12/12/2013 - 09:05

10 năm - xứng tầm trung tâm kinh tế vùng ĐBSCL

10 năm qua, kinh tế thành phố không ngừng tăng trưởng, phát triển ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống người dân dần được nâng lên… Kết quả này đã chứng minh cho sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp nhịp nhàng từ các sở, ngành đưa Cần Thơ từng bước xứng tầm trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội vùng ĐBSCL.

 

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ:
Công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao

Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ không ngừng nỗ lực xây dựng, cải tiến nhằm phát huy tối đa vai trò là thành phố động lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, gắn đô thị hóa với công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng ĐBSCL. 10 năm qua, ngành công thương thành phố đạt nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể: Công nghiệp thành phố giai đoạn 2004-2013 liên tục có sự gia tăng về giá trị sản xuất. Nếu năm 2005 đạt 8.218 tỉ đồng (giá cố định năm 1994), tốc độ tăng trưởng đạt 22,65% so với cùng kỳ năm 2004 thì đến năm 2010 đạt 19.572 tỉ đồng, tăng 16,43% so với năm 2009. Dự kiến năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện 29.600 tỉ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2004. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2004 - 2013 đạt 16,54%. Tỷ trọng GDP khu vực công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế thành phố năm 2004 là 32,31%, đến năm 2013 dự kiến đạt khoảng 40,08%.

Hoạt động xuất khẩu trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, mặt hàng xuất khẩu phong phú hơn như: gạo, nông sản, thủy sản đông lạnh… Giai đoạn 2006-2010, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 3.701 triệu USD, vượt 2,5% so với kế hoạch, tăng bình quân 19,8%/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3.569,6 triệu USD, tăng bình quân 20%/năm; dịch vụ thu ngoại tệ đạt 131,5 triệu USD, tăng bình quân 4,2%/năm. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 1.307,12 triệu USD, vượt 24,5% kế hoạch, tăng 16,4%. Năm 2012, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới và trong nước nên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ của TP Cần Thơ chỉ thực hiện 1.278 triệu USD, giảm 15,1% so năm 2011. Tuy nhiên, Cần Thơ vẫn là một trong những thành phố đạt mức xuất khẩu hơn 1 tỉ USD/năm. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ của thành phố ước đạt 1.276 triệu USD. Sự phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao. Từ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, huy động vốn đầu tư xã hội có nhiều tiến bộ, nhiều công trình, dự án quan trọng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, bức tranh đô thị hình thành ngày càng rõ nét.

Từ năm 2004 đến nay, tình hình hoạt động xuất khẩu trên địa bàn thành phố có những bước tăng trưởng khá tốt góp phần tích cực vào phát triển kinh tế Cần Thơ trong quá trình hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Sự phát triển này sẽ còn phát huy trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân thành phố luôn nỗ lực và quyết tâm để thực hiện. Song, rất cần được sự quan tâm đầu tư hơn nữa của Trung ương, nhằm tạo cho thành phố một động lực mới, có bước đột phá, tạo đà vươn lên mạnh mẽ.

10 năm qua, dù có giai đoạn kinh tế khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới. Song, với sự nỗ lực của ngành chức năng cùng DN, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: THU HOÀI

 

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ: Nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch, từng bước khẳng định vai trò kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL

10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố khá cao và liên tục nhiều năm liền năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 1991-1995, GDP của thành phố tăng bình quân 14,19%/năm; giai đoạn 1996-2000 có mức tăng 10,33% và giai đoạn 2004-2013, tăng 14,5%/năm. Năm 2013, ước tăng trưởng kinh tế (giá so sánh năm 2010) của thành phố đạt 11,67%; trong đó: khu vực nông nghiệp - thủy sản tăng 1%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,22%, dịch vụ tăng 13,73%. GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) tăng từ 10,3 triệu đồng (năm 2004) lên 62,9 triệu đồng (ước năm 2013). Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh nền kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng từng bước hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố 10 năm qua đạt 199.096 tỉ đồng, tỷ lệ vốn đầu tư trên tổng GDP bình quân đạt 51,42%, tốc độ tăng bình quân hằng năm là 28,2%. Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 44,7%, nguồn vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách nhà nước chiếm 52,4% và nguồn vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,9%. Việc vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển. Đến nay, toàn thành phố có 10.862 doanh nghiệp các loại hình, tổng vốn đăng ký kinh doanh 39.113 tỉ đồng và 2.584 chi nhánh, văn phòng đại diện. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển ổn định, góp phần tăng năng lực sản xuất kinh doanh của thành phố. Ước đến cuối năm 2013, thành phố có 59 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 885 triệu USD, vốn thực hiện chiếm 28,7% tổng vốn đăng ký… Trên địa bàn thành phố hiện có 50 tổ chức tín dụng với 228 địa điểm có giao dịch ngân hàng. Tổng vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trên địa bàn bình quân 10 năm tăng 25,5%/năm. Ước đến cuối năm 2013 tổng vốn huy động thực hiện 37.800 tỉ đồng; nguồn vốn huy động đáp ứng 80,9% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay năm 2013 đạt 46.700 tỉ đồng, tăng bình quân 20,6%/năm; nợ xấu 1.600 tỉ đồng, chiếm 3,43% tổng dư nợ…

Phát huy những thành tựu đạt được, tiếp tục khẳng định vị thế mới, thời gian tới, TP Cần Thơ xác định thực hiện nhiều giải pháp. Đó là, tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, để hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư vào thành phố; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là "mô hình một cửa điện tử"; đổi mới chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch theo chiều sâu, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Thành phố sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn trung ương đầu tư vào kết cấu hạ tầng của thành phố; ban hành (hoặc sửa đổi) các cơ chế chính sách để đa dạng hóa các hình thức đầu tư, như: BOT, BTO, BT, PPP… Bên cạnh đó, thành phố triển khai nhanh, đồng bộ các quy hoạch lớn của thành phố; triển khai nhanh đề án khai thác quỹ đất nhằm tăng nguồn thu từ khai thác quỹ đất; thúc đẩy các hoạt động liên kết giữa các địa phương, trước mắt là liên kết giữa Cần Thơ với các tỉnh vùng ĐBSCL, mà nền tảng là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm và giữa 5 thành phố trực thuộc trung ương...

THU HOÀI (lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết