08/01/2015 - 09:09

“Mẹ chó” và những câu chuyện nhân sinh

"Mẹ chó" là tập truyện gồm 3 truyện ngắn và một truyện dài của tác giả Văn Mỹ Lan, NXB Hội Nhà Văn xuất bản quí IV-2014. Những câu chuyện bi kịch nhưng ấm áp tình người. Sự thật và giả dối, nỗi đau và hạnh phúc đan xen, hòa quyện vào nhau làm người đọc day dứt, suy ngẫm về kiếp nhân sinh…

Văn Mỹ Lan là một cây bút không chuyên, có lối hành văn giản dị, mộc mạc. Từng có khá nhiều truyện ngắn, ký sự nhưng chỉ đến khi ra mắt tiểu thuyết "Lời nguyền" (2012), Văn Mỹ Lan mới thật sự gây ấn tượng với độc giả bởi cách khai thác đề tài, phát triển mạch truyện dữ dội, khốc liệt nhưng rất nhân văn. Đến tập truyện "Mẹ chó", chị tiếp tục phát huy sở trường của mình qua những câu chuyện thương tâm ấm áp tình người. Tập truyện gây ấn tượng ngay từ cái tên và khi đã đọc, số phận của các nhân vật lôi cuốn độc giả theo dõi đến cùng.

Những người tâm thần sống lang thang vẫn là vấn đề khó giải quyết của xã hội và đó cũng là nỗi trăn trở, băn khoăn của tác giả khi viết truyện "Mẹ chó". Điều tạo nên sự khác biệt và lay động độc giả chính là tình mẫu tử thiêng liêng trong truyện. Lượm – cô gái tâm thần sống lang thang bị kẻ xấu giở trò đồi bại đến mang thai và đẻ rớt trên vỉa hè. Dù không tỉnh táo nhưng Lượm yêu thương, chăm sóc con như bất cứ người mẹ bình thường nào. Lượm không cho ai đụng đến con. Chỉ đến khi đứa bé bị sốt cao, cô mới chịu cho hàng xóm đưa con đi bệnh viện. Không thể yên tâm để Lượm nuôi con, bệnh viện đã cho đứa trẻ làm con nuôi và dỗ dành Lượm bằng một chú chó con. Lượm đã nuôi con chó như con của mình. Nhưng niềm vui làm mẹ của Lượm không kéo dài được lâu khi một lần nữa tình mẫu tử bị chia cắt, khiến cô hóa điên… Hình ảnh Lượm gào thét đòi trả lại con trong cơn điên loạn khiến người đọc tự hỏi: làm gì để những bi kịch ấy đừng xảy ra với người tâm thần?

3 truyện còn lại trong tập truyện đặt ra vấn đề về "luật nhân quả". Một đứa con cầu tự suốt ngày say xỉn làm khổ cha mẹ, vợ con (truyện "Thầy cối"); một người cha từng phạm tội ác, sai lầm trong quá khứ để rồi hai đứa con trai sinh ra đều ốm yếu và không nói được (truyện "Chạy trời"); một người đàn ông vì công danh, quyền lực, "tham sang, phụ khó", cuối đời phải sống day dứt (truyện dài: "Cô bé tiếp thị thuốc lá"). Những câu chuyện đời thường thu hút bởi các nút thắt mở hợp lý.

Khó ai tin nổi một người "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời" như cậu Năm Ngàn (truyện "Thầy cối") có thể từ bỏ "ma men", làm lại cuộc đời. Cậu Năm thay đổi khi người cha già quì gối xin lỗi con vì quá nuông chiều, không biết cách dạy dỗ để con hư hỏng, sống ỷ lại và vô trách nhiệm. Ông ra đi vì đột quị, khiến cậu quí tử bàng hoàng tỉnh ngộ. Người cha cả đời hy sinh vì con, trong truyện "Cô bé tiếp thị thuốc lá", lại gặp nhiều bi kịch vì ông chỉ dạy con cái "hiếu lớn" (công danh, sự nghiệp) mà quên đi cái "hiếu nhỏ" (cha mẹ, gia đình), dạy con tiến tới mà không dạy cách biết lùi...

Bên cạnh những bi kịch và mất mát, tập truyện vẫn có những chi tiết, tình huống dí dỏm, hài hước sâu sắc, khiến người đọc vừa cười, vừa ngẫm...

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết