16/05/2017 - 15:12

APEC 2017: Tầm nhìn cho hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21

(TTXVN)- Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), sáng 15-5, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh với các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Phát biểu khai mạc, chúc mừng những thành quả xuất sắc và cống hiến của Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cũng như tất cả thành viên về sự tiên phong, những đóng góp nổi bật của Hội đồng đối với hợp tác, thịnh vượng của khu vực trong gần 4 thập kỷ qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương đã khẳng định vai trò là một thể chế đặc biệt, nắm bắt được tâm huyết, trí tuệ của các doanh nghiệp, chính phủ, giới học giả để hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà châu Á- Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, triển vọng của khu vực còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý ba "nhóm" thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn. Một là năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; các thách thức dân số, bao gồm cả già hóa dân số, vấn đề đói nghèo, đô thị hóa, các tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu. Hai là mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Ba là những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng.

Phó Thủ tướng kỳ vọng, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương sẽ xây dựng một Cộng đồng châu Á- Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội, sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, động lực của kinh tế khu vực phải đến từ tăng trưởng có chất lượng, bền vững, sáng tạo, bao trùm, kết nối, liên kết kinh tế sâu rộng… Cùng với đó, các nền kinh tế trong khu vực cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại và đầu tư tự do và mở, các hiệp định thương mại khu vực, các hiệp định tự do thương mại hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương;…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung trong đó có các triển vọng tăng trưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; các thể chế và tiến trình khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần làm để giải quyết các mối quan tâm về vấn đề toàn cầu hóa, hướng tiến tới hội nhập, phát triển, tự do hóa thương mại; vai trò của dịch vụ, đầu tư trong xúc tiến tăng trưởng, hội nhập kinh tế khu vực…

l Cũng trong sáng 15-5, tại Hà Nội, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đã khai mạc. Cuộc Đối thoại có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện các nền kinh tế thành viên APEC.

Đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là hội nghị mở đầu cho 8 hội nghị cấp bộ trưởng trong Năm APEC Việt Nam 2017; thể hiện nỗ lực không ngừng của cộng đồng APEC cũng như của Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực. Các đại biểu tham dự cuộc Đối thoại tham gia các phiên thảo luận tập trung vào một số nội dung chính: Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo sự năng động mới để tăng trưởng; Thúc đẩy cam kết của các bên liên quan trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực; Thông qua khuôn khổ hợp tác APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã chủ trì buổi họp thông báo kết quả Đối thoại cấp cao 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Đối thoại cấp cao APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Khuôn khổ này đề xuất một nhóm các định hướng chính sách, biện pháp thích hợp nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế trong việc chuẩn bị cho người lao động tham gia thị trường việc làm đối phó với những thách thức, cơ hội liên quan đến số hóa. Quan trọng là APEC phải được sử dụng như một diễn đàn khu vực, đối thoại chính sách, hợp tác về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Cùng với đó, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Tuyên bố chung của Đối thoại cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Việc thực hiện các lĩnh vực và hành động ưu tiên của Tuyên bố chung này chủ yếu thông qua Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực và bổ trợ cho các Tuyên bố cấp bộ trưởng như: Tuyên bố cấp Bộ trưởng APEC về giáo dục thông qua tại Lima, Peru năm 2016 và Tuyên bố cấp Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực thông qua tại Hà Nội năm 2014 bao gồm: Tăng cường hợp tác thông qua phối hợp, đại diện và đối thoại xã hội; khuyến khích sự kết nối và các sáng kiến khác của APEC; thúc đẩy sự kết nối với các nhóm công tác khác của APEC.

Chia sẻ bài viết