09/01/2020 - 14:32

An Giang siết chặt các biện pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại 

Ngày 9-1, tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết năm 2019, các lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 1.760 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, tăng 16% so với cùng kỳ; tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 66,5 tỉ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ; tổng tiền xử phạt vi phạm và bán hàng hóa hơn là 27 tỉ đồng, tăng 84% so với năm 2018; lực lượng chức năng đã khởi tố 25 vụ/25 đối tượng (giảm 5 vụ/7 đối tượng) về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, trị giá tang vật bị khởi tố trên 2,5 tỉ đồng. Trong đó, thuốc lá điếu nhập lậu bị bắt giữ hơn 912.000 gói, giảm 7,6% so với cùng kỳ; đường cát nhập lậu bị bắt giữ gần 830 tấn, tăng 160% so với cùng kỳ.

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đang kiểm đếm hàng hóa nhập lậu bị bắt giữ. Ảnh: Minh Anh

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 hôm 8-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, yêu cầu ngành chức năng tỉnh siết chặt các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, nhất là trong giai đoạn cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo ông Nưng, để công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trên địa bàn tỉnh từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, theo ông Nưng, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kỹ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức; đề cao vai trò, trách nhiệm người đúng đầu, xem xét, xử lý trách nhiệm những người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cơ quan chức năng và cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Thực hiện nghiêm công tác chuyển đổi vị trí công tác định kỳ theo quy định. Đổi mới công tác tuyên truyền để xã hội nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố phải phối hợp chặt chẽ, nắm chắc tình hình, chủ động dự báo, xác minh thông tin và có kế hoạch, phương án, giải pháp nhằm “hóa giải” những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Trước mắt, cần làm tốt công tác dự báo, bám sát diễn biến thị trường hàng hóa nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân dịp lễ, Tết. Cùng đó, chủ động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung nhóm hàng hóa nổi cộm như: ma túy, vũ khí, pháo nổ, pháo hoa, vật liệu nổ, ngoại tệ, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết như: thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá điếu ngoại, đường cát, bánh kẹo, hoa quả, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, hàng may mặc, thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc ... Đặc biệt, chú ý ngăn chặn các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép heo, các sản phẩm từ heo trên địa bàn.

Minh Anh

Chia sẻ bài viết