10/04/2018 - 07:09

Băn khoăn về quyền lợi tài sản khi không đăng ký kết hôn 

Một số trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng, nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định. Khi cuộc sống vợ chồng có những mâu thuẫn, không thể hàn gắn, dẫn đến “đường ai nấy đi”, sẽ phát sinh rắc rối về pháp lý trong phân chia khối tài sản chung do hai bên tạo lập. 

10 năm trước, bà N.T.D. (ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) và ông H. quyết định về cùng một nhà. Cả hai ra sức lao động, sản xuất, xây dựng tổ ấm, nhưng không ai nghĩ đến chuyện đi đăng ký kết hôn. Đến nay, cuộc sống vợ chồng bà D. ông H. đổ vỡ, cả hai mới nghĩ đến những quyền lợi về tài sản của mình. Bà D. nói: “Trong lúc chung sống với nhau, chúng tôi có tạo lập được một số tài sản. Giờ “đường ai nấy đi”, số tài sản này chúng tôi chưa biết phải phân chia như thế nào. Pháp luật có quy định đối với trường hợp này không?”. 

Người dân tìm hiểu các quy định pháp luật tại quán cà phê pháp luật ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Ảnh: CHẤN HƯNG
Người dân tìm hiểu các quy định pháp luật tại quán cà phê pháp luật ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Ảnh: CHẤN HƯNG

 

Theo ông Nguyễn Phi Điền, Công chức Tư pháp – Hộ tịch của UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, lợi ích của việc đăng ký kết hôn là cả nam và nữ có cơ sở pháp lý rõ ràng, chứng minh mối quan hệ vợ chồng. Khi đã được pháp luật công nhận, các vấn đề liên quan giữa vợ chồng được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình; trong đó, có việc phân chia tài sản của vợ chồng khi hai bên ly hôn. Ngược lại, những cặp nam nữ dù sống chung với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật công nhận và việc phân chia tài sản hay xác định tài sản chung, tài sản riêng sẽ không được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình.

Trường hợp như vợ chồng bà D. không hiếm. Để “gỡ rối” cho những trường hợp này, Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định: Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Theo Luật sư Lâm Văn Khuyển, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, trường hợp nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì các tài sản được hình thành trong khoảng thời gian hai người sống chung có thể được xem là tài sản thuộc sở hữu chung. Nếu chia tay thì việc phân chia tài sản chung có thể được giải quyết theo thỏa thuận của hai bên. Nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau về việc phân chia tài sản, lúc này việc giải quyết được áp dụng theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2015 về chia tài sản thuộc sở hữu chung. Theo đó, trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung. Nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác… Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra tòa án để xem xét, giải quyết theo quy định.

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết