10/11/2017 - 08:40

Phát triển kinh tế tư nhân ở TP Cần Thơ: Nâng tầm doanh nghiệp Việt

Bài cuối: Đồng hành, phục vụ doanh nghiệp 

Trước những khó khăn doanh nghiệp (DN) đã và đang gặp phải, lãnh đạo TP Cần Thơ khẳng định: Tiếp tục đồng hành cùng DN vượt khó. Song song đó, thành phố tạo mọi điều kiện; vận dụng mềm dẻo, uyển chuyển các chủ trương, chính sách từ Trung ương sao cho phù hợp với thực tế tại địa phương, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngày càng hiệu quả. Thành phố đã và đang trên con đường xây dựng một hình ảnh: Chính quyền đồng hành! Chính quyền phục vụ!

Chính quyền phục vụ

Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 3-6-2017 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ra đời như một minh chứng sống động: Đảng, Chính phủ luôn đồng hành cùng DN. Những quyết sách này ảnh hưởng và thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam đi lên cùng với sự phát triển của DN Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng; trong đó có sự phát triển không nhỏ của KTTN. Như Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng; Thủ tướng Chính phủ đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sự phát triển của các DN vừa và nhỏ. Đặc biệt, cuối tháng 9-2017, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã Chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, được ví như là “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển ĐBSCL. Qua đó, Chính phủ kêu gọi các Tổ chức Quốc tế, đối tác phát triển và DN quan tâm đầu tư phát triển ĐBSCL mà TP Cần Thơ là trung tâm động lực phát triển. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, DN cần tận dụng mọi cơ hội theo chính sách và chủ trương của Nhà nước đã ban hành để tiếp thêm sức mạnh và giảm bớt khó khăn. DN cũng cần theo dõi và cập nhật những vấn đề lớn đang diễn ra trên thị trường quốc tế để soi rọi lại mình, đồng thời tìm thêm cơ hội kinh doanh qua các chương trình liên kết, hội nhập với các nước.

UBND TP  Cần Thơ thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa chính quyền và DN.

Muốn vậy, chính quyền TP Cần Thơ cần tiếp tục có những động thái mới để đáp ứng yêu cầu của DN và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới – hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Với tinh thần xây dựng “chính quyền phục vụ”, thực hiện cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành và phát triển DN, thành phố sẽ nghiên cứu và tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực hỗ trợ DN phát triển và trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Thành phố cũng khuyến khích DN nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật; xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN; cạnh tranh lành mạnh, hợp tác đổi mới sáng tạo…

Mục tiêu đến năm 2020, toàn thành phố có 13.800 DN hoạt động hiệu quả. Vì thế, ngoài những vấn đề trên, hoạt động tổ chức đào tạo về khởi nghiệp và phát triển DN được thành phố đặc biệt quan tâm. “Thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố, viện trường và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, trung hạn, các buổi chuyên đề về khởi nghiệp. Cụ thể như: Thành phố xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu phát triển của cộng đồng DN. Từ đó hỗ trợ các DN xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực theo từng giai đoạn cụ thể. Thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản trị DN, quản trị nguồn nhân lực, chiến lược quảng bá thương hiệu… cho lãnh đạo các DN. Các hoạt động nhằm hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp, các DN khởi nghiệp và các cơ sở sản xuất – kinh doanh biết cách vận dụng pháp luật trong kinh doanh, quản lý nhân sự trong DN và các kỹ năng đàm phán, quản lý hiệu quả trong sản xuất, cải tiến trong sản xuất, thương thảo trong kinh doanh, kinh doanh mang tính chuyên nghiệp…” – ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, chia sẻ.

Điều DN cần!

TP Cần Thơ đang nỗ lực xây dựng một “chính quyền phục vụ”. Song, việc thực hiện chắc chắn sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Theo nhận định của ngành chức năng, việc rà soát, đánh giá để loại bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều. Bởi hầu hết các văn bản đều do Trung ương ban hành và công bố; văn bản pháp luật liên quan thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi, bổ sung làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN. Theo ông Phan Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần liên hiệp Kim Xuân, Khu Công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, chính quyền thành phố cần hỗ trợ, thậm chí đóng vai trò đại diện, dẫn dắt để DN “có thêm tiếng nói” khi có các kiến nghị, khiếu nại đến các bộ, ngành Trung ương.

Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị “Quảng bá và tổ chức liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn TP Cần Thơ”.

Theo phản ánh từ nhiều DN, để công việc kinh doanh được phát triển, DN cần Nhà nước hỗ trợ thông qua các giải pháp tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các loại hình DN, các quy định và thủ tục hợp lý và minh bạch. Vì vậy, theo ông Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, trước hết, thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (thủ tục khởi nghiệp, kiến thức về luật pháp trong nước, quốc tế…). Hai là, kết nối với cơ sở ươm tạo để hỗ trợ phát triển ý tưởng thật sự có tiềm năng. Ba là, hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại các quỹ như Quỹ bảo lãnh DN nhỏ và vừa chẳng hạn. Bốn là, miễn giảm thuế, đặc biệt là thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án khởi nghiệp...

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với TP Cần Thơ, DN cần được chính quyền hỗ trợ về mặt bằng để hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, cho rằng: Yêu cầu này rất bức thiết, nhất là đối với DN nhỏ và vừa khi thành phố đang thực hiện quy hoạch đô thị với nhiều thay đổi trong việc sử dụng đất đai. Đồng thời, công cuộc cải cách hành chánh, cần có sự đồng bộ trong việc thực hiện cũng như giải quyết khiếu nại vướng mắc của DN, quy trình thủ tục hết sức nhanh gọn và tiết kiệm thời gian cho DN.

Thời gian tới, UBND thành phố, các sở ngành tiếp tục duy trì hoạt động đối thoại, gặp gỡ DN thường kỳ. Do đó, khi gặp khó khăn, cần đề xuất, kiến nghị vấn đề gì, DN đăng ký với UBND thành phố hoặc đến trực tiếp các sở ngành hữu quan để được hỗ trợ kịp thời. “Thành phố sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện về mọi mặt để DN vững tin trong hoạt động lập nghiệp, khởi nghiệp. Ngoài các lĩnh vực truyền thống, Cần Thơ mong muốn thu hút đầu tư, kêu gọi thành lập DN về nông nghiệp sạch, dịch vụ các loại, văn hóa, vui chơi giải trí, các ngành nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Đồng thời, tiếp tục sát cánh cùng DN thông qua qua các hoạt động như: dự báo thị trường; giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ đối với  các thương vụ có tranh chấp; hoàn thiện hạ tầng để DN phát triển sản xuất, giao thương…” - ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Động lực mới từ Nghị quyết số 10

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Từ chỗ chúng ta không thừa nhận sự tồn tại của KTTN, coi đó là nguồn gốc dẫn đến sự hình thành chủ nghĩa tư bản, đến nay chúng ta coi KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước tiến dài trong nhận thức lý luận của Đảng, là kết quả tổng kết thực tiễn của 30 năm đổi mới.

Thành ủy Cần Thơ đang triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trên cùng với 2 nghị quyết còn lại của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Về cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả DN nhà nước. Theo ông Hồ Truyền Thống, Đảng ủy Khối DN TP Cần Thơ, các cơ quan tham mưu ở Trung ương và địa phương nghiên cứu ban hành các chính sách cụ thể để các DN thuộc các thành phần KTTN dễ dàng tiếp cận các nguồn lực, như: vốn, đất đai, chính sách thuế… Bên cạnh đó cần có chế tài và thực hiện chế tài hiệu quả đối với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế. Quy định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể, hội nghề nghiệp trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN, người lao động, người sử dụng lao động, nhất là lao động là đảng viên.

NHÓM PV KINH TẾ

Chia sẻ bài viết