03/04/2008 - 10:45

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư:

An Giang cần nâng chất lượng kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi

Trong hai ngày 1 và 2-4, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã thăm và khảo sát về thực trạng nông nghiệp, nông thôn và nông dân tại tỉnh An Giang.

Đồng chí Trương Tấn Sang bày tỏ niềm vui trước những thành quả đạt được của nền nông nghiệp An Giang sau hơn 20 năm đổi mới đất nước. Đây là tỉnh có nhiều chính sách đột phá về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, xây dựng nền nông nghiệp năng động trong hội nhập cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật vào canh tác, tạo tiền đề cho những vụ mùa bội thu. Năm 2007, An Giang đạt mức tăng trưởng kinh tế 13,73%, cao nhất từ trước đến nay. Trong 10 năm từ 1996 đến 2006, giá trị ngành trồng trọt An Giang tăng 2,75 lần, chăn nuôi tăng 1,5 lần, dịch vụ nông nghiệp tăng gần 2 lần, lâm nghiệp tăng 2,1 lần. Nhiều mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại phát triển mạnh tại các vùng nông thôn.

Đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, An Giang cần thực hiện tốt các giải pháp xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, phát huy lợi thế về đất đai, lao động, ngành nghề gắn với huy động các nguồn khả năng đầu tư có trọng tâm trọng điểm nhằm kiện toàn kết cấu hạ tầng nông thôn và các dịch vụ phục vụ sản xuất từng bước nâng cao mức sống nông dân. Bên cạnh đó, cần nâng chất lượng kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình làm giàu phù hợp với thực tiễn như: kinh tế trang trại, mô hình sống chung với lũ, nuôi trồng thủy sản xuất khẩu hoặc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phá thế độc canh cây lúa, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đầu mối và an sinh xã hội trong khuôn khổ các chương trình cụm - tuyến dân cư vùng lũ và tứ giác Long Xuyên...

Đồng chí Trương Tấn Sang quan tâm tới những khó khăn cần tháo gỡ trong sản xuất nông sản hàng hóa; gắn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp với làm tốt công tác giống vật nuôi cây trồng; kiện toàn hạ tầng nông thôn và hạ tầng xã hội; công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn đi đôi với bảo vệ môi trường; hoàn thiện các cụm tuyến dân cư vượt lũ gắn với qui hoạch định hình làng xã văn hóa và xây dựng nếp sống mới tại khu dân cư; phát triển thị trường nông thôn, quan tâm tạo việc làm cho người lao động...

TỐ QUYÊN - MINH TRÍ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết