27/02/2023 - 19:40

Ðề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển 

(CT) - Ngày 27-2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Ðề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu UBND TP Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Hội thảo được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, trực tuyến đến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ðoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Dự tại điểm cầu UBND TP Cần Thơ có đồng chí Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ.

Tháng 2-1943, Ðảng ta ban hành Ðề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Ðảng họp tại Võng La (Ðông Anh, Phúc Yên). Ðây là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. 80 năm qua, bản Ðề cương vẫn luôn mang ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc.

Phát biểu khai mạc, chỉ đạo và đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Ðề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Ðảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, Ðề cương về văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm cương lĩnh. Bản Ðề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Cùng với đó là những quan điểm khoa học: xây dựng một nền văn hóa mới lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở; phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...

Ðồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Ðề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển. Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người. Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày về những giá trị lý luận và thực tiễn của Ðề cương trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam suốt 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế đã từng bước được xác lập và vận hành trên thực tế góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. “Có thể nói, bằng văn hóa và từ văn hóa, hình ảnh đất nước Việt Nam “an toàn - thân thiện - hiền hòa - mến khách - hội nhập - phát triển” với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến, với nhiều giải thưởng quốc tế danh giá”, đồng chí Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Hội thảo được tổ chức gồm 2 phiên: phiên chuyên đề và phiên thảo luận bàn tròn. Ở phiên chuyên đề, các đại biểu tham luận về giá trị lý luận và thực tiễn của Ðề cương; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới... Ở phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu trình bày về giá trị của bản Ðề cương; những đóng góp của Tổng Bí thư Trường Chinh với văn hóa Việt Nam.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá: Hội thảo thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn, mang tầm thời đại và sức sống lâu dài, bền vững của Ðề cương về văn hóa Việt Nam. Các ý kiến tham luận, trao đổi tại hội thảo hết sức sâu sắc, khoa học. Hội thảo thu hút sự quan tâm tham gia đông đảo của các nhà quản lý, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và sự đồng tình, cổ vũ của dư luận xã hội.

Sáng cùng ngày, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Ðề cương về văn hóa Việt Nam. Triển lãm giới thiệu 80 bức ảnh, gồm 2 phần: Các ảnh tư liệu quý báu, mang tính lịch sử, được chụp và lưu trữ từ năm 1945 đến nay; ảnh về những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa Việt Nam.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết