09/06/2023 - 08:55

Ấm áp lớp học tình thương của trẻ em nghèo 

Bài, ảnh: DUY ANH

Ðến phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, hỏi lớp học tình thương của cô Trần Thị Mươn dành cho trẻ em Khmer nghèo ở khóm 3, ai cũng biết. Hơn 20 năm qua, cô luôn tận tình chăm lo dạy bảo trẻ em bằng những trái tim của một người mẹ chăm lo các con.

Cô Mươn đón các bé có hoàn cảnh khó khăn về nhà chăm sóc và dạy dỗ để đến chiều cha, mẹ các bé đến rước về.

Lớp học tình thương được bắt đầu từ 11 giờ trưa các ngày trong tuần, dưới mái hiên nhà, trong khoảng sân rộng chừng 15m2. Còn trong nhà là những đứa trẻ học tiểu học đang ngủ say, được cô chăm sóc kỹ lưỡng. Ðây là những đứa trẻ con nhà nghèo, cha mẹ đi làm thuê nên được cô rước về cho ăn, ngủ trong nhà, chờ buổi chiều cha mẹ các cháu đến rước về. Căn nhà tuy nhỏ nhưng bằng tấm lòng rộng mở, cô Mươn đã đưa biết bao nhóm trẻ nối tiếp nhau vào lớp 1. Hầu hết trẻ là con em đồng bào dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn, quá tuổi đi học... Cô Mươn cho biết: “Hơn 20 đứa trẻ của lớp đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, đứa thì bệnh trầm cảm, đứa thì cha hoặc mẹ mất, đứa thì cha mẹ ly hôn nên ở với ông bà nội, ông bà ngoại, đứa thì con nhà nghèo, cha mẹ không biết chữ đi làm thuê không có điều kiện đến trường nên tôi dạy chữ miễn phí. Hơn 20 năm nay, tôi không còn nhớ là đã dạy cho bao nhiêu đứa trẻ”.  

Trước đây, vì hoàn cảnh khó khăn, khi học xong sư phạm mầm non cô Mươn đành rời bục giảng, đi làm thuê để nuôi 3 đứa con ăn học. Ðến năm 2000, cô được người thân giới thiệu vào Trường Mầm non Mai Anh, TP Sóc Trăng để dạy chữ cho trẻ em Khmer nghèo, không biết chữ. Sau đó, thấy trẻ em Khmer ở xóm vì nghèo hay lớn tuổi quá không được đến trường, cô quyết định mở lớp dạy miễn phí tại nhà. Dạy xong những trẻ đủ tuổi vào lớp 1, cô Mươn lập danh sách gửi vào Trường Tiểu học Kim Ðồng, phường 5, TP Sóc Trăng. Bà Thạch Thị Day ở phường 5, TP Sóc Trăng, chia sẻ: “Gia đình nghèo, tôi thì lớn tuổi, các con đi làm thuê ở xa nên cháu chưa có khai sanh để đi học. Bây giờ, ngày nào cô Mươn cũng đến nhà chở 2 đứa nhỏ đi học. Nhờ cô Mươn kèm cặp mà cháu biết đọc, viết chữ đẹp nên công ơn này tôi nhớ mãi”.

Ở tuổi 64 tuổi, sự đóng góp của cô Mươn đã giúp nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn biết đọc, biết viết chữ. Càng khâm phục hơn, cô đã nỗ lực để nuôi dạy 3 người con của mình trở thành cô giáo. Ngoài ra, cô còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ quà, tập vở, quần áo, gạo, nhu yếu phẩm tặng trẻ em nghèo. Cô Mươn tâm sự: “Các con tôi đều ủng hộ việc tôi dạy và chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Thấy các cháu đi học đều đặn, biết đọc, viết chữ, biết làm toán, ngoan ngoãn là tôi hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi những đứa trẻ mà tôi từng dạy nay có nghề nghiệp ổn định quay trở lại hỗ trợ để tôi tiếp tục duy trì lớp học”.

Chia sẻ bài viết