DUY KHÔI
Phát biểu tại buổi ra mắt sách tập thể lần thứ 3 - năm 2023 của các hội viên, nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Không quá lời khi nói việc ra mắt sách tập thể đã mặc định trở thành “thương hiệu” của Hội Nhà văn TP Cần Thơ”.

Trưng bày 24 ấn phẩm trong buổi ra mắt sách. Ảnh: CTV
Quả vậy, còn nhớ ngày 10-10-2020, Hội Nhà văn TP Cần Thơ tổ chức ra mắt sách tập thể lần thứ nhất với 21 tác phẩm được giới thiệu đến công chúng. Sự kiện lần ấy được giới văn chương rất chú ý và đánh giá cao. Sau đó, vì dịch COVID-19 nên gián đoạn 1 năm, ngày 19-9-2022, một buổi ra mắt sách tập thể lần thứ 2 được tổ chức quy mô hơn, với 33 đầu sách. Các tác giả mang đến không khí văn chương sôi động, với nhiều chủ đề, nội dung khác nhau, phản ánh phong phú hiện thực cuộc sống.
Và lần thứ 3 này, 24 tác phẩm được ra mắt cho thấy sức viết, sức sáng tạo sung mãn của các hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ. Dù hiện tại, số hội viên lớn tuổi của hội chiếm đa số nhưng nhiều người ví von dường như “gừng càng già càng cay”, khi số lượng tác phẩm của họ chiếm đa số. 24 ấn phẩm ra mắt lần này là tác phẩm của 18 hội viên Hội Nhà văn thành phố, với 8 tập thơ; 7 tập truyện ngắn, bút ký, tản văn; 7 biên khảo, phê bình văn học và 2 tập truyện dành cho thiếu nhi.
Nhà thơ Lê Chí ghi đậm dấu ấn với tập thơ thứ 12 trong sự nghiệp sáng tác của ông mang tên “Muối”. Khi được hỏi dường như đây là sự chắt lọc của cả cuộc đời ông, ông trả lời rằng: “Chắt lọc là thuộc tính của thơ. Do vậy, dù hay dở gì mình cũng cố viết sao cho gọn, bởi thơ vốn là sản phẩm của ít chữ. Còn với riêng mình, tôi chưa nghĩ gì đến “chắt lọc” cả, chỉ thích thong dong đây đó để nhận biết đuợc cuộc đời như chính nó”. Ðọc “Muối”, người đọc có thể hiểu hơn những lời chia sẻ này.
Một ấn phẩm khác cũng thú vị là tập truyện thiếu nhi của nhà văn tuổi ngoài 80 Nguyễn Thị Thanh Huệ mang tên “Tứ quái Bọng Gáo”. Ở tuổi này, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ vẫn rất trẻ khi viết truyện thiếu nhi, vẫn hào hứng hóa thân thành nhân vật, vẫn hồn nhiên với những tình tiết thú vị. Cuộc sống của 4 học trò nghèo ở quê với những trải nghiệm sông nước được kể hấp dẫn, lôi cuốn.
Ở thể loại thơ, người đọc gặp lại nhiều cây viết nổi bật của văn học Cần Thơ thời gian qua. Ðó là nhà thơ Phan Duy với tập thơ đầu tay “Có những khoảng trời gọi nhớ thương” với những bài thơ giàu cảm xúc. Nhà thơ Huệ Thi vẫn dạt dào nữ tính và khao khát yêu thương với “Sợi yêu”. Với “Giao mùa”, nhà thơ Cúc Hương bộc bạch: “Giao mùa là nơi để gửi gắm tâm tình, ước mơ, khát vọng, gửi gắm cảm xúc rất thật của tác giả trong cuộc sống đời thường, trong những chuyến ngao du đây đó…”.
Ở mảng văn xuôi, nhà văn trẻ Hoàng Khánh Duy vẫn cho thấy sức viết sung mãn khi đều đặn có tác phẩm ra mắt bạn đọc. Tập truyện ngắn “Sớm phố chiều quê” là ví dụ, với những câu chuyện tiếp nối mạch nguồn quê hương trong sáng tác của anh. Nhà văn Lê Xuân lại cho thấy sự dày dặn, giàu trải nghiệm qua tác phẩm “Tiếng vọng ký ức”, gồm 26 bài tản văn và bút ký.
Lần ra mắt này, mảng sách biên khảo có tác phẩm ấn tượng là “Chùa và những phong tục tập quán của người Khmer Nam Bộ” của tác giả Thạch Sene. Với sự am hiểu và kỳ công đi thực tế, nghiên cứu, tác giả đã mang đến cho người đọc nhiều kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Khmer Nam Bộ trong đời sống thường ngày, trong lễ hội, tín ngưỡng... Cũng thể loại này, tác giả Ðặng Hoàng Thám có tác phẩm “Du hành khám phá đất Phương Nam” (tập 1), tập hợp nhiều bài viết của tác giả về đất và người Nam Bộ…
Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ: “24 đầu sách ra mắt lần này là những viên ngọc quý, có khai thác hết ánh sáng của nó hay không còn tùy vào thái độ cũng như cách tiếp cận của người đọc”. Chỉ biết rằng, đó là những sản phẩm từ sự đam mê và sáng tạo văn chương đáng trân trọng của các nhà văn, nhà thơ đất Tây Ðô.