19/11/2013 - 22:30

“Lá cờ đầu” của ngành giáo dục thành phố

Góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục, không thể không kể đến vai trò của đơn vị trực thuộc, nhất là các trường THPT "đầu tàu" của thành phố. Song, "hạt nhân" làm nên thành công của đơn vị chính là các thầy, cô - những người đã nỗ lực hết mình để xây dựng trường ngày càng phát triển...

Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng - "chiếc nôi" nuôi dưỡng nhân tài

Đến Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng vào những ngày này dễ dàng cảm nhận không khí ngày Tết thầy cô (kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam). Cô Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Giao các học sinh tổ chức ngày hội, chúng tôi muốn các em trưởng thành, tự tin hơn; đồng thời, để thỏa nỗi niềm "tri ân" thầy cô của học trò". Vừa nói, cô Hà vừa chỉ tay về góc sân trường có các học sinh đang "chạy" chương trình buổi văn nghệ, gương mặt không giấu vẻ xúc động, tự hào về học trò của trường... Em Nguyễn Hữu Gia Bảo, học sinh lớp 12 (chuyên Anh), bộc bạch: "Mỗi khi đến ngày này, chúng em rất xúc động và phải làm việc gì đó để thầy cô vui. Bên cạnh chương trình văn nghệ, chúng em tự hứa cố gắng học thật giỏi, đây là cách thiết thực để nhớ ơn thầy, cô giáo. Em đang cố gắng ôn luyện bài thật tốt để dự kỳ thi tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia sắp tới". Nhiều năm liền là học sinh giỏi các cấp và đứng nhất khối lớp 11 (năm 2012-2013), Gia Bảo còn đạt giải Nhì môn Tiếng Anh cấp quốc gia năm 2013.

Không chỉ là "chiếc nôi" cung ứng học sinh giỏi các cấp cho thành phố, hằng năm, số học sinh của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng được tuyển thẳng hoặc trúng tuyển vào các trường đại học rất cao. Trong ảnh: Thầy trò nhà trường trong giờ thực hành tin học.

Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng tiền thân là Trường Lý Tự Trọng khu Tây Nam Bộ (giai đoạn 1962-1975). Giai đoạn 1975-1990, trường đổi tên thành Trường Bổ túc Công nông cấp 3 và tháng 8-1990, chính thức mang tên gọi như hiện nay. Trường cũng là một trong những trường chuyên bậc THPT đầu tiên ở ĐBSCL, được xem là "chiếc nôi" nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài cho TP Cần Thơ. Hằng năm, trường luôn có học sinh giỏi cấp quốc gia các môn học, thuộc tốp 100 trường THPT có tỷ lệ học sinh đậu đại học cao... Gần 23 năm qua, trường không ngừng phát triển, hiện có hơn 770 học sinh; 100% giáo viên của trường đạt chuẩn, với gần 50% giáo viên có trình độ sau đại học. Năm học 2012-2013, trường có học sinh đạt giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Pháp khu vực ĐBSCL; hàng trăm học sinh giỏi cấp thành phố, 26 học sinh giỏi máy tính cầm tay và các môn lý thuyết cấp quốc gia... Với thành tích đóng góp trên, trường vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng III. Cô Cao Thị Ngọc Hà tâm sự: "Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của UBND, ngành giáo dục thành phố, những thành tích ấy có sự đóng góp không nhỏ của thầy, cô nhà trường, luôn hết mực tận tụy thương yêu, dạy bảo học trò nên người".

Như cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Tổ trưởng Tổ Sinh học - Công nghệ của trường, hơn 30 năm qua, niềm vui lớn nhất với cô là sự trưởng thành của các học sinh. Cô Thúy nói: "Từ nhỏ, tôi đã thích nghề dạy học. Mấy chục năm qua, đến nay, tôi vẫn tự hào về nghề của mình và càng yêu mến nghề hơn. Tôi nghĩ, một giáo viên giỏi phải vững vàng trên bục giảng, tạo được lòng tin cho học sinh". Với suy nghĩ ấy, cô Thúy không nề hà dành thời gian nghỉ của mình để phụ đạo cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi. "Đầu vào" học sinh chuyên có thế mạnh hơn so với các học sinh phổ thông nên đòi hỏi người dạy phải nỗ lực học hỏi, tìm tòi tài liệu nhiều hơn để nâng cao trình độ chuyên môn của mình và cung cấp kiến thức tốt nhất cho học sinh. Quan trọng là dạy học sinh bằng cả tình thương của mình. Cô Thúy bộc bạch: "Tôi nhớ như in cậu học trò tên Hoàng Châu Lanh thi "đầu vào" môn chuyên Sử - Địa nhưng khi ấy môn Sinh không đủ số lượng nên Lanh chuyển sang học lớp chuyên Sinh. Vốn không phải môn học sở trường nên Lanh học không bằng các bạn, mang tâm lý tự ti, mặc cảm. Biết được tâm lý của em, tôi cùng các đồng nghiệp động viên, dành nhiều thời gian để bồi dưỡng Lanh học tốt. Sau này, Lanh không chỉ là học sinh giỏi của lớp mà còn đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Sinh"...

Trường THPT Châu Văn Liêm - "Lá cờ đầu" khối THPT

Trong tháng 10-2013 vừa qua, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố đã tiếp Đoàn Đại sứ quán Pháp, do ông Jean- Noil Poirier, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam làm Trưởng đoàn, tại Trường THPT Châu Văn Liêm. Ông Jean- Noil Poirier bày tỏ niềm vui khi thấy được một công trình kiến trúc Pháp trên đất Việt và cho biết: "Sau chuyến thăm này, đoàn sẽ báo cáo lại với ngài Tổng thống và nghiên cứu bằng cách nào đó có thể hỗ trợ xây dựng trường một cách tốt nhất và sẽ giữ lại kiến trúc hiện trạng này".

Lãnh đạo TP Cần Thơ cùng Đoàn Đại sứ quán Pháp đến thăm Trường THPT Châu Văn Liêm vào tháng 10-2013. Ngôi trường được đánh giá là "lá cờ đầu" khối THPT của thành phố.

Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo TP Cần Thơ có sự quan tâm đặc biệt đến Trường THPT Châu Văn Liêm. Bên cạnh yếu tố ngoại giao "Việt- Pháp", ngôi trường này còn mang dấu ấn lịch sử và là niềm tự hào của bao thế hệ học trò đã trưởng thành, giàu lòng yêu nước, như: Châu Văn Liêm, Phạm Văn Bạch, Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Lương Định Của,... Trường được chính quyền Pháp xây dựng từ năm 1917, với tên gọi Collège de Cantho. Qua 5 lần đổi tên, từ tháng 11-1985 đến nay, trường mang tên THPT Châu Văn Liêm, có vai trò quan trọng đào tạo nhân tài cho đất nước. 96 năm qua, mặc dù lãnh đạo thành phố, Ban Giám hiệu trường quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn không thể kéo dài tuổi thọ ngôi trường đã "già nua" theo thời gian. Cơ sở vật chất của trường đang xuống cấp nghiêm trọng (8 phòng học phải dừng sử dụng). Vì thế, nhà trường rất cần sự hỗ trợ từ thành phố để trùng tu, sửa chữa ngôi trường này, đúng như kiến trúc hiện nay do Pháp xây dựng... Cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: "Qua 5 năm công tác, điều làm tôi tự hào về ngôi trường này là sự đoàn kết, nỗ lực dạy và học của tập thể thầy, trò. Tuy cơ sở vật chất xuống cấp, còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp để học sinh học đủ, đúng nội dung, chương trình sách giáo khoa. Bên cạnh đó, thầy, trò không chỉ dạy, học trên lớp mà có thể thông qua nhiều kênh hoạt động đoàn thể, diễn đàn để nâng cao chất lượng giáo dục...". Hiện nay, trường có hơn 1.800 học sinh, với 116 cán bộ, giáo viên (100% giáo viên đạt chuẩn và 23 giáo viên có trình độ sau đại học).

Theo cô Thanh, trường đã thành lập diễn đàn trên mạng, có sự tham gia của các tổ chức chính trị, đoàn thể ở trường. Qua diễn đàn, học sinh có thể bày tỏ tâm tư nguyện vọng, những khó khăn, trăn trở của mình; từ đó, không chỉ phát huy tính dân chủ trong trường học mà còn giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp, nhà trường quản lý tốt hơn. Song, quan trọng vẫn là vai trò của mỗi thầy, cô giáo trong giảng dạy, dìu dắt học trò mình. Đó là cô Nguyễn Kim Thành, giáo viên Tổ Hóa, nguyên Bí thư Đoàn trường, rất nhiệt tình trong công tác chuyên môn lẫn đoàn thể suốt mấy chục năm qua. Hiện nay, dù bị bệnh nặng nhưng cô vẫn dành trọn tâm trí, tình thương của mình cho học trò, với mong ước cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, góp phần vào thành tích chung của trường, để xứng đáng là "lá cờ đầu" của trường THPT ở thành phố...

Theo thống kê của trường, chỉ tính riêng 3 năm học gần đây (từ 2010 đến 2013), tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%. Ba năm liền (2010, 2011, 2012), trường có tên trong tốp 200 trường có kết quả điểm 3 môn tuyển sinh đại học dẫn đầu cả nước. Trường vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng Nhất... Cô Di Thanh nhấn mạnh: "Dù điều kiện dạy và học còn khó khăn nhưng tôi tin với sự nỗ lực của thầy, trò, trường sẽ ngày càng phát triển vững mạnh".

* * *

Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng và Trường THPT Châu Văn Liêm là 2 trong số 28 trường THPT của TP Cần Thơ như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Việt Hồng, Phan Ngọc Hiển, Thới Lai... được ngành đánh giá là "điểm sáng" trong phong trào thi dua dạy tốt, học tốt của thành phố. Thành công của ngành giáo dục nói chung và các trường nói riêng là sự phấn đấu và cống hiến của những thầy, cô giáo, tận tụy ngày đêm vì học sinh.

Bài, ảnh: B. KIÊN

 

Chia sẻ bài viết