5 câu hỏi phỏng vấn hành vi dễ gặp nhất |
Khi tham gia phỏng vấn, tùy thuộc vào quy mô công ty, vị trí tuyển dụng, người phỏng vấn… mà bạn sẽ gặp được các loại câu hỏi khác nhau. Và câu hỏi hành vi là một trong số đó. Mục đích của dạng câu hỏi này là đánh giá kinh nghiệm, kỹ năng thực tế… để qua đó, nhà tuyển dụng xem xét bạn có phải là ứng viên phù hợp với công ty hay không.
Hãy cùng tham khảo 5 câu hỏi phỏng vấn hành vi thường gặp sau đây.
Bạn đã từng được giao một nhiệm vụ khó chưa? Bạn đã làm thể nào để hoàn thành nó?
Nhà tuyển dụng việc làm ở Hải Phòng, Hà Nội hay nhiều nơi khác có xu hướng tìm kiếm một ứng viên linh hoạt và nỗ lực hết mình. Có một số tình huống, bạn buộc phải đảm nhận nhiều công việc một lúc hoặc phải nhận việc khó hơi quá tầm với. Đây chính là thách thức và cũng là cơ hội để bạn khám phá thêm năng lực tiềm ẩn của mình.
Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn này, bạn không nên than thở và phàn nàn rằng bạn đã cảm thấy phiền phức hoặc mệt mỏi ra sao. Điều này chỉ cho thấy sự thiếu nỗ lực và thiếu nhiệt thành của bạn với công việc.
Thay vào đó, hãy chủ động chia sẻ về một lần bạn “bị” giao nhiệm vụ khó hơn vị trí bạn đảm nhận. Bạn tự lên kế hoạch và bắt tay vào làm việc từng bước ngay. Nhờ quyết tâm của mình bạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tưởng chừng khó khăn đó. Sau cùng bạn bày tỏ sự biết ơn cơ hội đó vì nhờ nó bạn mới nhận ra và tận dụng khả năng của mình, học hỏi và cầu tiến hơn.
Nếu đồng đội không chịu hợp tác khi làm việc nhóm, bạn sẽ làm thể nào?
Đây là câu hỏi phỏng vấn hành vi để kiểm tra kỹ năng làm việc nhóm của bạn. Hơn thế nhà tuyển dụng cũng ngầm đánh giá bạn có thích hợp với vai trò hạt nhân hoặc quản lý nhóm hay không. Với nội dung câu hỏi này thì bạn vừa phải có sự trung thực vừa phải khéo léo. Bạn không nên phê phán đồng nghiệp hoặc tỏ thái độ bất lực vì có thành viên không chịu hợp tác.
Ngược lại, bạn cần thể hiện thái độ tích cực kết nối và hào hứng khi được làm việc nhóm, đề cập đến sự đoàn kết và hỗ trợ nhau thay vì sự chia rẽ, tiêu cực. Khi có thành viên không chịu hợp tác, bạn và các thành viên còn lại đã cùng nhau tạo động lực cho người đó bằng cách hỏi lý do, tìm nguyên nhân vì sao cá nhân đó lại có thái độ như vậy. Sau đó cả nhóm mở được “nút thắt” để thành viên này thay đổi, hợp tác cố gắng hoàn thành công việc được giao, tất cả là vì mục tiêu chung.
Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ về kinh nghiệm quý giá và thực tế mà bản thân mình đã học được qua hình thức làm việc nhóm. Nó là nền tảng giúp bạn hoàn thành tốt công việc trong tương lai.
Bạn đã từng đối mặt với thay đổi đột xuất nào trong công việc chưa, bạn đã làm gì để vượt qua?
Những thay đổi đột xuất trong công việc là điều dễ gặp phải. Đây là câu hỏi hành vi mà nhà tuyển dụng muốn kiểm tra kỹ năng giải quyết tình huống – kỹ năng thích ứng của bạn.
Khi gặp câu hỏi như vậy trong vòng phỏng vấn, bạn đừng nên thể hiện sự lúng túng hoặc trả lời theo hướng tiêu cực như đổ lỗi tại công ty hay tại hoàn cảnh.
Thay vào đó, bạn có thể chia sẻ về việc mình đã bình tĩnh và quá trình vượt qua được tình huống khó khăn đó. Chẳng hạn như bạn đột xuất phải chuyển đến chi nhánh mới cách xa nơi sống, không có đồng nghiệp cũ, không có người quen biết, phải tiếp cận và làm việc với khách hàng khó tính. Ban đầu bạn rất lo lắng nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, bạn đã chủ động kết nối với đồng nghiệp ở chỗ làm mới và học hỏi nhiều điều ở họ. Từ đó bạn đã nỗ lực hơn gấp 3 lần, làm việc không ngừng nghỉ nhằm hoàn thành tốt nhất công việc mới được giao.
Bạn cũng đề cập đến sự biết ơn vì sự thay đổi này. Đây chính là cơ hội giúp bạn “bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân” để thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh.
Điều bạn hài lòng nhất về thành công/thành tích đạt được?
Trong quá trình làm việc, bạn có thể sẽ đạt được một số thành tích dù lớn hay nhỏ thì cũng chính là thành quả cho sự nỗ lực của bản thân. Thành tích này không cần quá lớn hoặc so sánh với người khác mà chỉ cần so với sự tiến bộ của riêng bạn. Đây cũng chính là thước đo làm động lực để bạn cố gắng hơn, chứng tỏ bạn là người nhận biết được bản thân và nghiêm túc với công việc. Vì thế hãy nói về sự thú vị hoặc giá trị bạn thu hoạch được khiến bạn hài lòng nhất.
Đây là câu hỏi hành vi để nhà tuyển dụng đánh giá năng lực, mức độ tham vọng của ứng viên. Bạn hãy chủ động chia sẻ một cách khéo léo, tinh tế mà không phải liệt kê và khoe khoang.
Bạn đã từng gặp thất bại chưa? Bạn vượt qua như thế nào?
Đây là câu hỏi phỏng vấn hành vi về trải nghiệm thất bại và cách mà bạn đối mặt với nó. Trong công việc, sẽ có lúc bạn gặp muôn vàn trở ngại, thất bại mà chính lúc này, thái độ và nội lực của bạn sẽ quyết định bạn có vượt qua được hay không. Câu hỏi hành vi về thất bại chính là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá sự kiên trì vượt khó của bạn trong tương lai.
Với câu hỏi phỏng vấn này, bạn không nên nói rằng mình chưa bao giờ gặp thất bại hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, cho đồng nghiệp, cấp trên cũ… Hãy thành thật chia sẻ thất bại và cách bạn đã vượt qua từng bước. Bên cạnh đó, bạn cũng bày tỏ thất bại đó cũng chính là bài học bổ ích cho bạn hoàn thiện hơn và biết cách tránh những sai lầm tương tự.
Đặng Hảo