20/12/2008 - 20:02

Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 22-12

Bác sĩ Quân y Huỳnh Trung Thu
Một mẫu mực về y đức

Đồng chí Huỳnh Trung Thu giờ vui với việc chăm sóc cây cảnh.
Ảnh: NGỌC ANH

Bạn bè thường gọi anh là Năm Thu. Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo bên bờ sông Cái Bé thuộc xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá. Truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương đã hình thành ở anh Năm Thu lòng yêu nước thương dân và chàng thanh niên Huỳnh Trung Thu đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1956, Huỳnh Trung Thu gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ, được giao nhiệm vụ: làm công tác y tế để lo sức khỏe cho đơn vị.

Năm 1962, sau khi được đào tạo lớp y tá bổ túc ở Bạc Liêu về, Năm Thu được phân công phụ trách Quân y của tỉnh cùng với 14 đồng chí khác. Là cán bộ trẻ, nhưng Năm Thu đã được cả tập thể tín nhiệm cao, kể cả các đồng chí có tay nghề hơn, có quá trình tham gia chống Pháp - để cùng nhau hết lòng phục vụ thương binh và nhân dân...

Lúc đó, cơ quan Quân y còn nhiều thiếu thốn từ phương tiện kỹ thuật đến thuốc men và nhiều thứ cần thiết cho thương binh. Trình độ chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có hạn. Đã không ít trường hợp cả đơn vị bất lực nhìn thương binh hy sinh do thiếu thuốc và các phương tiện điều trị khiến anh Năm Thu day dứt trong lòng. Để có chỗ cho thương binh nằm điều trị, anh cùng các anh chị em vận động bà con nuôi và chứa thương binh trong hầm bí mật của nhà dân. Những địa bàn Trà Ếch, Xẻo Sơn, Rạch Vong, Mương Củi... từng là điểm tựa của quân y trong những năm chiến tranh. Từ đây, các thương binh lành vết thương trở về đơn vị, mang theo tình sâu nghĩa nặng của đồng đội, đồng bào và vững bước vào cuộc chiến đấu.

Chiến trường Cần Thơ ngày càng nóng bỏng. Cường độ chiến tranh lên cao, qui mô tác chiến của bộ đội và du kích tăng lên, thương binh càng nhiều. Để đáp ứng việc chăm sóc thương binh, anh Năm Thu đề xuất mở lớp tập huấn cấp tốc để bổ sung người phục vụ thương bệnh binh. Quân y tỉnh do anh phụ trách mở lớp y tá để nâng cao trình độ cho các đồng chí cứu thương đã có quá trình lăn lộn trên chiến trường. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ y tế ở cơ quan Quân y tỉnh và tại các phân đội chiến đấu. Anh Năm Thu còn tổ chức các trạm xá quân y tỉnh ở hai khu vực Ô Môn- Châu Thành và Phụng Hiệp... bảo đảm mạng lưới Quân y tỉnh phục vụ sát với chiến trường Cần Thơ xa sự chi viện của Quân y tuyến trên.

Nhớ lại trong trận đánh Kinh Dậy, xã Trường Long, vào tháng 4 năm 1962. Rất đông thương binh và dân bị thương do máy bay ném bom được đưa về rạch Cái Mà, nơi Quân y đóng quân. Lúc ấy, các cán bộ, chiến sĩ quân y phải vừa chăm lo thương binh, vừa phải cấp cứu cho dân. Với dân, bà con được sơ cứu, các đồng chí ta vận động nhân dân ra các Bệnh viện ở Cần Thơ buộc địch bồi thường và chữa trị. Với thương binh, đơn vị phân loại xử lý và phân tán về các điểm nuôi dưỡng. Lần ấy, thương binh Lê Văn Thành, quê xã Thạnh Xuân, bị lủng ruột già phải phẫu thuật. Đại phẫu là việc anh Năm Thu và các đồng chí trong đơn vị chưa từng làm. Diễn biến vết thương ngày càng xấu, không mổ là không cứu được. Anh Năm Thu vừa báo cáo về Trưởng ban Quân sự tỉnh vừa tổ chức hội chẩn. Không thể chờ đợi hơn nữa, anh quyết định phẫu thuật. Ca phẫu thuật đã được tiến hành suôn sẻ: vá 3 lỗ thủng đại tràng, thành bụng đóng lại, chăm sóc hậu phẫu. Khó tả được niềm vui của các đồng chí quân y khi đồng chí Thành có nhu động ruột báo hiệu tình trạng bệnh tiến triển tốt. Lần đó, cũng có trường hợp đồng chí Bảy Thổng, Bí thư chi bộ xã Nhơn Nghĩa, bị tàu sắt bắn bị thương nơi ruột non và được xử lý cắt lọc, nối lại. Hai trường hợp đó như một kỳ tích: anh Năm Thu- y tá bổ túc và ê-kíp đã thực hiện thành công phẫu thuật vết thương bụng.

Lần khác, trong trận đánh ở Kinh Chệt Thợ, xã Trường Long, Ô Môn, ngày 25-4-1962. Lần đầu tiên, ta đánh trả chiến thuật trực thăng vận. Ta thắng lớn, nhưng lại tổn thất nặng. Thương binh lên đến số trăm mà nhiều nhất là bị phỏng nặng do bom dầu. Bộ phận quân y của đồng chí Huỳnh Trung Thu với trang thiết bị kỹ thuật và thuốc men thiếu thốn lại phải tiếp nhận điều trị ngần ấy con người. Đơn vị vận động bà con vùng Trà Ếch, Cái Mà giúp sức. Trong điều kiện vừa tiếp nhận thương binh và phải lo đối phó với máy bay địch, anh Năm Thu bình tĩnh phân tán thương binh và nhờ Quân y huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, giải tỏa bớt số thương binh đã hồi phục. Tình trạng căng thẳng kéo dài cả tuần, nhưng thương binh đều được an toàn.

Trận đánh Ông Hào, ngày 8-6-1965, Tiểu đoàn Tây Đô thắng lớn. Lần đầu tiên, bộ đội địa phương tỉnh diệt gọn một Tiểu đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn 21 của ngụy. Tuy nhiên cán bộ, chiến sĩ ta bị thương rất nhiều. Ngày hôm sau, tốp thương binh đầu tiên được đưa về đến kinh Hội đồng Thơm, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá, nơi quân y Cần Thơ đang đóng chốt. Anh Năm Thu nhanh chóng triển khai bàn mổ, tiếp nhận và cấp cứu thương binh. Nhân dân Hòa Hưng vốn một lòng với cách mạng đã tích cực giúp đỡ bộ đội. Trên đầu, máy bay địch ném bom liên tục. Mặc bom đạn, anh Năm Thu và các thầy thuốc đã đứng suốt bên bàn mổ, không ăn, không ngủ, với tinh thần tất cả vì thương binh. Anh Năm Thu luôn có quan niệm: không để thương binh bị thương lần hai hoặc hy sinh, cán bộ Quân y có đói cũng nhất quyết không để thương binh thiếu đường, sữa... Người cán bộ phụ trách quân y Năm Thu luôn là niềm tin cho bộ đội, nhân dân, nhất là thương binh. Trận Ông Hào thắng lớn, ngoài công lao, xương máu của người lính ở chiến trường thì có phần công lao không nhỏ của đơn vị quân y và anh Năm Thu trong việc chữa chạy, chăm sóc thương binh.

Năm 1970, Đại học Quân y mở lớp bác sĩ cho Quân khu 9 tại Cà Mau. Anh Năm Thu được cử đi học và đến năm 1972, anh chính thức được công nhận là bác sĩ. Từ năm 1972, anh là Trưởng Ban quân y tỉnh Cần Thơ (cũ). Sau đó, anh được phong hàm Trung tá và làm cán bộ Phòng quân y Quân khu 9 đến năm 1990 thì nghỉ hưu.

Bác sĩ Huỳnh Trung Thu đã cống hiến xuất sắc cho ngành và phục vụ tốt thương binh cho đến cuối cuộc chiến tranh. Đó là người lính, người Đảng viên Cộng sản yêu nước nồng nàn với lý tưởng cách mạng cao cả, hết lòng vì Đảng, vì dân; là con người có tâm trong sáng, cần cù, liêm khiết, khiêm nhường... lấy phục vụ thương, bệnh binh làm lẽ sống, không ham muốn địa vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôn trọng cấp trên, thương yêu cấp dưới... Anh đã đào tạo một thế hệ thầy thuốc tận tụy với người bệnh. Bác sĩ Huỳnh Trung Thu bao giờ cũng đặt quyền lợi của Đảng, của cách mạng lên trên tất cả với hoài bão “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.

Dù ở cương vị nào, bác sĩ Huỳnh Trung Thu vẫn sống giản dị, chân thành với đồng đội, quan tâm sâu sát với anh em bệnh binh, bệnh nhân, xứng đáng với vai trò người thầy thuốc của cách mạng, của quân đội, xứng đáng với danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” được Nhà nước phong tặng vào tháng 12-2001.

LÊ TRỌNG NGHĨA
(Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ)

Đồng chí Huỳnh Trung Thu giờ vui với việc chăm sóc cây cảnh. Ảnh: NGỌC ANH

Chia sẻ bài viết