30/08/2013 - 22:21

“Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng”

Nhân dịp cả nước chào mừng Quốc khánh 2-9, Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng”. Triển lãm một lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam bằng những chứng cứ lịch sử và là dịp để người dân đất Tây Đô cảm nhận về biển đảo thân yêu.

Hơn 100 tấm ảnh trưng bày tại triển lãm được sắp xếp khoa học theo từng chủ đề: bằng chứng khẳng định chủ quyền, sức sống và những nét sinh hoạt đặc trưng của quân và dân trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Cần Thơ trong những lần ra Trường Sa...

Khu vực được nhiều khách tham quan chú ý là những hình ảnh chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Các bản đồ Trung Quốc qua các thời: nhà Tần, nhà Minh, nhà Thanh đều xác định Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc Trung Quốc. Trong khi đó, trong “An Nam Đại quốc họa đồ” của Giám mục Jean Louis Taber xuất bản năm 1838 hay bản đồ Châu Á thế kỷ XVII đều chứng minh được Trường Sa và Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Các văn bản khác như: Châu bản triều Nguyễn có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, sách “Đại Nam thực lục chính biên” năm 1816 ghi việc triều đình phái thủy quân ra Hoàng Sa, Phiên Bộ công về việc cung cấp bài gỗ cắm mốc cho đoàn đo đạc Hoàng Sa của đội trưởng Phạm Hữu Nhật thời Minh Mạng năm thứ 17… đều thể hiện quân đội Việt Nam đã từng đồn trú và làm chủ hai quần đảo này từ rất sớm.

Đông đảo người dân đến xem triển lãm.

Triển lãm còn giúp người xem hiểu thêm về sức sống của Hoàng Sa, Trường Sa hôm nay. Nhiều người xúc động trước hình ảnh mái chùa ở đảo Trường Sa Lớn cùng với tháp chuông uy nghi, nghe như có tiếng vọng về từ biển cả hay đền thờ Chủ tịch Hồ Chủ Minh trên đảo Trường Sa Lớn với những kỷ vật gắn liền với cuộc đời của Bác, được người dân trên đảo ngày ngày nghi ngút khói hương… Trường Sa hôm nay thật tươi đẹp với những cội bàng vuông trổ hoa sáng rực góc trời, những cụm công trình dịch vụ trên đảo Song Tử Tây hay cảnh quân và dân trên đảo chăm sóc vườn rau, đàn bò. Những hình ảnh mang đến cho người xem một Trường Sa thật gần gũi, thân thương với đất liền.

Đọng lại trong lòng mỗi người sau khi xem triển lãm là câu chuyện không lời về những con người đã anh dũng hy sinh để giữ yên biển trời Tổ quốc. Hình ảnh những ngôi mộ gió (mộ không có hài cốt, dùng để tưởng nhớ những người chết ở biển khơi không tìm thấy xác) của những người lính trong Hải đội Hoàng Sa năm xưa do người dân Lý Sơn, Quảng Ngãi lập nên để ghi nhớ các bậc tiền nhân đã hy sinh để gìn giữ biển đảo nước nhà. Hay một góc đảo Cô Lin, nơi con tàu anh hùng HQ505 đã lao lên khẳng định chủ quyền trong làn đạn địch trong sự kiện tháng 3-1988.

Tiếp bước tiền nhân, bao thế hệ lại xung phong ra Trường Sa, Hoàng Sa để bảo vệ Tổ quốc. Người dân Cần Thơ sẽ rất tự hào khi bắt gặp hình ảnh Trung tá Trần Mạnh Cường, Thượng úy Đỗ Hoài Văn…, những người con của đất Cần Thơ, đang cùng đồng đội bám nhà giàn, giữ chủ quyền giữa sóng trùng khơi. Ông Lê Ngọc Lựa, một người xem triển lãm đến từ xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Những hình ảnh tại triển lãm không chỉ giúp tôi hiểu thêm về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà còn mang lại cho tôi cảm giác tự hào về truyền thống anh hùng trong bảo vệ Tổ quốc của cha ông mình”.

Trong bối cảnh cả nước ta đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa - phần không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, triển lãm ở Bảo tàng TP Cần Thơ cung cấp thêm cho người xem những kiến thức về chủ quyền biển đảo, thêm cảm phục, tri ân bao thế hệ đã có công mở mang, xây dựng Hoàng Sa, Trường Sa khang trang như hôm nay. Triển lãm còn là lời nhắc nhở cho thế hệ hôm nay về trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương. Em Nguyễn Thanh Nhân, sinh viên khóa 38, Trường Đại học Cần Thơ, xúc động: “Xem triển lãm này em có cảm giác Hoàng Sa, Trường Sa thật gần gũi, thân thuộc không khác gì một làng quê ở đất liền. Em thấy tuổi trẻ chúng em cần phải phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với truyền thống của thế hệ đi trước”.

*   *   *

Chúng tôi nghe văng vẳng những câu hát trong bài “Tổ quốc gọi tên mình”: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả. Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây...”. Mỗi bức ảnh trong triển lãm là một niềm tin, vun bồi thêm tình yêu biển đảo cho thế hệ hôm nay.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết