Nếu có cảnh báo nào thức tỉnh toàn xã hội, thì đó chính là COVID-19. Đại dịch đã thúc đẩy xã hội thay đổi và buộc chúng ta thích nghi với một lối sống mới, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cũng như thay đổi cách làm việc, học hành, đi lại...
Làm việc từ xa và học trực tuyến tại nhà đang trở nên phổ biến. Ảnh: Getty Images
COVID-19 số hóa thế giới với “tốc độ ánh sáng”
Trước đại dịch, nhiều người không muốn sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thương mại qua môi trường mạng vì “chúng quá đắt” hoặc “quen làm theo cách truyền thống”. Nhưng khi đại dịch bùng phát, tình trạng “sống chung với dịch” buộc mọi người phải tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số, bởi hầu như mọi thứ đều chuyển sang kết nối và phục vụ trực tuyến.
Theo khảo sát của McKinsey đối với 899 giám đốc cấp cao trên toàn cầu, tỷ lệ trung bình các hàng hóa và dịch vụ được số hóa (một phần hoặc hoàn toàn) đạt 55% tính đến quý III-2020, so với 35% vào cuối năm 2019 - sự gia tăng phải mất 7 năm nếu không có đại dịch.
Chăm sóc sức khỏe trực tuyến “lên ngôi”
Thời của telehealth. Ảnh: Onlinenursing. duq.edu
Bằng cách cung cấp dịch vụ giá cả phải chăng và dễ tiếp cận thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth) có thể hỗ trợ mọi đối tượng bệnh nhân, dù ở bất cứ đâu.
Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, telehealth không chỉ giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, mà còn giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, nhờ hạn chế số người lui tới những nơi dễ lây bệnh như phòng khám và bệnh viện. Dịch bệnh kéo theo những đợt cách ly xã hội cũng dẫn tới sự gia tăng đột biến số người phát triển các vấn đề về tâm thần như đau buồn, lo âu và trầm cảm. Nhưng nhờ biện pháp tư vấn trực tuyến, các bác sĩ có thể giám sát và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân có vấn đề về tâm lý tốt hơn.
Công nghệ y tế số cũng cho phép nhiều “ông lớn” tạo ra các ứng dụng di động hoặc thiết bị giám sát sức khỏe đeo trên người. Chẳng hạn Apple đang sử dụng nguồn dữ liệu từ ứng dụng sức khỏe trên iPhone, kết hợp với đồng hồ thông minh Apple Watch, để giúp người dùng theo dõi vận động, nhịp tim và đo điện tâm đồ; Google thì có thiết bị đeo Fitbit cạnh tranh với Apple, Samsung, Huawei và Xiaomi trong thị trường thiết bị đeo giám sát sức khỏe. Tận dụng ưu thế dẫn đầu thế giới về công nghệ điều khiển bằng giọng nói, Amazon cũng nâng cấp “trợ lý ảo” Alexa để tiếp cận thị trường telehealth, mong muốn mang đến trải nghiệm hoàn hảo cho khách hàng ngay tại nhà họ.
Các chuyên gia dự báo tới đây, telehealth sẽ cho phép người dùng nhập các triệu chứng vào ứng dụng sức khỏe mỗi khi thấy cơ thể có vấn đề và một “nhân viên ảo” tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đưa ra các khuyến nghị của bác sĩ.
Theo Wall Street Journal, thị trường telehealth toàn cầu đạt 25,4 tỉ USD trong năm 2020 và dự kiến lên tới 55,6 tỉ USD trước năm 2025. “Telehealth đã trở thành phương tiện chăm sóc sức khỏe quan trọng trong đại dịch COVID-19 và sẽ tiếp tục duy trì vị thế này ngay cả khi việc thăm khám trực tiếp được phổ biến trở lại” - Tiến sĩ Susan R. Bailey, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ, nhận định.
Những điều “bình thường mới” khác
Nhà nghiên cứu tương lai Ray Hammond, từng được Liên Hiệp Quốc trao tặng Huy chương vàng ở lĩnh vực này, dự báo về một thế giới mới rất đổi khác hậu COVID-19.
* Nhà có thêm nhiều chức năng. Đối với hàng triệu người, cuộc sống gia đình đã biến đổi theo đại dịch và nhà không đơn thuần là nơi để gia đình quây quần mỗi tối và cuối tuần. Trong các đợt phong tỏa, hầu hết nhân viên văn phòng buộc phải làm việc tại nhà và họ đã tận dụng hiệu quả các công cụ hội họp và chia sẻ tài liệu trực tuyến như phần mềm Zoom, Skype, FaceTime, Slack, Teams và WebEx. Đây cũng là những nền tảng thúc đẩy giáo dục trực tuyến nở rộ, trong bối cảnh nhiều trường học đóng cửa kéo dài để tránh dịch, cho phép giáo viên và học sinh tiếp tục dạy và học ngay tại nhà với sự hỗ trợ của máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh.
Trong khi đó, việc đóng cửa các phòng tập thể dục đã thúc đẩy những người mê vận động lắp đặt thiết bị tập luyện ngay trong nhà.
Nhiều bác sĩ gia đình còn bố trí phòng mạch tại gia để tư vấn qua video và điện thoại, hoặc cải tạo sân sau nhà mình thành nơi trò chuyện với bệnh nhân tâm lý cần gặp gỡ trực tiếp, mà vẫn đảm bảo giãn cách xã hội.
* Xu hướng chia sẻ và linh hoạt trong đi lại. Qua những đợt cách ly xã hội phòng, chống COVID-19, nhiều người nhận ra họ có thể đặt mua mọi thứ qua mạng dễ dàng và nhanh chóng, hàng giao tận cửa. Những người được phép làm việc tại nhà cũng bắt đầu thấy không cần thiết phải mua xe, nhất là trong thời buổi kinh tế bấp bênh. Những điều này đang kéo giảm nhu cầu sở hữu ô tô, nhưng thúc đẩy xu hướng thuê xe ngắn hạn hoặc sử dụng dịch vụ gọi xe qua ứng dụng như Grab, Uber.
* Sở thích du lịch thay đổi. Hoạt động du lịch chắc chắn sẽ bắt đầu trở lại, nhưng ít ra là trong vài năm tới, du lịch quốc tế có thể sẽ ít nhộn nhịp hơn do thị hiếu của du khách đã thay đổi nhiều sau đại dịch. Họ sẽ ưu tiên các hành trình nội địa, tránh đi nước ngoài vì sợ bị mắc kẹt trong trường hợp COVID-19 tái bùng phát hoặc xuất hiện dịch bệnh mới.
Cho dù đại dịch COVID-19 sớm kết thúc hay kéo dài thêm buộc chúng ta phải sống chung với nó, thế giới trong trạng thái “bình thường mới” chắc chắn khác xưa rất nhiều.
THANH TRÚC