22/08/2009 - 08:10

8 nhiệm vụ trọng tâm của Giáo dục tiểu học trong năm học mới 2009 - 2010

Điều chỉnh khung học phí giáo dục nghề nghiệp và đại học công lập năm học 2009-2010
Hỗ trợ 177 triệu USD cho 2 chương trình giáo dục của Việt Nam

Năm học mới 2009 - 2010, giáo dục tiểu học sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; kế hoạch giáo dục và kế hoạch thời gian năm học; chương trình, sách, thiết bị dạy học; đổi mới công tác chỉ đạo dạy học; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và xây dựng trường chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và trong dạy học; các chương trình ngoại khóa.

Theo đó, các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” sẽ được triển khai ở tất cả các trường tiểu học trong phạm vi toàn quốc.

Các Sở Giáo dục tổ chức đánh giá, công nhận các trường đạt danh hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo tiêu chí đã ban hành; tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đồng thời, tập trung chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Các trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, bước đầu thực hiện tích hợp trong dạy các môn học có nội dung về: bảo vệ môi trường; quyền và bổn phận của trẻ em; an toàn giao thông... Đặc biệt, tích hợp dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số vào tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Việc đánh giá, xếp loại học sinh cần được đổi mới; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Các trường tiến hành khảo sát chất lượng đầu năm để phân nhóm học sinh, từ đó xác định phương pháp dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh trong lớp...

* Ngày 21-8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1310/QĐ-TTg về việc điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009-2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2009.

Theo đó, mức học phí một tháng trên một học viên đối với dạy nghề trình độ trung cấp nghề trở xuống là từ 20.000 - 160.000 đồng; trung cấp chuyên nghiệp, từ 15.000 - 135.000 đồng; cao đẳng, cao đẳng nghề từ 40.000 - 200.000 đồng; đại học, từ 50.000 - 240.000 đồng; đào tạo thạc sĩ, từ 75.000 - 270.000 đồng; đào tạo tiến sĩ, từ 100.000 - 300.000 đồng.

Căn cứ vào khung học phí quy định như trên cũng như đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo, hoàn cảnh của học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng loại đối tượng, từng trình độ đào tạo.

* Ngày 21-8 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký Hiệp định tài trợ 177 triệu USD vốn vay và các văn kiện pháp lý liên quan cho 2 chương trình giáo dục của Việt Nam là “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” và “Chính sách phát triển giáo dục đại học giai đoạn 1”.

Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học có vốn vay WB là 127 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan phát triển quốc tế Anh (DFID) là 17 triệu Bảng Anh và của Bỉ là 3 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 26,9 triệu USD. Chương trình được thực hiện tại 35 tỉnh, thành phố trên cả nước từ 2009 đến 2015. Mục tiêu của chương trình nhằm cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam, giảm chênh lệch trong kết quả học tập giữa các vùng miền và tăng tỷ lệ hoàn thành bậc học của học sinh tiểu học bằng việc hỗ trợ để tăng thời gian học tập trên lớp, cải thiện môi trường học tập và giảng dạy của nhà trường, ưu tiên cho nhóm học sinh tiểu học thuộc các quận, huyện và các trường học còn gặp nhiều khó khăn.

Chương trình Chính sách phát triển giáo dục đại học giai đoạn 1 trị giá 50 triệu USD được WB hỗ trợ theo phương thức vay chính sách phát triển (DPL) trong khuôn khổ khoản tín dụng với tổng trị giá 150 triệu USD trong thời gian 3 năm, giải ngân 1 lần/1năm nhằm vào đổi mới các lĩnh vực: quản trị, tài chính, nâng cao và đảm bảo chất lượng, và báo cáo kiểm toán/tài chính trong giáo dục đại học. Mục đích của chương trình là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện “Đề án Đổi mới giáo dục đại học” của Chính phủ (Nghị quyết của Chính phủ số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005).

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết