21/07/2010 - 09:58

Một số trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Cần Thơ giai đoạn 1945-1975

Bài 2: Lẫy lừng chiến thắng Ông Hào

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang (LLVT) Cần Thơ đã tổ chức, tham gia hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 129.000 tên địch, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, trận chống càn tại kinh Ông Hào, xã Trường Long, huyện Ô Môn (nay là huyện Phong Điền) của Tiểu đoàn Tây Đô vào ngày 8-6-1965, đánh bại cuộc càn quét cấp sư đoàn, tiêu diệt gọn tiểu đoàn “Cọp đen” khét tiếng của địch, là một trong những trận đánh điển hình trong giai đoạn này, khẳng định sự trưởng thành của LLVT Cần Thơ về nhiều mặt…

Lễ khánh thành bia kỷ niệm chiến thắng trận Ông Hào. Ảnh: TÔ HOÀNG VŨ. 

Cuối năm 1964, theo đánh giá của phía Mỹ, quân ngụy không đủ sức đương đầu với quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tình thế đó buộc đế quốc Mỹ phải leo thang chiến tranh. Trên chiến trường Cần Thơ, địch củng cố và nâng cao khả năng tác chiến cho quân chủ lực và bảo an, nâng tổng số lực lượng lên đến 8.383 tên, cố vấn Mỹ và chư hầu lên 1.652 tên. Chúng tăng cường tối đa tiềm lực quân sự cho các cuộc hành quân, càn quét từ cấp tiểu đoàn đến trung đoàn để khôi phục lại kế hoạch bình định, lập ấp chiến lược. Đồng thời, chúng đưa sư đoàn 21 ngụy đứng chân trên địa bàn tỉnh Cần Thơ, làm lực lượng chủ lực cho các cuộc hành quân, càn quét. Tướng Đặng Văn Quang, Tư lệnh vùng IV chiến thuật tập trung tối đa tiềm lực quân sự cho các cuộc càn quét của sư đoàn 21: Máy bay trinh sát chỉ điểm cho pháo binh, không quân bắn dọn đường, bộ binh theo sau càn quét, giết người cướp của, thẳng tay tàn sát người dân vô tội, tìm diệt lực lượng của ta... Đầu tháng 6-1965, theo lệnh tướng Đặng Văn Quang, chúng tập trung lực lượng lớn gồm: trung đoàn 31, hai tiểu đoàn của trung đoàn 32, 1 tiểu đoàn của trung đoàn 33, thuộc sư đoàn 21, tiểu đoàn biệt động quân số 44 và tiểu đoàn bảo an 29 của tỉnh Phong Dinh... càn quét vào hai huyện Ô Môn và Châu Thành. Mục tiêu của chúng là tìm diệt Tiểu đoàn Tây Đô – đơn vị vũ trang đầy đủ theo biên chế chính quy do Tỉnh ủy và Tỉnh đội Cần Thơ thành lập mới chưa đầy một năm nhưng đã tổ chức, tham gia đánh nhiều trận làm cho địch khốn đốn, thiệt hại nặng nề.

Để đối phó với âm mưu mở rộng càn quét quy mô lớn của địch, Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội chủ trương phải tổ chức lực lượng đánh ngăn chặn, phá vỡ kế hoạch hành quân tìm diệt của địch, khôi phục các cơ sở cách mạng, mở rộng thêm vùng giải phóng. Lúc bấy giờ, Tiểu đoàn Tây Đô có 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội trợ chiến, 1 đại đội đặc công, 1 trung đội trinh sát, 1 trung đội thông tin, 1 trung đội dân y và bộ phận đoàn bộ với quân số hơn 1.300 cán bộ, chiến sĩ, phần đông trưởng thành từ du kích các xã, bộ đội địa phương huyện và các đại đội bộ binh của tỉnh. Tiểu đoàn Tây Đô được Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội giao nhiệm vụ phòng ngự ngăn chặn và bẻ gãy cuộc hành quân càn quét của địch vào xã Trường Long. Đồng chí Bùi Quang Đơ, Tiểu đoàn trưởng, cùng Ban Chỉ huy tiểu đoàn đã tổ chức khảo sát thực địa khu vực chung quanh kinh Ông Hào, hợp nhất kế hoạch và phương án tác chiến. Kinh Ông Hào thuộc ấp Trường Thọ, xã Trường Long, huyện Ô Môn (nay là huyện Phong Điền), bắt nguồn từ rạch Phong Điền chạy về hướng Tây Nam tiếp giáp kinh Tắc đến ngã ba kinh Trà Ếch Đại (kinh mới), có chiều dài 4 km, rộng khoảng 10 mét. Đối diện với kinh Ông Hào là rạch Càng Đước, giữa hai kinh, rạch này có kinh Tắc cắt ngang, khu vực này người dân quen gọi là khu Áng Khám. Với địa hình nông thôn, vườn ruộng, cây cối rậm rạp, kênh mương chằng chịt, khu vực Áng Khám – Ông Hào thuận lợi cho ta xây dựng công sự trận địa phòng ngự, đánh địch càn quét, gây khó khăn cho địch trong việc cơ động lực lượng tấn công, tiếp cận.

Đêm 7-6-1965, Tiểu đoàn Tây Đô bí mật đưa lực lượng về khu vực Áng Khám – Ông Hào xây dựng trận địa phòng ngự, bố trí lực lượng chuẩn bị chống càn. Trong đó: Đại đội 20 do Đại đội phó Lê Hồng Minh chỉ huy, xây dựng công sự trận địa phòng ngự tại khu vực Áng Khám, ngăn chặn hướng tiến công chủ yếu của địch từ kinh Ông Hào đổ bộ vào, hướng này còn có sự tham gia của Đại đội địa phương quân Ô Môn, trong đó có 1 trung đội nữ địa phương quân; Đại đội 31 do đồng chí Đặng Văn Bính chỉ huy, được phân công xây dựng công sự tại bờ bắc kinh Ông Hào, cách nhà thờ Ông Hào trên 1 km; Đại đội Đặc công do đồng chí Hồ Công Xoàn chỉ huy, được phân công án ngữ ở bờ tây nam kinh Ông Hào, xây dựng công sự trận địa đối diện với Đại đội 31, phòng ngự đánh địch tiến công càn quét hoặc chi viện từ hướng đông vào kinh Ông Hào; Đại đội 23 do Đại đội phó Bùi Quang Nhung chỉ huy bí mật bố trí lực lượng ở bờ đông nam kinh Ông Hào, phòng ngự đánh địch tiến công càn quét từ hướng nam (ngã tư Trà Ếch); Đại đội 28 do Đại đội phó Nguyễn Sanh chỉ huy bố trí lực lượng ở bờ tây nam kinh Ông Hào, cùng các bộ phận thông tin, hỏa lực, đoàn bộ...

8 giờ 30 phút ngày 8-6-1965, tiểu đoàn 44 biệt động ngụy từ kinh Trà Ếch càn qua kinh Áng Khám, đánh thẳng vào đội hình của Trung đội nữ địa phương quân Ô Môn. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, Trung đội nữ địa phương quân, Đại đội địa phương quân Ô Môn với sự tiếp sức kịp thời của Đại đội 20 dũng cảm đánh trả quyết liệt không cho địch chiếm trận địa. Địch tập trung hỏa lực mạnh, gọi thêm phi cơ và pháo binh tiếp viện, nhiều lần chiếm được công sự của trung đội nữ. Dù có nhiều chị bị thương, hy sinh nhưng các chị đã kiên cường đánh địch bật ra khỏi công sự, khôi phục lại trận địa, buộc chúng tháo chạy ra đồng chờ lực lượng chi viện. Địch phải điều động trung đoàn 31, tiểu đoàn bảo an 29 và một tiểu đoàn của trung đoàn 32 chia làm 3 mũi đánh vào Đại đội 20 và trung đội nữ. 9 giờ 30 phút, toàn trận địa của Đại đội 20 nổ súng đánh địch, trận địa vô cùng ác liệt, lực lượng địch hơn ta gấp 20 lần, hỏa lực mạnh hơn gấp chục lần, với sự yểm trợ của máy bay trực thăng cộng đạn pháo của địch từ Cái Tắc, Cái Răng tập trung đánh vào khu vực Áng Khám. Sau hơn 10 đợt tấn công đều thất bại và bị thương vong khá nhiều, địch lui ra xa xin chi viện. 12 giờ cùng ngày, địch đưa thêm 2 tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn 33, sư đoàn 21, từ trực thăng đổ bộ cách kinh Ông Hào 1.500m nhằm tấn công từ phía sau Đại đội 20 của ta. Chúng chia làm 2 mũi hành quân vào kinh Ông Hào gặp phải Đại đội Đặc công và Đại đội 31, Tiểu đoàn Tây Đô chờ sẵn. Sau khoảng 10 phút chiến đấu ác liệt, địch lớp chết, lớp bị thương rút chạy tán loạn ra đồng trống. Nhận được tin mấy tiểu đoàn đều bại trận, Tướng Đặng Văn Quang ra lệnh “tung” tiểu đoàn “Cọp đen” tinh nhuệ, có chiến thuật đánh công sự giỏi (thuộc trung đoàn 33, sư đoàn 21) đổ bộ bằng đường hàng không cách kinh Áng Khám và Ông Hào 1.500 m về phía Tây Nam. Chúng chia làm 3 mũi tấn công Đại đội 20. Được trinh sát báo tin, Đại đội 28 và các bộ phận của Sở chỉ huy Tiểu đoàn Tây đô tổ chức phục kích địch, đồng thời điều động Đại đội 23 vào trận đánh. Lúc này, máy bay chiến đấu phản lực ném bom dữ dội vào đội hình Tiểu đoàn Tây Đô, đồng chí Huỳnh Văn Tèo, chiến sĩ liên lạc của tiểu đoàn (quê ở Long Mỹ), đã dùng súng trường Garan Mỹ bắn rơi 1 máy bay phản lực B.57. Nhìn thấy máy bay địch bốc cháy cắm đầu xuống kinh Ông Hào, các đơn vị đều phấn khởi, hò reo tấn công át cả tiếng bom địch. Trước tình thế khốn đốn đó, để cứu nguy cho tiểu đoàn Cọp đen, Mỹ hạ lệnh cho 3 máy bay ném bom hủy diệt nhà thờ Ông Hào, dù chúng biết nhà thờ cách xa trận địa. Vụ ném bom thảm sát này khiến gần 200 giáo dân, đa số là người già, trẻ em, nữ tu bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Hành động thảm sát của địch khiến cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân càng căm thù, quyết tâm tấn công tiêu diệt tiểu đoàn Cọp đen ác ôn khét tiếng, có nhiều nợ máu với nhân dân. Sau 20 phút chiến đấu, khí thế dũng mãnh của quân ta khiến cho kẻ thù khiếp vía, tháo chạy. Nhân lúc địch đang lúng túng, ta tổ chức họp khẩn cấp, triển khai kế hoạch bố trí các đại đội tập kích đánh địch. 19 giờ 30 phút cùng ngày, được tin trinh sát báo về địch co cụm lại đóng quân cách ta khoảng 700 m nên Đại đội 23 được lệnh hành quân tiến vào vị trí tập kích. Trong ngày hôm đó, đồng chí Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) Chính trị viên Đại đội đang đi học chính trị cách đơn vị hơn 10 km, hay tin đơn vị bị địch càn đã xin phép chạy bộ về, kịp thời lãnh đạo đơn bị chiến đấu. Tuy nhiên, Đại đội 23 mới di chuyển hơn 70 mét đã đối đầu với địch. Lúc này, máy bay chiến đấu và pháo của địch bắn xối xả vào đội hình của đại đội, trong tình thế nguy cấp, đồng chí Lê Thanh Sơn và Bùi Quang Nhung (Đại đội phó) lệnh cho toàn đại đội chia làm 2 mũi: Một mũi đánh thẳng vào sở chỉ huy địch và một mũi đánh vào bên sườn phía sau, gây cho địch tổn thất nặng nề. Do trận đánh diễn biến rất nhanh, Đại đội 28 lên chi viện không kịp, cán bộ chiến sĩ Đại đội 23 dũng mãnh tung hoành trong đội hình phòng ngự của địch. Sau 10 phút chiến đấu ác liệt, Đại đội 23 đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn Cọp đen ngụy.

Trận đánh thắng lợi vẻ vang tại kinh Ông Hào của Tiểu đoàn Tây Đô là trận tập kích lớn đầu tiên của LLVT Cần Thơ, phá vỡ cuộc hành quân càn quét qui mô do cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật của địch chỉ huy, khiến ngụy quân, ngụy quyền dao động, khiếp sợ. Thắng lợi này đã minh chứng khả năng tác chiến lấy ít địch nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại của LLVT ta. Trận phòng ngự chống càn giữa ban ngày chuyển sang tập kích địch vào ban đêm, chủ động tập kích địch lâm thời phòng ngự của Tiểu đoàn Tây Đô đã mở ra cách đánh mới, sáng tạo, phù hợp với địa hình, kết hợp với xây dựng hệ thống công sự chữ Z, chữ L có nắp bằng đất vững chắc, đảm bảo phòng ngự và tiến công trong mọi tình huống. Trong trận này, ta đã tiêu diệt 674 tên địch, bắt sống 50 tên, bắn rơi 1 máy bay B. 57, thu 3 khẩu đại liên, 9 trung liên, trên 200 súng các loại... Chiến thắng Ông Hào đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của LLVT Cần Thơ, góp phần đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ – ngụy. Với chiến công xuất sắc này, Tiểu đoàn Tây Đô đã được Bộ Tư lệnh Miền tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba; đồng chí Lê Thanh Sơn được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì. Cuối năm 1965, Đại đội 23 được Khu Tây Nam bộ khen tặng là lá cờ đầu diệt Mỹ – ngụy ở miền Tây năm 1965.

K.C (Tổng hợp)

Bài 3: “HẠ GỤC” CHI KHU MỘT NGÀN

Chia sẻ bài viết