07/04/2017 - 20:13

“Sắm” kiểng thủy canh cho không gian sống

Ở TP Cần Thơ, thú chơi kiểng thủy canh không còn quá mới mẻ, rầm rộ như những năm trước. Tuy nhiên, với những đặc tính ưu việt như dễ trồng, nhẹ công chăm sóc… loại kiểng này vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Tại TP Cần Thơ, kiểng thủy canh được bày bán trên thị trường có rất nhiều chủng loại, không chỉ những cây thuộc họ môn hay có nguồn gốc sống gần mé nước mà cả cọ, trúc, lan, cau, phát tài... cũng hoàn toàn có thể sinh trưởng tốt trong môi trường thủy canh. Các loại kiểng thủy canh thường mang những cái tên rất đẹp như: phú quý, vạn lộc, thịnh vượng, thiên lan, phúc lộc, môn hỷ lâm, ngãi luyến khách, thanh xuân, tiểu hồng môn, bạch mã hoàng tử,... Anh Hồ Thanh Quang, Chủ Cà phê Hoa kiểng Kifa, đường Nguyễn Văn Linh, cho biết: "Không chỉ được trưng bày tại văn phòng, nhà hàng, khách sạn, nhà riêng, kiểng thủy canh còn là loại quà tặng ý nghĩa trong dịp tân gia, sinh nhật, khai trương... Bởi nhiều người tin rằng các loại kiểng thủy canh với những cái tên đẹp sẽ đem đến những điều tốt đẹp, may mắn cho gia chủ".

Kiểng thủy canh được nhiều người ưa chuộng vì đặc tính dễ trồng, dễ chơi và giá khá "mềm".

Theo giới kinh doanh, kiểng thủy canh được khách hàng ưa chuộng trước tiên là đặc tính dễ trồng, dễ chơi. Các loại kiểng thủy canh bán trên thị trường hiện nay chủ yếu là các loại kiểng lá, không đòi hỏi kỹ thuật cao vì cây có sức sống rất bền. Cây sống trong môi trường nước nên không cần phải tưới nước hằng ngày, không phải lo tình trạng nước nhiều quá cây bị úng hoặc ngược lại cây chết khô vì thiếu nước. Nhìn chung, về chủng loại, đặc tính, lợi ích mang lại kiểng thủy canh không khác gì các loại kiểng trồng trong đất. Chỉ khác ở chỗ được trồng trong môi trường nước, hút chất dinh dưỡng pha sẵn trong nước. Chính từ sự khác biệt này, kiểng thủy canh đã mang lại sự tiện ích, cơ động cho gia chủ.

Chị Hồ Kim Thoa, phường Lê Bình, quận Cái Răng, chia sẻ: "Tôi rất thích trồng hoa kiểng. Trước đây, trồng nhiều loại kiểng trước sân nhà nhưng tỷ lệ hao hụt cao. Khi thì cây chết do quên tưới nước, sâu bệnh tấn công, không nắm rõ kỹ thuật chăm sóc... Kiểng thủy canh nhẹ công hơn nhiều, cây có sức sống rất mãnh liệt, sống được cả trong môi trường máy lạnh, thiếu sáng…". Nhiều ý kiến cho rằng, chơi kiểng thủy canh thú vị nhất là ngoài việc ngắm thân, lá, hoa... còn có thể chiêm ngưỡng được sự phát triển sinh động của bộ rễ. Với kiểng thủy canh, chúng ta có thể trưng bày bất cứ nơi nào cảm thấy thích, không phải khuân, mang ra trước sân mỗi lần tưới cây vì "ngại" lượng nước dư thừa làm bẩn nhà. Hơn nữa, trồng kiểng thủy canh sẽ tránh được sự phát triển của cỏ dại, côn trùng và sâu bệnh lây nhiễm từ đất.

Hiện nay, kiểng thủy canh được giới văn phòng rất ưa chuộng vì ngoài việc tạo không gian tươi mới, sang trọng, theo khoa học, chúng còn hút những chất độc thải ra từ máy vi tính, máy in, điều hòa nhiệt độ... Chính vì thế, việc chơi kiểng, dùng kiểng trong trang trí nội thất không còn là hành động tự phát, theo sở thích mà mỗi cá nhân, doanh nghiệp đều ý thức được hiệu quả từ việc làm này. "Làm việc văn phòng phải ngồi suốt một chỗ, lúc nào cũng đối mặt với máy vi tính. Vậy là tôi sắm cho mình một chậu kiểng thủy canh. Giờ lúc nào cũng có một "mảng xanh" bên cạnh phần nào giảm căng thẳng, tâm trạng thư thái hơn rất nhiều"-chị Lê Thị Thu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều cho biết.

Theo giới kinh doanh, chơi kiểng thủy canh chỉ nặng tiền phụ kiện kèm theo như: chậu thủy tinh, sỏi (trắng, màu), đèn... Tuy nhiên, các phụ kiện bán trên thị trường hiện nay có rất nhiều chủng loại, mẫu mã và các khung giá khác nhau để khách hàng lựa chọn. Vì thế, khách hàng cũng không quá khó khăn để sở hữu một chậu kiểng thủy canh. Hiện tại, một chậu kiểng thủy canh có giá bán từ 60.000-400.000 đồng/chậu, tùy loại; dung dịch thủy canh dạng lỏng từ 2.000-7.000 đồng/chai 100ml, dạng bột ở mức 10.000-17.000 đồng/gói 15g. Người chơi có thể mua thêm cá kiểng thả vào trong chậu sẽ làm chậu kiểng trở nên sinh động, bắt mắt hơn và ngăn ngừa được sự phát triển của muỗi.

Các loại kiểng thủy canh có điểm chung là sinh trưởng chậm, chịu được ánh sáng kém, sức sống bền nên không yêu cầu cao về kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, các loại cây này cũng cần được chủ nhân lưu tâm trong việc thay nước, bổ sung chất dinh dưỡng, cắt tỉa cành... Trong đó, thay nước cho cây là khâu quan trọng nhất. Nước sử dụng phải là nước sạch không nhiễm phèn mặn, không chứa clo. Nếu sử dụng nước máy, chủ nhân cần hứng nước trước, để cho clo bay hơi mới sử dụng. Chủ nhân cần thay nước cho kiểng thủy canh khoảng 5-7 ngày/lần vào mùa nắng và khoảng 7-10 ngày/lần vào mùa mưa. Quá trình cắt tỉa cây thủy canh cần chú ý cắt rễ già, bị hư thối. Rửa lá cây nhẹ nhàng tránh làm rách, giập gãy, cắt tỉa những lá vàng úa. Sau khi cây được vệ sinh sạch sẽ cho cây vào chậu, tiếp đó là cho một lượng nước có pha dung dịch thủy canh theo nồng độ phù hợp vừa đủ ngập cổ rễ cây là được. Vị trí đặt kiểng thủy canh thích hợp nhất là nơi có ánh sáng tự nhiên. Nếu đặt gần cửa kiếng thì nên cách xa ít nhất 30cm, tránh ánh sáng gay gắt, tránh luồng gió trực tiếp từ quạt hay máy lạnh. Ngoài ra, chủ nhân chú ý định kỳ khoảng 7-10 ngày, mang kiểng thủy canh ra hứng ánh nắng nhẹ, "hít thở" không khí trong lành để cây thêm bền, đẹp.

Bài, ảnh: CHI MAI

Chia sẻ bài viết