26/12/2016 - 20:45

An toàn từ sản xuất đến bàn ăn

Đó là đòi hỏi của người tiêu dùng hiện nay. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, các điểm kinh doanh thực phẩm ngày càng chú trọng đến truy xuất nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, các ngành chức năng của TP Cần Thơ đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp để phát triển chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.

Ít điểm cung ứng sản phẩm sạch

 Các đơn vị cung ứng thực phẩm sạch, an toàn tại Ngày hội “Cung ứng nguyên liệu thực phẩm an toàn cho chuỗi nhà hàng khách sạn” giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, ở quận Bình Thủy, cho biết: "Là người nội trợ, ai cũng muốn chế biến món ăn ngon, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Trước những thông tin về thực phẩm "bẩn", tôi rất lo lắng nên cẩn trọng trong chọn lựa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, điểm cung ứng thực phẩm sạch còn quá ít so với nhu cầu thực tế bởi các điểm bán phần lớn tập trung tại khu vực trung tâm, các chuỗi siêu thị lớn". Thực phẩm sạch, an toàn xuất hiện ngày càng nhiều trong các cửa hàng tiện ích và những chuỗi cửa hàng có tên tuổi. Cùng với việc quảng bá, những hình thức khuyến mãi cũng là cách các cửa hàng này thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các cửa hàng thực phẩm sạch hiện nay ở thành phố Cần Thơ chỉ mới phổ biến về rau, củ, quả; các mặt hàng thịt, cá vẫn còn khiêm tốn. Điều này cho thấy, thị trường thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố còn nhiều tiềm năng.

Thực tế, thị trường các sản phẩm nông sản và thực phẩm như: rau, củ, quả, thịt, cá, trái cây, gạo, bánh dân gian, gia vị, bún… có chứng nhận nông sản, thực phẩm an toàn hoặc được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn (VietGAP; Global GAP, Organic,…) vào chuỗi nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, bếp ăn, bếp ăn tập thể… phục vụ du khách và người dân vẫn đang bỏ ngỏ, chưa có sự kết nối. Ông Võ Thanh Tùng, Giám đốc Nhà hàng Lúa nếp, cho biết: "Nhà hàng, quán ăn tập thể là nơi cung cấp lượng lớn thức ăn, do đó việc cung ứng thực phẩm sạch, an toàn cho các nhà hàng là rất cần thiết. Nó không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn là sự sống còn của thương hiệu doanh nghiệp. Để có được nguồn thực phẩm sạch, an toàn nhà hàng phải khảo sát và đặt hàng từ các trang trại nuôi, trồng thực phẩm sạch và an toàn".

Sự bức xúc của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, an toàn cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo và các ngành chức năng thành phố. Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (Trung tâm), vừa qua, Trung tâm phối hợp với Sở Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Ngày hội "Cung ứng nguyên liệu thực phẩm an toàn cho chuỗi nhà hàng khách sạn". Hy vọng ngày hội sẽ là cầu nối giao thương mang ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong việc đẩy mạnh sự gắn kết giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh và phân phối tiêu thụ. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố tìm đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, củng cố và phát triển mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và xây dựng cơ chế chính sách để phát triển chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.

Đẩy mạnh công tác quản lý

Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc Khách sạn Victoria Cần Thơ, cho rằng: "Nguyên liệu sạch luôn là đề tài "nóng", mối quan tâm lớn của người tiêu dùng, đặc biệt tại các điểm cung ứng thực phẩm lớn như nhà hàng, bếp ăn tập thể. Trong quá trình tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch, an toàn, nhất là khi kết hợp với bà con nông dân thông qua các hợp tác xã còn gặp một số khó khăn, trong qui tắc xử lý hành chính, cung cấp thông tin, tài liệu về quá trình sản xuất thực phẩm. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm khi cung ứng đôi khi cũng không được duy trì tốt. do đó, các cơ quan chức năng nên quản lý chặt các đơn vị sản xuất, cung ứng để tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng".

Hiện nay, UBND thành phố Cần Thơ đã giao cho Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án hình thành mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sạch, an toàn; Sở Công thương chịu trách nhiệm về việc phân phối và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Việc hình thành và triển khai các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn phục vụ người dân là vấn đề cần thiết và đặc biệt quan trọng. TP Cần Thơ hiện có 107 chợ, trong đó có 5 chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2 và 53 chợ hạng 3, 33 chợ chưa xếp hạng, 2 chợ nổi, 5 trung tâm thương mại, 8 siêu thị và trung tâm bán buôn và hàng trăm cửa hàng bình ổn giá. Đây là điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm sạch, an toàn tiêu thụ trên thị trường. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: "Năm 2016, để bảo đảm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định phân cấp cho UBND các quận, huyện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc ngành công thương quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đồng thời chủ trì tổ chức và phối hợp tham gia thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố". Trong năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra gần 500 vụ có liên quan đến an toàn thực phẩm, phát hiện và xử lý vi phạm gần 350 vụ với số tiền phạt gần 3 tỉ đồng với các vi phạm chủ yếu về quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và bảo quản thực phẩm, không niêm yết giá, vi phạm về điều kiện con người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (không khám sức khỏe và xác nhận kiến thức ATTP đầy đủ…).

Theo Sở Công thương, trong công tác quản lý còn một số tồn tại, khó khăn. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, một số cơ sở chưa tách khu vực bảo quản nguyên liệu, thành phẩm riêng biệt; điều kiện kho chứa, bảo quản thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức… Mặt khác, việc phát hiện các cơ sở sản xuất sử dụng chất phụ gia cấm dùng, việc quản lý an toàn thực phẩm đối với rau, củ, quả và thịt tươi sống tại các chợ truyền thống gặp rất nhiều khó khăn do không truy xuất được nguồn gốc vì các tiểu thương mua, bán nhỏ lẻ không có hợp đồng mua bán, không có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Các Ban quản lý chợ đôi khi còn lơ là trong việc kiểm tra, kiểm soát các tiểu thương về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa (do thiếu quy định về trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đối với Ban quản lý chợ)… Trong khi xu hướng tiêu dùng hiện nay, người tiêu dùng ưu tiên chọn sản phẩm sạch, an toàn vừa đảm bảo sức khỏe, vừa đảm bảo môi trường sống. Lẽ đó, việc xây dựng và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho các tác nhân như: Chủ cơ sở, trang trại kiểm soát và quản lý cơ sở của mình tốt hơn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng đó, tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn có thể giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình với hiệu quả cao nhất.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt trong những tháng giáp Tết khi nhu cầu thực phẩm của người dân tăng lên 5-6 lần so với ngày thường. Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, củng cố và phát triển mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với chuỗi nhà hàng, khách sạn... Các cơ quan chức năng cần tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và xây dựng cơ chế chính sách để phát triển chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn".

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết