08/09/2018 - 23:30

“Luồng gió mới” thúc đẩy phát triển, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, cho thấy sự cần thiết, thiết thực của Nghị quyết tại một quốc gia có 70% dân số làm nông nghiệp. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành nông nghiệp đã tạo bước phát triển mạnh mẽ, thổi “luồng gió mới” làm tăng sản lượng, giá trị gia tăng cho  sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

“Luồng gió mới” thúc đẩy phát triển, xuất khẩu

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định: Khoa học công nghệ có vai trò và tầm quan trọng to lớn với  ngành nông nghiệp, làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%...

Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung (bìa trái) tham quan mô hình trồng rau theo công nghệ Israel của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa. Ảnh: MINH HUYỀN
Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung (bìa trái) tham quan mô hình trồng rau theo công nghệ Israel của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa. Ảnh: MINH HUYỀN

Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2013-2017, chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp có gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ đã tạo chuyển biến tích cực, rõ nét, góp phần thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh từ số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng.

Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn từ năm 2008 - 2017 đạt 261,28 tỉ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỉ USD, tăng 20,05 tỉ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỉ USD.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện Việt Nam có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng gồm: tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Điều này, khẳng định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông dân khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới…

Trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước đột phá và phát triển, luôn duy trì tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, mặc dù chưa đạt được mục tiêu đề ra do phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như: biến đổi khí hậu; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ... nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tận dụng cơ hội và thành tựu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nông nghiệp thông minh, thúc đẩy nghiên cứu, kế thừa, khai thác và ứng dụng những công nghệ mới và tiên tiến trên thế giới vào ngành nông nghiệp để gia tăng giá trị ngành nông nghiệp thời gian tới.

Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành

Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, giá trị và sản lượng nhiều nông sản tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển.

Theo báo cáo, tính đến hết năm 2017, đã có 800 tiêu chuẩn, 210 quy chuẩn kỹ thuật được công nhận, ban hành và áp dụng hiệu quả. Chỉ tính riêng giai đoạn 2009 - 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 309 giống cây trồng và 203 tiến bộ kỹ thuật mới. Chương trình giống đã có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể tăng năng suất và chất lượng của nông sản Việt.

Nhờ áp dụng các công nghệ mới trong chọn tạo giống cây trồng, thời gian chọn tạo giống mới đã giảm xuống còn 3-5 năm, thay vì 7-10 năm như trước đây, nên hằng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận hàng chục giống mới. Qua đó, diện tích trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, tính chống chịu tốt tăng nhanh. Hiện nay, cả nước có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích bắp, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới, khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong việc đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của nông sản Việt.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu các thị trường “khó tính”. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30% thông qua sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao và quy trình sản xuất tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu.

TTXVN

 

Chia sẻ bài viết