18/08/2017 - 20:30

“Mình ơi… Về ăn cơm!” 

Giữa cuộc sống tất bật, bộn bề, cần lắm những tiếng gọi trìu mến, những tình cảm chân thành để giữ những cảm tình ấm áp. Tập tản văn “Mình ơi… Về ăn cơm!” (NXB Hội Nhà văn) của 2 tác giả trẻ Lưu Quang Minh và Trần Khánh Ngân như rót vào lòng người đọc những cảm xúc nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Nhan đề ngọt ngào, tập tản văn chiếm cảm tình của độc giả từ ban đầu. 40 bài viết ngắn chứa nhiều cảm xúc tình yêu, hôn nhân thấm dần vào tâm hồn độc giả.

Những vấn đề, câu chuyện trong sách gần gũi, đời thường. Đó có thể là một cô gái trẻ mới lấy chồng, thất vọng với cuộc sống hôn nhân khác hẳn lúc đang yêu; là người mẹ đơn thân không muốn đi bước nữa vì sợ con mình sẽ khổ; là xung đột mẹ chồng nàng dâu, mâu thuẫn vợ chồng và cả những cuộc chia tay…

Thái độ sống, cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề của từng người quyết định mức độ gây tổn thương của những mâu thuẫn. Người chồng khi hôn nhân đứng bên vực thẳm đã suy xét, nhận ra cái sai để tìm cách khắc phục (Nhẫn). Người vợ sốc khi chồng đem về đứa con rơi lúc tuổi xế chiều, nhưng cuối cùng bao dung, tha thứ (Con rơi). Hay cô gái bất hạnh, phải vất vả mưu sinh nhưng vẫn chọn cách sống không bán rẻ phẩm hạnh (Lệ)…

Phần lớn các bài viết toát lên tinh thần lạc quan dù các nhân vật trải qua không ít khổ đau, bất hạnh. Sự thay đổi bản thân và thái độ sống tích cực đã giúp họ tìm được niềm vui, giữ được hạnh phúc. Bởi đôi khi, chỉ một tin nhắn “Mình ơi… Về ăn cơm!” đầy trìu mến của vợ gửi cho chồng đã hóa giải hết những mâu thuẫn, những hờn giận cả hai đang vướng phải.

Bữa cơm gia đình luôn được đề cao trong cuộc sống hôn nhân. Vì thế mà những bài viết: “Cơm mẹ, cơm vợ”, “Mình ơi… Về ăn cơm!”, “Chuyện của anh trai”… dễ dàng đi vào lòng người đọc, cũng như nhận được sự đồng tình với lý lẽ: “Đời người đàn ông, còn niềm hạnh phúc nào bằng được ăn cơm mẹ, cơm vợ nấu” (trang 193).

Trong những trang viết tươi sáng, lạc quan, vẫn có những dấu lặng như lời cảnh báo những ai không biết trân quý những gì mình đang có. Một cô gái xinh đẹp, giỏi giang nhưng xem trọng sự nghiệp, coi thường người yêu (Sợ); một người chồng độc đoán, cờ bạc, đối xử tàn nhẫn với vợ con (Thất phu); một cô nàng luôn làm kẻ thứ 3 (Cơm và phở)… cuối cùng đều chuốc lấy những ê chề trong tình cảm.

“Mình ơi… Về ăn cơm!” là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của các cây bút trẻ khi viết về hôn nhân, gia đình.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết