mỗi dịp lễ, Tết. Lượm bộc bạch: “Được tham gia công tác Đoàn, tình nguyện đến các vùng ngoại thành phục vụ bà con nghèo mình thấy vui lắm. Chính những chuyến cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, mình mới thật sự hiểu hết những khó khăn vất vả của người dân... Điều đó đã thôi thúc mình vượt qua mọi khó khăn, cố gắng học tốt hơn nữa”.

***

Gọi điện thoại đến lần thứ 3, tôi mới hẹn làm việc được bác sĩ chuyên khoa I Thiều Quang Hùng – Phó Khoa khám bệnh - Cận lâm sàng – Dược, Bí thư Chi đoàn Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ. Nhiều đồng nghiệp của anh thường nói: “Bác sĩ Hùng là người của công việc, hết trực ở bệnh viện, thì làm đề tài nghiên cứu khoa học, rồi đi chỉ đạo tuyến, kiểm tra tình hình đưa bệnh nhân về cộng đồng”. Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục gián đoạn, bởi chốc chốc, người nhà bệnh nhân lại tìm bác sĩ Hùng, kể lại những triệu chứng, hành vi bất thường... của con, em mình. Không để người thân bệnh nhân chờ lâu, anh nhanh chóng đi đến các phòng bệnh. Từng động tác khám bệnh của anh thật ân cần, chu đáo như đang chăm sóc một người thân trong gia đình.

Bác sĩ Thiều Quang Hùng. 

Nếu những ai chưa trực tiếp thấy những việc của các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần thì sẽ không hình dung được những nhọc nhằn và đầy nguy hiểm của những người làm công việc săn sóc bệnh nhân tâm thần. Có những đêm, bệnh nhân bị kích động, các y, bác sĩ, bảo vệ hầu như thức trắng. Hỏi về cơ duyên với nghề, Hùng tâm sự, từ nhỏ, anh rất mê ngành y. Năm học 1997-1998, khi đang là sinh viên của Khoa Y, Trường Đại học Cần Thơ, Hùng đi thực tập ở Trung tâm Tâm thần TP Cần Thơ. Anh kể: “Lần đầu tiên khi tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần trong cơn kích động, dù có các anh bảo vệ, y sĩ đi cùng nhưng trống ngực tôi cứ đánh thình thịch. Tối đến không tài nào ngủ được vì hình ảnh các bệnh nhân cứ lởn vởn trong đầu. Thế nhưng khi tỉnh trí, họ lại rất hiền lành, chân tình, có người buồn bã, mang nặng mặc cảm với gia đình, xã hội về căn bệnh của mình, nên thường tìm các y, bác sĩ để trút bầu tâm sự. Chính những tình cảm đó đã dần phá tan sự sợ hãi trong lòng và là sợi dây ràng buộc, giữ chân tôi với công việc”. Năm 2000, ra trường, anh về công tác tại Trung tâm Tâm thần (nay là Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ) trước sự ngỡ ngàng của bạn bè. Để điều trị, chăm sóc tốt cho các bệnh nhân tâm thần, Hùng không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ. Sau 4 năm công tác, Hùng tiếp tục học chuyên khoa I. Từ kết quả học tập, công tác tốt, năm 2005, Hùng được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, thời gian qua, Hùng luôn phối hợp cùng các đồng nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Hiện anh đang thực hiện hoàn chỉnh và chuẩn bị báo cáo đề tài “Khảo sát tác dụng phụ ngoại tháp do thuốc chống loạn thần Risperidone”. Theo anh, Risperidone là thuốc chống loạn thần thế hệ mới được phát minh và đưa vào sử dụng với hy vọng cải thiện các triệu chứng âm tính của bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, gần đây đã có một số ghi nhận về tác dụng phụ do thuốc chống loạn thần thế hệ mới này. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi người thực hiện đề tài phải tìm tòi nghiên cứu nhiều tài liệu, thiết kế bản câu hỏi nghiên cứu, mất nhiều thời gian tiếp cận với bệnh nhân để theo dõi các biểu hiện trong thời gian điều trị với thuốc chống loạn thần Risperidone. Thành công của anh sẽ giúp cho việc chẩn đoán chính xác, điều trị đúng và kịp thời góp phần cải thiện kết quả điều trị của thuốc chống loạn thần đối với các bệnh nhân tâm thần.

Không chỉ làm công tác chuyên môn, bác sĩ Hùng còn là một cán bộ Đoàn đầy tâm huyết. Hùng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và hỗ trợ đoàn viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, phục vụ cho công tác điều trị bệnh tâm thần. Anh thường tổ chức và là nòng cốt trong các hoạt động tình nguyện như: khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho trẻ em khuyết tật, mồ côi, hiến máu nhân đạo giúp các bệnh nhân vượt qua các căn bệnh ngặt nghèo... Nhiều năm liền Chi đoàn Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ được công nhận là Chi đoàn vững mạnh.

***

“Mình mong muốn góp phần phục vụ đời sống nhân dân địa phương”. Đó là lời bộc bạch của đảng viên trẻ Dương Trương Ngọc Trân, Bí thư Chi đoàn khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.

Dương Trương Ngọc Trân. 

Dáng người mảnh mai, nhưng Trân luôn được ĐVTN mệnh danh là người “thổi lửa” cho phong trào tình nguyện ở địa phương. 8 năm gắn bó với công tác Đoàn ở địa phương, Trân không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, giúp Chi đoàn nhiều năm liền giữ danh hiệu vững mạnh. Hiện Trân và các bạn trong Ban chấp hành đang tổ chức phong trào nuôi heo đất, vận động ĐVTN đóng góp tiền hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, đồng thời chuẩn bị ra quân làm vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh... các tuyến hẻm.

Năm 2001, Trân tốt nghiệp THPT, do gia đình khó khăn, nên Trân đành gạt bỏ ước mơ thi vào đại học. Trong khi chờ tìm việc làm, Trân chuyển sinh hoạt Đoàn về địa phương. Năm ấy, lũ về, Cồn Khương bị vỡ đê, nước tràn bờ. Hay tin, Trân cùng các đoàn viên sang giúp bà con đào đất, cặm cọc đắp đê bảo vệ vườn cây ăn trái. Đến chiều, đoạn đê vỡ mới được “hàn” lại trong tiếng reo mừng của nhiều người. Dù đói, lạnh run nhưng ai cũng nghe lòng rộn rã niềm vui. Đó cũng là lần đầu, Trân nhận ra rằng: “Cuộc sống còn lắm nỗi khó khăn, tuổi trẻ phải biết xông pha, gánh vác”. Sau bao ngày trằn trọc suy nghĩ, Trân quyết định “trụ” lại với công tác Đoàn và niềm đam mê đó đã giữ chân Trân đến ngày nay. Trân tâm sự: “Là một thủ lĩnh thanh niên của một khu vực, mình luôn trăn trở: Phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, tích cực thực hiện các phong trào hành động cách mạng tại địa phương. Để được như vậy, bản thân mình không chỉ có nói suông mà phải bắt tay vào làm việc để ĐVTN, bà con thấy, tin và ủng hộ...”.

Từ những suy nghĩ trên, Trân tổ chức và vận động các bạn tham gia nhiều phong trào, việc làm thiết thực, như: Hiến máu nhân đạo, nâng cấp hẻm, xây dựng hẻm thanh niên tự quản... tổ chức nhiều phong trào hỗ trợ cho ĐVTN lập thân lập nghiệp như: tổ chức hùn vốn xoay vòng, giới thiệu cho ĐVTN vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để học tập, phát triển kinh tế gia đình, giới thiệu ĐVTN tham gia các lớp học nghề.

Năm 2008, Trân được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng khu vực và cũng trong năm này Trân được kết nạp Đảng. Công việc nhiều hơn và Trân càng phải tiên phong gương mẫu trong các phong trào. Ngày ngày, Trân len lỏi trong các con hẻm vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vận động kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết, đóng góp quỹ vì người nghèo, tổ chức làm vệ sinh môi trường... Công việc nhiều nhưng Trân không ngại khó và than vãn. Hiện giờ, Trân đang cố gắng hoàn thành chương trình đại học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết