18/08/2017 - 11:04

ASEAN- thị trường gần nhưng không dễ 

ASEAN là thị trường gần, nhưng không dễ với Việt Nam. Trong suốt hơn 20 năm gia nhập thị trường ASEAN, Việt Nam luôn trong tình trạng thâm hụt thương mại với ASEAN. Quá trình mở cửa thị trường, hợp tác trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thu Hà

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thu Hà

Sáng 18-8, UBND TP Cần Thơ tổ chức Tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN- cơ hội mang lại cho người dân và doanh nghiệp” để chào mừng kỉ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Một số ý kiến cho rằng, có nhiều khác biệt giữa Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là khác biệt về thể chế chính trị, trình độ phát triển… đã và đang tạo ra những thách thức với Việt Nam trong tiến trình phát triển, hội nhập.

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TP Hồ Chí Minh cho biết: Kế hoạch xây dựng tổng thể AEC dựa trên 4 mục tiêu chính là: thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung; khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế cân bằng; hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tính tương đồng về hàng hóa giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN khá cao. Tận dụng các cơ hội ưu đãi thuế quan còn thấp ( khoảng 30%); Việt Nam luôn thâm hụt thương mại với ASEAN… là những thách thức lớn trong tiến trình hội nhập, cạnh tranh. Thêm vào đó, khả năng kết nối chuỗi và cung ứng sản phẩm của Việt Nam không cao trong khối; phụ thuộc quá nhiều vào khối FDI trong xuất, nhập khẩu.

Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 41,36 tỉ USD, chiếm hơn 14% tổng giá trị thương mại của Việt Nam, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 17,5 tỉ USD, chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về đầu tư, tính đến ngày 20-3-2017, các nước ASEAN có 3.219 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 62,65 tỉ USD. Việc tham gia sâu rộng vào liên kết kinh tế ASEAN đã giúp Việt Nam thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư, kỹ thuật từ bên ngoài ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam cũng tranh thủ được những lợi ích thiết thực từ các chương trình hợp tác về thu hẹp khoảng cách phát triển như Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) và tiểu vùng Mekong.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 7 lần so với thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Song, thực tế,  hợp tác Việt Nam với ASEAN sau 22 năm và tuyên bố hình thành các cộng đồng năm 2015; trong đó có AEC nhưng chỉ mới đạt ở mức độ mậu dịch tự do, chứ chưa thực sự liên kết sâu rộng về kinh tế. Chẳng hạn việc thực thi chính sách thương mại chung của khối với các quốc gia ngoài khối. Mỗi nước ASEAN vẫn đang thực thi một chính sách thương mại riêng. Và khi tuyên bố hình thành AEC, thị trường bán lẻ của Việt Nam chịu áp lực rất lớn trước các cuộc đổ bộ của các nước trong khối; đặc biệt là Thái Lan có nhiếu thương vụ lớn, như mua Big C, Metro, một số chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam cũng bị thôn tính.

Do đó, để tận dung các cơ hội từ AEC, Việt Nam cần phải thực hiện cải cách rất nhiều.

Cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam:

Năm 2014: 72% dòng thuế 0%.

Đến 1-1-2015 là 90% dòng thuế về 0%, 7% dòng thuế gồm các mặt hàng nhạy cảm được bảo hộ đến năm 2018 mới về 0%. Còn 3% số dòng thuế (gồm một số mặt hàng nông nghiệp) được loại trừ khỏi cam kết và duy trì thuế suất ở mức 5%.

Như vậy, cam kết về thuế quan của Việt Nam trong ATIGA là sâu nhất so với các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết