30/10/2018 - 08:52

An Giang: Đề phòng sạt lở sau mùa lũ 

Sau mùa mưa lũ, do kết cấu nền đất bờ sông có độ ổn định thấp, cộng với chịu áp lực nước lũ lâu ngày nên rất dễ xảy ra sạt lở. Do đó, đối với các khu vực có nhiều nhà ven sông, rạch, nơi cảnh báo sạt lở… cần chủ động ứng phó với mức độ cao nhất.

ĐBSCL được xem là vùng đất nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 8 năm qua kể từ mùa lũ lớn năm 2011, ĐBSCL mới có được mùa lũ lớn như năm nay. Theo các chuyên gia, năm nay tuy đỉnh lũ ở mức trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, nguy hiểm nhất là gây ra sạt lở ở nhiều nơi.

Gần cuối mùa lũ nhưng mới đây tại thị trấn Long Bình (An Phú) lại xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng cuốn trôi 2 căn nhà xuống sông Hậu. Ông Huỳnh Văn Khoa (một trong những người dân sinh sống hơn 40 năm ở đây) cho biết: “Khoảng 2 giờ 30 phút sáng ngày 19-10, tôi nghe nhiều tiếng động bất thường và ra kiểm tra. Lúc đó, tôi thấy những trụ bê-tông phía trên nhà ông Trí có dấu hiệu sụp lún, nước tạo vòng xoáy khác thường. Tôi liền tri hô, nhiều hộ dân đang ngủ nhanh chóng thức dậy, kịp thời chạy ra khỏi khu vực sạt lở. Chỉ một lúc sau, 2 căn nhà của ông Trí và ông Phong bị sụp lún hoàn toàn xuống sông”. 

Hiện trường vụ sạt lở cuốn trôi 2 căn nhà tại thị trấn Long Bình (An Phú)

Hiện trường vụ sạt lở đất bờ sông dài khoảng 50m, xâm thực vào đất liền gần 20m. Trong khu vực này còn 4 căn nhà với 5 hộ dân sinh sống cần phải di dời. Chủ tịch UBND thị trấn Long Bình (An Phú) Phan Văn Tường cho biết: “Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã tạm thời hỗ trợ để người dân khắc phục hậu quả bước đầu và vận động bà con đến nhà người thân ở tạm. Đây là 2 hộ dân thuộc diện cận nghèo (trong đó 1 hộ thuộc diện chính sách), thị trấn đang xin chủ trương để có hướng hỗ trợ lâu dài. Hiện nay, tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, còn 4 căn nhà (với 5 hộ dân) trong khu vực sạt lở cần phải di dời để đảm bảo an toàn”.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra hơn 30 vụ sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, gây thiệt hại hơn 40 căn nhà và ảnh hưởng hàng ngàn hộ dân khác. Kết quả quan trắc mới nhất cho thấy, Sở Tài nguyên và Môi trường cảnh báo toàn tỉnh có 51 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức trung bình đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn đặc biệt cần chú ý. Tuy số đoạn cảnh báo không thay đổi so năm 2017 và có xu hướng giảm về chiều dài, nhưng lại gia tăng về mức độ nguy hiểm và xảy ra sạt lở nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ.

Theo các chuyên gia, qua đo đạc, tính toán ổn định mái dốc bờ sông cho thấy tại nhiều vị trí mặt cắt có hệ số ổn định K<1, bờ sông có nguy cơ mất ổn định cao. Ngoài ra, lượng nước phân lưu từ sông Tiền qua sông Hậu làm thay đổi chế độ dòng chảy, gây xâm thực bờ sông. Khu vực ven sông, rạch trên địa bàn tỉnh chủ yếu do phù sa bồi lắng, có kết cấu địa tầng yếu, nhất là kết cấu địa chất khối mặt nền. Tầng đất mặt là đất sét xám, pha lẫn mùn hữu cơ nên có độ kết dính thấp, dễ bị xâm thực khi có tác động do thay đổi dòng chảy dẫn đến bào mòn nhanh…

Hiện tại, ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã tăng cường thông tin, cắm thêm biển cảnh báo, khoanh vùng hạn chế người và phương tiện lưu thông. Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra mạng lưới giao thông các tuyến đường để rà soát lại các vị trí thường xuyên bị lũ, có nguy cơ sạt lở và bổ sung các biển báo hướng dẫn đường bộ, đường thủy.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cần tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông nghiêm trọng; về lâu dài cần bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch. Đồng thời, tăng cường triển khai các giải pháp công trình và phi công trình; tổ chức đo vẽ địa hình đáy sông, xây dựng hệ thống bản đồ địa hình làm cơ sở cho việc điều chỉnh vị trí các mỏ khai thác cát sông và đề xuất chỉnh trị dòng chảy, phòng, tránh sạt lở. 

Theo Báo An Giang

Chia sẻ bài viết