Hiện lượng nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL rất lớn. Song hiện trạng xâm nhập mặn, hạn hán ở ĐBSCL đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng nước sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất của người dân. Do đó, cần sớm triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm, các mô hình thu gom sử dụng nước mưa, tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước để ứng phó với hạn, mặn.
Hiện nguồn nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chiếm 70%, lĩnh vực công nghiệp chiếm hơn 20% và gần 10% lượng nước còn lại được sử dụng trong dân. Đến thời điểm này, đã có hàng trăm ngàn héc-ta lúa, cây ăn trái
ở vùng ĐBSCL bị thiệt hại do nạn hạn, mặn. Do đó, tiết kiệm nước trong sản xuất lúa, trồng màu và cây ăn trái, giúp nông dân hạn chế thiệt hại và giảm bớt khó khăn trong điều kiện thiên tai tại vùng ĐBSCL. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Việc ứng dụng mô hình quản lý nước thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ cho canh tác nông nghiệp có hiệu quả cần triển khai hoàn chỉnh các công trình thủy lợi, như: kênh, hồ trữ nước, cống, đập, trạm bơm; Chuyển từ trồng lúa sang cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn ở những vùng bị hạn nặng. Ngoài ra, cần ứng dụng các giải pháp kỹ thuật về tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên, góp phần cung cấp nước vừa đủ cho cây trồng phát triển, duy trì độ phì của đất, hạn chế thất thoát nước trong sản xuất. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả các giải pháp tưới tiết kiệm, nông dân cần tưới đúng thời điểm cần nước của cây trồng, liều lượng tưới hợp lý, thỏa nhu cầu nước của cây trồng, phù hợp với điều kiện cơ giới hóa đồng ruộng
Ngoài ra, việc ứng dụng giải pháp thu gom và sử dụng nước mưa để bổ sung thích hợp trong điều kiện nguồn nước suy giảm về chất và lượng dưới tác động của biến đổi khi hậu cũng là giải pháp hữu ích hiện nay.

Nông dân quận Ô Môn, TP Cần Thơ chủ động ứng dụng mô hình tưới phun tự động để tiết kiệm nước, tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất vườn cây ăn trái...
Hiện nay, phần lớn nông dân vùng ĐBSCL có kỹ thuật canh tác chưa cao, sử dụng nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp quá mức, tưới theo kinh nghiệm... Do đó, cần triển khai ứng dụng giải pháp kỹ thuật tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân với mô hình dễ áp dụng, giảm chi phí nhưng mang lại hiệu quả là nhu cầu cần thiết. Điển hình như: mô hình tưới ngập cho các loại cây trồng sống trong điều kiện ngập nước, như: lúa, một số cây ăn trái
giúp hạn chế cỏ dại trong ruộng, giảm nồng độ các chất độc trong đất. Ngoài ra, nông dân còn có thể ứng dụng phương pháp tưới phun, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước tưới trong điều kiện hạn, mặn. Vì biện pháp tưới phun có ưu điểm giảm 40 - 50% lượng nước so với tưới ngập thông thường và có thể ứng dụng trên điều kiện địa hình cao hay thấp. Ngoài ra, tưới phun còn giảm chi phí xây dựng kênh mương nội đồng và cách tưới này còn có thể kết hợp với việc bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tăng độ ẩm cho đất
Bên cạnh đó, nông dân có thể ứng dụng phương pháp tưới nhỏ giọt là cách tưới qua đường ống đặt sát mặt đất hoặc chôn ngầm, có gắn các vòi nhỏ giọt, tốc độ nước ra vào từ 20-80 giọt/phút. Tưới nhỏ giọt đạt hiệu suất tưới trên 90%, có thể hòa tan thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng phương pháp này có thể giảm công lao động tưới
Hiện tại, phương pháp tưới nhỏ giọt hiện đại có kiểm soát bằng máy tính được ứng dụng rộng rãi ở các nước châu Âu và ở Israel, góp phần tiết kiệm nước và hạn chế sự xói mòn đất... chống thất thoát nước, tăng năng suất và thu nhập cho nông hộ.

Nông dân huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh chủ động bơm trữ nước ngọt phục vụ trong sản xuất lúa, trồng màu... để ứng phó nạn hạn, mặn.
PGS.TS Châu Minh Khôi, Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Biện pháp kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ tiết kiệm nước tưới cho lúa giúp tăng năng suất so với cách canh tác truyền thống trước đây. Phương pháp tưới ngập khô xen kẽ đã áp dụng ở vùng đất phèn Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang
đem lại thành công cho nông dân. Ngoài ra, ứng dụng kỹ thuật tưới này, nông dân sẽ giúp đất có thời gian thoáng khí, sự chuyển hóa dinh dưỡng trong đất sẽ tốt hơn
giúp cây lúa phát triển tốt hơn. Mỗi vùng đất ở ĐBSCL có những hình thức áp dụng tiết kiệm nước khác nhau. Nhưng để ứng dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ có hiệu quả đòi hỏi là điều kiện đồng ruộng luôn phải bằng phẳng để mực nước luôn giữ ở mức đồng đều và ổn định... Vì vậy, áp dụng mô hình này sẽ giúp nông dân giảm áp lực thiếu nước tưới, giảm chi phí bơm tưới và thích ứng được trong mùa nước ngọt bị khan hiếm, lượng mưa phân bố không đồng đều. Song vẫn đảm bảo được năng suất và lợi nhuận cho nông dân.
Để chống thất thoát nước, giảm thiểu thiệt hại do tác động của khô hạn đến sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, các ngành hữu quan và ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ hạn, mặn kịp thời. Đối với những vùng chuyên canh tác lúa nên bố trí thời vụ canh tác hợp lý, triển khai ứng dụng các giải pháp tưới phun hiệu quả, ứng dụng các kỹ thuật tưới ngập-khô xen kẽ.... Song song đó, cần nghiên cứu phương pháp tưới tiết kiệm cho hộ nông dân cá thể, như: làm ao trữ nước, có lót nylon dưới đáy để chống thấm hoặc che trên mặt thoáng để giảm bốc hơi. Hạn chế sử dụng nước ngầm, cẩn thận với khả năng bị nhiễm mặn. Cần có chiến lược phát triển và đầu tư hệ thống thủy nông, có chính sách cho nông dân vay ưu đãi để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Vận động các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các dự án thủy nông nội đồng. Nghiên cứu và triển khai các phương pháp tưới tiết kiệm, nghiên cứu các mô hình thu gom sử dụng nước mưa, phổ biến các giải pháp tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước để ứng phó với hạn, mặn.
Bài, ảnh: M. HOA