09/07/2020 - 08:19

6 cách “tự vệ” trên mạng xã hội 

Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram... đang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Mạng xã hội đã mang lại một số lợi ích nhất định nhưng cũng tiềm ẩn không ít hiểm họa, mà một trong số đó là tin giả. Trước tình trạng này, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Bang Arizona (ASU - Mỹ) đã đưa ra 6 lời khuyên giúp người dùng tự bảo vệ mình trên mạng xã hội.

Tin giả đã gây nhiều tác hại không nhỏ đối với cuộc sống của nhiều người và nó đặc biệt hoạt động mạnh khi thế giới hay xung quanh người dùng đang xảy ra những vụ việc thu hút nhiều sự chú ý như dịch COVID-19, các vụ đánh nhau, các đổi mới trong chính sách điều hành của các quốc gia... Những vụ việc này thường dễ bị những nhóm người xấu lợi dụng để tung những tin đồn thất thiệt nhằm phục vụ cho các lợi ích riêng của họ. Chính vì vậy, người sử dụng nên tăng cường cảnh giác để tự bảo vệ mình và người thân trên mạng xã hội.  

1. Cẩn trọng xem xét tin tức đến từ đâu

Theo Scott Ruston, nhà nghiên cứu của dự án Sáng kiến An ninh Toàn cầu của ASU, nếu tin tức xuất hiện trên mạng xã hội Twitter, Facebook, hay Instagram, bạn cần phải đặt câu hỏi: Tin tức đó đến từ ai và đằng sau đó là gì? Nếu tin tức đó cáo buộc một điều gì đó, bạn cần đặt câu hỏi: Nó có lợi cho ai? Tài liệu nguồn đằng sau là gì?

Scott Ruston dẫn chứng Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phát hiện một số chiến dịch tung thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 ở châu Âu. Trong những vụ việc này, các cáo buộc khó chịu về hiểm họa cho người dân được đưa ra là nhằm phá hoại các chính phủ.

2. Nếu nhận thông tin từ mạng xã hội, nên kiểm tra nguồn tin gốc

Kristy Roschke, đồng Giám đốc tổ chức News CoLab của ASU, khuyên: “Khi một người nào đó hỏi bạn, bạn nghe thông tin từ đâu, nếu câu trả lời ngay lập tức của bạn là Twitter, bạn cần phải kiểm tra lại vì bản thân mạng xã hội Twitter không cung cấp thông tin gì”.

Mạng xã hội Twitter chỉ cung cấp một không gian để các người dùng khác viết thông tin lên đó. Bạn cần phải đặt những câu hỏi như: “Mẫu tin đó thực sự là gì?”, “Mẫu tin đó thực sự cho bạn biết điều gì?”, “Người viết tin đó là ai?”, “Có phải là một cơ quan truyền thông mà bạn đã từng nghe tên trước đây?”. Tất cả thông tin này bạn hoàn toàn có thể kiểm tra trong phần hồ sơ của một tài khoản Twitter, mà bạn chỉ cần bỏ thêm vài miligiây để biết. Các cơ quan, người có uy tín thường ghi thông tin rõ ràng trong phần hồ sơ của họ để tăng độ tin cậy.    

3. Trong các bản tin, hãy xem kỹ nguồn và cách được chèn vào

Cũng theo Scott Ruston, bạn hãy xem kỹ cách các nguồn tin được xử lý và trích dẫn như thế nào. Các nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông lớn như AZ Central, CNN và New York Times luôn có một bộ quy tắc chuyên nghiệp và luôn thẩm định các nguồn tin của họ. Bạn cần phải xem trước tiên là khi nào nguồn tin được nêu tên, kế đến là khi nào các tên được giấu đi để bảo vệ nguồn tin.

Bạn nên nghi ngờ các tin tức phụ thuộc duy nhất vào các nguồn tin không rõ ràng mà không có gì là chắc chắn. Cơ quan truyền thông càng đáng tin cậy sẽ ghi rõ nguồn tin của họ và nguồn tin thường là những chuyên gia trong lĩnh vực của họ.

4. Không chỉ đọc tít tin

Scott Ruston cho biết, bạn nên đọc toàn bộ tin tức. Bởi vì, các tít, tiêu đề tin thường gây hiểu nhầm và không phải để cung cấp thông tin cho bạn. Mục đích của các tít tin thực chất là khiến bạn nhấp vào các đường dẫn, mua báo, hay mở kênh. Các biên tập viên thường viết các tít “giật gân” để thu hút sự chú ý của bạn và thường người viết tít không viết nội dung tin, nên họ có thể không nắm đầy đủ nội dung tin. 

5. Ðọc tin từ nhiều nguồn

Cũng theo nhà nghiên cứu Scott Ruston, nếu bạn đọc được điều gì đó, mà ngay lập tức bạn có những xúc cảm quá mức, phẫn nộ hay vui mừng quá mức, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn nên đọc tin tức đó kỹ hơn. Bởi vì các nghiên cứu của ASU đã phát hiện nhiều tin tức sai sự thật thường được thiết kế không phải để cung cấp thông tin mà kích động cảm giác giận dữ hay cảm giác lo sợ. Lúc này, bạn cần kiểm tra thêm các nguồn tin khác để xác nhận thông tin khiến bạn bức xúc. 

6. Khi phát hiện bạn bè và người thân chia sẻ thông tin sai, hãy giúp họ nhận biết

Kristy Roschke cho lời khuyên, bạn hãy luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác nhìn nhận thông tin sai, đừng xúc phạm sự hiểu biết của người khác. Ðừng nhắc lại thông tin sai, bởi vì bạn càng nhấn mạnh, họ thực sự càng nhớ lâu. Việc bạn cần làm là cung cấp thông tin mới cho họ, từ những nguồn tin càng đáng tin cậy càng tốt.

LÊ PHI (Theo ASU)

Chia sẻ bài viết