16/06/2010 - 08:27

KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XII:

Băn khoăn xây dựng trung tâm hành chính tại Ba Vì và trục Thăng Long

* Làm rõ một số vấn đề cơ bản của Dự thảo Luật Viên chức

Hầu hết các ý kiến thảo luận của các ĐBQH tại hội trường sáng 15-6 đều tán thành với Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không đồng tình với chủ trương đặt Trung tâm hành chính Quốc gia tại Ba Vì.

Các ĐB: Vũ Hồng Anh (Hà Nội); Rcom Sa Duyên (Gia Lai); Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) cho rằng, việc lựa chọn Ba Vì là nơi xây dựng các công trình của Chính phủ sau 2050 là không phù hợp. Bởi vùng đất Ba Vì được coi là lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội; vì vậy, cần phải giữ gìn, bảo tồn nó, nhất định không được phá hủy địa thế này. Các ĐB cũng cho rằng, hiện đã có một số bộ, ngành xây dựng trụ sở làm việc tại Mỹ Đình. Do đó, trong quá trình xây dựng Quy hoạch chung, Ban soạn thảo cần lưu ý đến tính kế thừa các quy hoạch trước đây để tránh lãng phí, tốn kém.

Hiểu ý đồ của cơ quan soạn thảo Đồ án rằng cần quy hoạch một khu đất để làm đất dự trữ cho các cơ quan Trung ương về lâu dài, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) gợi ý, đất dự trữ tốt nhất là đất nông nghiệp. Chúng ta không nên bàn khu đất dự trữ này sẽ xây dựng cái gì, sẽ quy hoạch cụ thể thế nào để tránh việc đầu cơ.

Tuy nhiên, cũng liên quan đến chủ đề này, báo cáo bổ sung về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày trước QH sáng 15-6 vẫn bảo vệ quan điểm của Ban soạn thảo Đồ án cho rằng, xem xét ở nhiều góc độ, tiêu chí như: Phù hợp về quy hoạch không gian, hạ tầng, môi trường sinh thái, điều kiện tự nhiên, đất đai... thì Ba Vì hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện để quy hoạch là nơi làm việc của các cơ quan hành chính trong tương lai. Báo cáo khẳng định không có chuyện “dời đô” như một số ý kiến còn băn khoăn đặt câu hỏi. Ba Vì trong ý tưởng Quy hoạch chung lần này chỉ là nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan của Chính phủ theo tầm nhìn đến năm 2050. Trụ sở các Bộ, ngành ở Mỹ Đình không nhất thiết sau này cũng phải chuyển đi nơi nào, nếu không có nhu cầu.

Báo cáo bổ sung về trục Thăng Long, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, trong Quy hoạch chung có 5 trục giao thông mới được đề xuất song hành với 7 trục hướng tâm hiện hữu, để tăng cường khả năng giao thông và phục vụ 5 đô thị vệ tinh về phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Trong đó có một trục phát triển, cũng là một trục cảnh quan được đề xuất kết nối khu vực nội đô với Hòa Lạc - tạm gọi là trục Thăng Long. Trục Thăng Long bên cạnh chức năng giải quyết các vấn đề về giao thông và hành lang hạ tầng kỹ thuật là hết sức cần thiết, còn tạo đặc trưng và điểm nhấn về không gian kiến trúc mới cho Thủ đô Hà Nội (Đoạn mở rộng dài khoảng 3,5km tại khu vực từ vành đai 3 đến vành đai 4 để bố trí các công trình kiến trúc văn hóa) và ý tưởng của tư vấn là thể hiện không gian kiến trúc cảnh quan kết nối văn hóa Thăng Long và văn hóa Xứ Đoài.

Không tán thành chủ trương này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Phạm Thị Loan (Hà Nội), Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương) cho rằng, việc xây dựng trục Thăng Long là sự lãng phí, bởi cách đó không xa đã có tuyến đường Láng - Hòa Lạc rất rộng và đẹp. Đây cũng có thể gọi là tuyến đường nối hai vùng văn hóa. ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng, sao cứ nhất định phải chọn trục Thăng Long làm điểm nhấn, trong khi Hà Nội đã có trục Bắc - Nam, cũng là trục kết nối văn hóa vùng miền.

Trái với quan điểm này, các ĐB: Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) và Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) lại đồng tình với việc xây dựng trục Thăng Long tạo điểm nhấn về kiến trúc cho Thủ đô. Các ĐB cho rằng, việc xây dựng Trục Thăng Long là cần thiết, vì sau khi hình thành, đây sẽ là trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vùng lõi, khu vực vệ tinh; giữa khu vực truyền thống với khu vực hiện đại. Vấn đề là việc tổ chức thực hiện, tránh gây tốn kém tiền của Nhà nước, phải đạt được mục tiêu kép là vừa có ý nghĩa giao thông, vừa là công trình có kiến trúc hoành tráng, tạo điểm nhấn cho Thủ đô.

Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên lưu ý cơ quan soạn thảo cân nhắc quỹ dành cho giao thông, bởi hiện nay, Thủ đô đã có nhiều tuyến đường vành đai có sẵn; cần chú ý đến sự cần thiết trong việc triển khai xây dựng trục Thăng Long.

* Chiều 15-6, thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Viên chức với đối tượng tác động là hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho cộng đồng như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, thể dục, thể thao, thông tin - truyền thông, tài nguyên môi trường... Dự án đã được tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, đây cũng là một dự án luật khó và phức tạp, cần xem xét, làm rõ một số vấn đề cơ bản, trong đó có phạm vi và đối tượng điều chỉnh.

Nhiều đại biểu đồng tình: Việc đưa ra các tiêu chí để xác định thế nào là viên chức như trong Dự thảo Luật, trên thực tế, vẫn chưa bao quát hết các loại đối tượng cần điều chỉnh. Theo đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), cần phải nghiên cứu thêm hoặc đổi tên thành Luật Viên chức nhà nước cho phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh mà Dự thảo Luật đã xác định, vì hiện nay có cả viên chức trong và ngoài công lập, ví dụ giáo viên trong các trường tư thục. Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cho rằng, phạm vi điều chỉnh như Dự thảo Luật là vừa không rõ ràng, vừa chưa đầy đủ. Theo Dự thảo Luật, chỉ những người làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập mới là viên chức, vậy những người đang làm việc ở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như lái xe, tạp vụ, y tế, bảo vệ, đánh máy... sẽ thuộc nhóm đối tượng nào, viên chức hay người lao động? Đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu làm rõ.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, các đại biểu Hà Thanh Toàn (Cần Thơ), Lê Văn Hưng (Hưng Yên), Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam)... cho rằng một số khái niệm, phạm trù và cơ cấu một số điều trong dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp hoặc còn chung chung, chưa rõ ràng, cần rà soát lại để đảm bảo tính đồng bộ. Ví dụ tiêu biểu là về Hợp đồng làm việc. Theo nhiều đại biểu, Bộ luật Lao động đã quy định khá cụ thể về hợp đồng lao động. Do đó, nếu đã xác định hợp đồng làm việc cũng là một loại hợp đồng lao động thì trong Luật này cũng không cần thiết phải nhắc lại các quy định đã có. Ngược lại, có những nội dung mang tính đặc thù liên quan đến hợp đồng đối với viên chức lại chưa được thể hiện trong Dự thảo Luật. Mặt khác, quy định liên quan đến hợp đồng làm việc còn chung chung và có điểm chưa rõ. Điểm giống và khác nhau giữa 2 loại Hợp đồng này cần được làm rõ. Quy định thời gian tuyển dụng chưa nhất quán với Bộ luật Lao động...

Bên cạnh đó, một số quy định về mối liên quan giữa viên chức với các cơ quan pháp luật, ví dụ cho thôi việc, nghỉ việc... cần hết sức rạch ròi, rõ ràng, minh bạch, không nên quá khái quát, sẽ khó thực thi. Các đại biểu cũng cho rằng, sắp xếp bộ máy viên chức cần gắn liền với cải cách hành chính, cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm để thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ viên chức chuyên nghiệp hơn...

QUANG VŨ- THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết