22/11/2009 - 10:17

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Ban hành Luật Trọng tài thương mại là cần thiết

Sáng 21-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật Trọng tài thương mại.

Dự luật Trọng tài thương mại trình xin ý kiến Quốc hội gồm 11 chương, 75 điều, quy định về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên và tố tụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp theo sự thỏa thuận của các bên.

Đại đa số các đại biểu nhất trí với ý kiến của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về tên của dự luật là Luật Trọng tài thương mại, vì nếu để tên Luật Trọng tài dễ dẫn đến hiểu lầm khi mà trên thực tế có rất nhiều loại trọng tài như trọng tài thể thao, trọng tài lao động...

Các đại biểu cũng nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Trọng Tài thương mại, nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo bí mật trong lĩnh vực thương mại ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời kỳ kinh tế hội nhập của nước ta.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (thành phố Hồ Chí Minh) có ý kiến: thực tế hiện nay số lượng các vụ việc tranh chấp thương mại được trọng tài giải quyết không nhiều. Nhưng theo xu thế chung của xã hội, chắc chắn cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, các vụ việc giải quyết tranh chấp thương mại qua cơ quan trọng tài sẽ ngày một gia tăng vì đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn các tranh chấp của mình được giải quyết nhanh, gọn và đảm bảo bí mật, giữ được uy tín, danh dự của các bên tranh chấp. Việc đưa các tranh chấp tới giải quyết tại Tòa án sẽ giảm, vì hoạt động tố tụng của Tòa án hiện này còn nhiều cấp, mất nhiều thời gian và công khai hóa. Bên cạnh đó, cơ chế bộ máy hoạt động của cơ quan trọng tài đảm bảo sự hỗ trợ của các trọng tài viên là những người có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế, thương mại sẽ đảm bảo tính chính xác trong kết luận của cơ quan Trọng tài thương mại.

Đại biểu Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cả hai quan điểm về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại nêu trong Dự luật đều chưa hợp lý, dẫn đến bỏ sót các tranh chấp thương mại có thể diễn ra trong thực tế. Dự luật cần được xây dựng theo hướng mở rộng phạm vi giải quyết của Trọng tài thương mại theo các thông lệ quốc tế phù hợp với pháp luật Việt Nam. Điều này sẽ tránh được việc các bên tranh chấp vì không được giải quyết ở Trọng tài thương mại Việt Nam, đưa vấn đề ra giải quyết tại cơ quan Trọng tài nước ngoài, gây ảnh hưởng đến uy tín và cái nhìn của quốc tế đối với hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo đại biểu Trần Du Lịch, những điều khoản quy định về hoạt động trọng tài thương mại có liên quan đến yếu tố nước ngoài cần được quy định tại một chương riêng theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn và đảm bảo đồng bộ với các quy định chung của pháp luật liên quan.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) lại có quan điểm khác khi cho rằng, nên giới hạn thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại trong Luật Thương mại, để đảm bảo tính khả thi của Luật và tránh sự chồng chéo, không thống nhất với một số quy định của văn bản pháp luật khác. Đại biểu cho rằng, không nên quy định Trọng tài thương mại có quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, vì không có tính khả thi trên thực tế và nên để Tòa án quyết định vấn đề này.

Trước sự quan tâm của một số đại biểu Quốc hội xung quanh chế định cho phép Hội đồng Trọng tài thương mại áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho biết: Dự án Luật được xây dựng theo hướng tiếp cận Luật Trọng tài thương mại mẫu của Quốc tế. Việc Hội đồng Trọng tài thương mại ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được giới hạn cụ thể là được áp dụng sau khi thành lập Hội đồng trọng tài; chỉ áp dụng với các bên có ký kết thỏa thuận với cơ quan Trọng tài thương mại và không áp dụng với bên thứ 3 (không ký thỏa thuận với Trọng tài thương mại). Ông Huỳnh cho biết thêm, hiện nay ở nước ta, mức phí giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại là do các trung tâm Trọng tài thương mại quy định trên cơ sở được thị trường chấp nhận hoặc do các bên thỏa thuận.

Chiều 21-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường.

XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết