14/07/2019 - 11:47

Ði chợ khôn khéo như “Lão phu nhân” 

Ảnh: Mirror

Sau tiền vệ Aaron Ramsey của Arsenal, đến lượt Adrien Rabiot (ảnh, giữa) bị Juventus lôi kéo thành công mà lại không tốn một xu nào. Một lần nữa, “Lão phu nhân” cho thấy họ là bậc thầy trong các vụ chuyển nhượng tự do cao cấp.
 

Quan hệ sứt mẻ với PSG là nguyên nhân chính khiến Rabiot không chịu gia hạn hợp đồng. Juve nhanh chóng nhận ra đây là cơ hội tuyệt vời để theo đuổi và xúc tiến thương vụ chuyển nhượng tự do thứ hai trong phiên chợ Hè này. Sau khi thuyết phục thành công, nhà đương kim vô địch Serie A ung dung ngồi chờ hợp đồng của tuyển thủ Pháp hết hạn vào ngày 30-6 để rước anh về. Trước đó, Juve thường xuyên liên lạc với Ramsey từ lúc thị trường chuyển nhượng vẫn chưa chính thức mở cửa, để rồi nhận được cái gật đầu của tiền vệ xứ Wales sẽ gia nhập đội bóng sọc đen trắng khi hết hạn hợp đồng với Arsenal. Cả Ramsey và Rabiot đều không thiếu đội bóng quan tâm, nhưng vẫn chọn đến Turin bởi ngay từ đầu Juve đã cho họ thấy được tầm quan trọng của mình trong đội hình và lối chơi từ mùa giải tới.

Các CLB hàng đầu khác thường muốn cầu thủ “mục tiêu” chuyển nhượng của họ phải suy đoán - một dạng chiến thuật trên bàn đàm phán. Còn Juve thì ngược lại, tìm cách để “mục tiêu” cảm nhận rằng CLB không còn theo đuổi ai khác. Bên cạnh đó, bề dày thành tích và sự vĩ đại của Juve cũng là nguyên nhân khiến các cầu thủ khó lòng từ chối.

Trên đây là hai trường hợp mới nhất cho thấy chiến lược lôi kéo cầu thủ đẳng cấp thế giới hết hạn hợp đồng của Juve. Trong đó, Rabiot đánh dấu vụ chuyển nhượng 0 đồng thứ 15 theo luật Bosman của đội chủ sân Allianz trong 9 năm qua. Không đội bóng nào làm tốt hơn Juve ở góc độ chuyển nhượng này. Đối với trường hợp tiền vệ Emre Can được “săn đón” thành công hồi năm ngoái. Giả sử Can gia hạn hợp đồng với Liverpool và nay Juve muốn có sự phục vụ của anh thì phải bỏ ra số tiền lên đến 45,1 triệu Euro, theo định giá của Hãng thống kê CIES hồi tháng 1-2019. Rõ ràng chiến lược săn hàng miễn phí giúp Juve tiết kiệm rất nhiều.

Thế rồi tiền nhiều để làm gì? “Gã khổng lồ” nước Ý dùng số tiền tích cóp để kích nổ “bom tấn”. Juve đã 2 lần phá kỷ lục chuyển nhượng Serie A khi chiêu mộ tiền đạo Gonzalo Higuaín (90 triệu Euro) và đặc biệt là siêu sao Cristiano Ronaldo (117 triệu Euro) hồi Hè năm ngoái. Những khoản tiền kếch xù này có được nhờ tiết kiệm từ việc chiêu mộ tiền vệ Paul Pogba và hậu vệ Dani Alves “miễn phí” cũng như bán Pogba cho Manchester United với mức giá đắt nhất lịch sử năm 2016 (105 triệu Euro). Cũng với cách làm tương tự, Juve được cho là sắp kích nổ “quả bom” mới mang tên Matthijs de Ligt, trị giá 70 triệu Euro trong Hè này.

Chiến lược của Juve đơn giản mà lại rất hiệu quả, không chỉ về mặt tài chính. Còn nhớ vụ Andrea Pirlo gia nhập Juve từ AC Milan hồi Hè năm 2011 đã làm thay đổi cán cân sức mạnh bóng đá Ý, dồn sang Turin. Nghĩ rằng chàng tiền vệ tài hoa của quốc gia hình chiếc ủng đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, nhà vô địch Serie A chỉ dành cho anh hợp đồng một năm nếu không thì chia tay. Trái lại, Juve - đội đứng vị trí thứ bảy trên bảng xếp hạng mùa giải năm đó - cảm thấy Pirlo vẫn còn sức để cống hiến nên mời lão tướng 32 tuổi ký vào bản hợp đồng có hiệu lực 3 năm. Đâu ai ngờ vụ chuyển nhượng 0 đồng này lại mở ra giai đoạn thống trị mới cho Juve. Với tổng cộng 4 năm chơi bóng tại Allianz, Pirlo cùng Juve thâu tóm đến 4 danh hiệu Scudetto liên tiếp và một lần Á quân Champions League.

BÌNH DƯƠNG (Theo ESPN, footballbh)

Chia sẻ bài viết