13/06/2022 - 08:14

Ðể Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 an toàn, chất lượng 

Bài, ảnh: B.KIÊN

Hơn một tháng nữa, hơn 1 triệu thí sinh (TS) trên cả nước sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tại Hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022, do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tổ chức mới đây, các địa phương cho biết đã chuẩn bị các điều kiện phục vụ kỳ thi. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, nhất là bảo vệ đề thi được nhiều đại biểu quan tâm, luận bàn.

Học sinh lớp 12 ở TP Cần Thơ ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Đến nay, các địa phương đã chỉ đạo ráo riết công tác ôn thi cũng như hỗ trợ, tạo mọi điều kiện, giúp TS vững tin ứng thí cho kỳ thi sắp tới. Tại TP Hồ Chí Minh, hơn 86.000 TS đăng ký dự thi (ÐKDT) năm nay; tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành Giáo dục thành phố này đã nỗ lực hoàn tất chương trình theo đúng kế hoạch năm học. Trong khi đó, Hà Nội có gần 98.000 TS sẽ dự thi - số lượng TS nhiều nhất cả nước. Giám đốc Sở GD&ÐT Hà Nội Nguyễn Thế Cương cho biết, TP Hà Nội bố trí 181 điểm thi, với hơn 4.000 phòng thi; huy động gần 13.500 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi; gần 600 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra công tác coi thi…  

Tại TP Cần Thơ, kỳ thi năm nay sẽ có hơn 12.000 TS ÐKDT, trong đó có hơn 10.400 TS đang học lớp 12 Giáo dục THPT và 837 TS hệ Giáo dục thường xuyên, còn lại là TS tự do. Thành phố tổ chức 25 điểm thi chính thức (với 529 phòng thi) tại các trường THPT trên địa bàn 9 quận, huyện. Cần Thơ đã thành lập Ban Chỉ đạo thi; các sở ban ngành thành phố đã chủ động, chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực phục vụ kỳ thi. Theo lãnh đạo Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, trên cơ sở những thay đổi về kỳ thi năm nay đã được công bố, ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tận dụng thời gian học trực tuyến sau Tết Nguyên đán để hoàn thành các nội dung trọng tâm, cốt lõi của chương trình lớp 12; xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi của đơn vị; kế hoạch nêu rõ các giải pháp hiệu quả để tổ chức vừa dạy học, vừa ôn tập nhằm giúp người học có thể nắm vững từng nội dung kiến thức cơ bản một cách có hệ thống. Ðồng thời, tập trung tốt vào giảng dạy và ôn tập kiến thức lớp 12, hoàn thành chương trình dạy học lớp 12 đúng quy định, sử dụng có hiệu quả hình thức ôn tập phù hợp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi năm nay cơ bản như năm trước, với một số đổi mới về phương diện kỹ thuật để thuận lợi hơn. Tuy phương thức cũ nhưng mỗi kỳ thi lại có sự tham gia của những học sinh mới nên đội ngũ làm công tác thi luôn phải xem lại các quy định và các điều kiện liên quan để tổ chức kỳ thi tốt nhất. Ngoài việc chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo các địa phương quan tâm đến các khối học khác, thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt tùy tình hình thực tiễn, có thể chậm hơn một chút, để những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh có thời gian củng cố kiến thức, tâm lý, tình cảm, làm sao để các em học sinh đỡ thiệt thòi.

Tại hội nghị, phần lớn ý kiến của các địa phương đều hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Trong đó, vấn đề an ninh trật tự, an toàn phòng thi và đề thi được quan tâm thảo luận. Theo đại diện Sở GD&ÐT Nam Ðịnh, băn khoăn trước thềm kỳ thi năm 2022 vẫn là ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đến tình hình học tập của học sinh, bởi 3 niên khóa (2019-2020, 2020-2021, 2021-2022) đều chịu tác động của dịch bệnh. Do đó, ngành Giáo dục Nam Ðịnh đề nghị Bộ GD&ÐT ra đề phù hợp với các em học sinh. Giám đốc Sở GD&ÐT Quảng Trị Lê Thị Hương đề xuất Bộ GD&ÐT chỉ đạo đề thi phù hợp tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền lợi học sinh trên toàn quốc.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng Lê Mỹ Phong cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý chất lượng và các vụ, cục liên quan thuộc Bộ GD&ÐT đã chủ động, phối hợp triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức kỳ thi. Bộ GD&ÐT đã thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 qua 3 năm học (từ 2019-2020 đến 2021-2022) sẽ không đưa vào đề thi năm nay. Công tác ra đề thi thực hiện theo quy trình bảo đảm khách quan, bảo mật, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia. Bộ GD&ÐT cũng đã ban hành công văn số 2232/BGDÐT-QLCL hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngoài ra, một số ý kiến lo ngại về việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận; quy định của Bộ GD&ÐT về việc đặt vật dụng của thí sinh cách phòng thi 25m cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Hữu Ðộ cho biết hiện nay, các thiết bị công nghệ cao có thể thu phát sóng trong khoảng 25m nên nếu để vật dụng của học sinh gần phòng thi sẽ có nguy cơ lộ đề. Vì thế, quy định này buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Ðồng thời lưu ý các địa phương một số vấn đề quan trọng trong chuẩn bị, tổ chức, ông Nguyễn Hữu Ðộ nhấn mạnh: “Mục đích thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học. Ðây là cơ sở xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tính chất quan trọng của kỳ thi đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng để bảo đảm tổ chức thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng”.

Chia sẻ bài viết