09/09/2022 - 08:32

“Nhặt những hạt vàng” trên cánh đồng văn chương 

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Nhà phê bình văn học (PBVH) Lê Xuân vừa ra mặt tập tiểu luận, PBVH “Nhặt những hạt vàng” (NXB Hội Nhà văn ấn hành). Gần 300 trang của tập sách đã vẽ nên hình ảnh Lê Xuân - một người thợ gặt cần mẫn “nhặt những hạt vàng” trên cánh đồng văn chương.

Tập tiểu luận và PBVH “Nhặt những hạt vàng”.

Ở tuổi gần 80 nhưng nhà PBVH Lê Xuân vẫn rất say sưa đi tìm cảm hứng sáng tác, đọc và viết cảm nhận văn chương. Những trang viết phê bình, lý luận của ông nổi rõ 2 điểm chính yếu: sự đồng cảm với đồng nghiệp và tình yêu tha thiết với văn chương.

“Nhặt những hạt vàng” minh chứng rõ cho 2 điều này, làm dày thêm đầu sách PBVH của ông đã xuất bản trước đó như “Lời đồng vọng” (2005), “Tiếng nói tri âm” (2011), “Nhà giáo - nhà báo - nhà văn” (2015), “Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian” (2020), “Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian Nam Bộ” (2021)...

41 bài bình trong tập sách được nhà PBVH Lê Xuân tuyển chọn bình từ các tác phẩm của văn hữu gần xa và gọi đó là những “hạt vàng”. Qua từng trang viết, tác giả gợi cho người đọc thấy cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương; những sự đột phá, nét riêng của từng tác giả. Nói như nhà thơ Phạm Ðình Ân khi viết lời giới thiệu cho sách: “Ở mỗi tác phẩm, ông luôn chú ý phát hiện “thi pháp” mà tác giả biểu hiện qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật, rồi từ đó “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người” (Hoài Thanh)”.

Mỗi tác phẩm và tác giả tuyển chọn, nhà PBVH Lê Xuân đều có hướng tiếp cận và cảm nhận riêng. Như khi bình về tập thơ “Lục bát mỗi ngày” của nhà thơ Ðặng Vương Hưng, ông cảm nhận ở sự độc đáo trong những tiếng “gọi đàn”. Hay với thơ Trúc Linh Lan, ông tiếp cận ở niềm thao thức và hy vọng qua những vần thơ. Tập thơ “Ngày chợt đến” của Thai Sắc khiến Lê Xuân nghĩ đến cái tình của nhà thơ đất Sen Hồng với cuộc đời, ông viết nên những dòng cảm nhận rất lôi cuốn... Cứ thế, 41 bài PBVH càng đọc càng hay, gợi cho độc giả hướng tiếp cận văn chương đầy nhân văn và say sưa.

Theo nhà thơ Phạm Ðình Ân, viết tiểu luận và PBVH vốn là một công việc khó, đòi hỏi người viết phải có vốn tri thức rộng, nhiều trải nghiệm, đi nhiều, đọc nhiều, có tâm hồn rộng mở. Nhà PBVH Lê Xuân đã có phần lớn những điều đó. Ở những bài viết phê bình, ông “bình” nhiều hơn là “phê”. Mà dẫu có “phê” thì cũng khéo léo, khích lệ chứ không nặng lời, hằn học.

Còn với nhà thơ Trúc Linh Lan, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, viết PBVH không dễ nhưng Lê Xuân đã chọn con đường đã cát tìm vàng. Sự đam mê đó đã thôi thúc ông đi tìm cái hay, cái đẹp của văn chương. “Chính sự cần mẫn, sự lao động quên mình ấy đã mang lại cho bạn đọc hiểu được cái hay, cái đẹp của thơ ca, cái đẹp của những trang văn thấm đẫm tình người, để đưa bạn đọc đến gần với tác phẩm và tác giả”, nhà thơ Trúc Linh Lan chia sẻ. Âu, đó cũng là điều mà nhà PBVH Lê Xuân hướng đến qua “Nhặt những hạt vàng”.

Chia sẻ bài viết