08/11/2017 - 21:41

Phát triển kinh tế tư nhân ở TP Cần Thơ: Nâng tầm doanh nghiệp Việt

Bài 3: Nội lực hạn chế - Cần giải pháp để khắc phục 

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một trong 3 nghị quyết quan trọng của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), chỉ ra: KTTN có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ kinh doanh; trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên?      

Thiếu thông tin

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, nhận định: Đa phần doanh nghiệp (DN) vẫn loay hoay với bài toán vốn, thị trường đầu ra, các vấn đề khách quan và nội tại khác. Để giữ vững “con thuyền” kinh doanh trong cơn sóng gió, các doanh nhân phải lao tâm, khổ trí rất nhiều.

Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, cùng với cả nước, phong trào khởi nghiệp tại TP Cần Thơ phát triển mạnh mẽ, số DN đăng ký thành lập mới tăng đáng kể. Riêng 10 tháng năm 2017 thành phố đã phát triển trên 1.100 DN các loại hình.

Tuy nhiên, đối với mỗi DN mới thành lập đòi hỏi rất nhiều yếu tố để tồn tại và phát triển ổn định, bền vững. Công ty TNHH MTV Minh Đức Thành, quận Thốt Nốt - từ một hộ cá thể chuyên nuôi và cung ứng cá tra thương phẩm đã phát triển lên DN chế biến khô cá nạc.

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Đức Thành, chia sẻ: Giai đoạn đầu mới thành lập, công ty phải đối mặt với nhiều thách thức về đầu tư dây chuyền sản xuất, nghiên cứu sản phẩm, phân tích thị trường và thị hiếu khách hàng, quảng bá sản phẩm.

Dù đã có kinh nghiệm quản lý chất lượng đầu vào, song vấn đề đầu tư dây chuyền chế biến, kiểm soát chất lượng…, công ty phải làm từng bước. Và vấn đề khó nhất chính là thiếu thông tin thị trường, còn yếu trong giải pháp quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Lãnh đạo thành phố tham quan mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc. Ảnh: MINH HUYỀN

Nhiều DN hiện nay vẫn sản xuất kinh doanh theo cách truyền thống, sản xuất sản phẩm rồi bán hàng mà chưa quan tâm nhiều đến xây dựng thương hiệu. Là DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, ông Viên Tuấn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Quảng cáo Miền Tây 24h, chia sẻ:

Hiện nay, nhiều DN tại Cần Thơ vẫn chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, thậm chí nhiều DN nghĩ rằng làm thương hiệu là chỉ cần có logo sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình xây dựng thương hiệu đòi hỏi DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh DN, minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, DN có thể phát triển thương hiệu để đưa lên sàn chứng khoán nhằm làm tăng giá trị thương hiệu và giá trị của DN.

Nhiều chuyên gia cho rằng, DN đang gặp khó là do có quá nhiều thủ tục mới khi gia nhập thị trường, như: thủ tục thành lập phải mã hóa ngành kinh doanh; đăng ký qua mạng cũng chưa dễ tự thực hiện; quá nhiều “giấy phép con” chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn thực phẩm, phòng cháy, môi trường; phù hợp quy chuẩn, quy hoạch; chứng chỉ hành nghề, bằng cấp…

Và thực tế đã hình thành thị trường ngầm để mua bán, thuê mướn những thứ cần cho thủ tục. Bên cạnh đó, trên thực tế vẫn thấy có ý kiến “phân bì” giữa DN Nhà nước, DN nước ngoài và DN khối KTTN trong một số lĩnh vực độc quyền kinh doanh, ưu tiên dự án, cơ chế thanh tra, kiểm tra...

Thiếu vốn, không am tường quy trình

Đối với các DN đã hoạt động trong nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm trên thương trường vẫn luôn vấp phải những khó khăn từ thị trường, từ đối thủ cạnh tranh cùng ngành nghề và từ những yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

Thực tế cho thấy, các DN tại TP Cần Thơ đa phần là DN nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, DN không chỉ thiếu vốn đầu tư, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh mà còn hạn chế về khả năng quản trị.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP Cần Thơ, chia sẻ: Ngành ngân hàng không thiếu vốn, nhưng DN nhỏ và siêu nhỏ thường than phiền về việc khó tiếp cận vốn do thiếu tài sản thế chấp để đảm bảo điều kiện vay vốn.

Tuy nhiên, tài sản chỉ là yếu tố xếp sau trong các điều kiện cho vay của ngân hàng. DN muốn vay vốn, trước tiên, ngân hàng xem xét tính khả thi của dự án, xem xét các hồ sơ, thủ tục cần thiết sau đó mới xét đến tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, do hạn chế về khâu quản trị, thiếu minh bạch về báo cáo thuế, báo cáo tài chính nên DN nhỏ và siêu nhỏ thường không đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định.

Nhà lưới trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa. Ảnh: MINH HUYỀN

DN mới thành lập thường e ngại về các thủ tục hành chính ban đầu và mất nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin trước khi tiếp xúc với ngành chức năng.

Bà Lâm Việt Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, chia sẻ: Những ngày đầu bắt tay vào Dự án sản xuất và chuyển giao công nghệ rau sạch theo chuẩn châu Âu, công ty gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian do chưa am hiểu về quy trình, thủ tục đăng ký dự án; các thủ tục xin cấp phép xây dựng khu nhà lưới trồng rau.

"Thiết nghĩ, ngành chức năng cần tận tình hơn trong việc hướng dẫn DN mới thành lập, nhất là DN trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hoàn thiện thủ tục, tạo mọi điều kiện để DN đầu tư, sản xuất và kinh doanh thuận lợi"-Bà Lâm Việt Hòa nói.

Đối với những DN trong giai đoạn ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp, vai trò hỗ trợ từ ngành chức năng là rất quan trọng. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ này vẫn còn hạn chế, khiến DN khó tiếp cận.

Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP), thời gian qua, mặc dù KVIP có nhiều chính sách ưu đãi cho DN trong giai đoạn ươm tạo, như: Miễn thuế nhập khẩu đối với trang thiết bị phục vụ ươm tạo trong nước chưa sản xuất được; hỗ trợ chi phí đào tạo đối với cán bộ và công nhân của DN ươm tạo; hỗ trợ chi phí mua thiết bị, vật tư phục vụ nghiên cứu ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp…

Tuy nhiên, mô hình vườn ươm còn khá mới mẻ, ngành nghề ươm tạo hạn chế nên số lượng DN tham gia còn ít. Mặt khác, DN vẫn chưa thực sự quan tâm đầu tư vào hoạt động R&D và nhân sự tham gia vận hành, quản lý DN chưa có nhiều kinh nghiệm.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thuận lợi và khó khăn sẽ luôn song hành. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, chia sẻ: Nếu nhìn lại DN Cần Thơ thì nỗi lo chắc sẽ nhiều hơn vì xuất phát điểm của DN chúng ta còn nhỏ về quy mô và thiếu nhiều điều kiện để cạnh tranh quốc tế với quy định rõ ràng, đòi hỏi tính tuân thủ và minh bạch cao.

Hàng hóa của Cần Thơ chủ yếu là hàng nông thủy sản với yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng và tính an toàn cho người tiêu dùng, về nguồn gốc xuất xứ; là những yêu cầu mà trước nay chúng ta cũng chưa hoàn toàn yên tâm trong sản xuất. Thời gian qua, DN gặp nhiều khó khăn nên sức cạnh tranh càng hạn chế, việc tổ chức sản xuất và công tác quản trị còn có những lổ hổng cần có những giải pháp khoa học và thực tiễn để lấp kín.

Ông Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ:
Đổi mới phù hợp với yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0

Các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân thành phố cần thường xuyên đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm. Từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận; cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động.

Doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Xây dựng và giữ gìn đạo đức kinh doanh, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng. Xây dựng thương hiệu và chữ “tín” trong kinh doanh, đảm bảo an toàn lao động; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

NHÓM PV KINH TẾ

(Còn tiếp)

Bài cuối: Đồng hành, phục vụ doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết