27/04/2012 - 23:13

HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN THẢO LUẬN, GÓP Ý

“Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”

* Cần có giải pháp đột phá trong tái cơ cấu nền kinh tế

(CT)- Sáng 27-4-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để thảo luận, góp ý dự thảo “Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH” trình tại kỳ họp thứ ba QH khóa XIII. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Tại Cần Thơ, đồng chí Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu QH TP Cần Thơ, chủ trì.

Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất với việc xây dựng đề án nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân, bảo đảm QH thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đây cũng là việc làm thiết thực, góp phần chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Một số ý kiến cho rằng, QH cần tăng cường hoạt động giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, những ý kiến kiến nghị của cử tri; cần xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với những cơ quan không thực hiện hoặc thực hiện chậm các kết luận của đoàn giám sát, những kiến nghị của cử tri; đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên chính phủ. Việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn, cần có quy định cụ thể đối tượng, quy trình. Các đại biểu đề nghị bố trí phiên chất vấn cuối kỳ họp để đại biểu có thời gian chuẩn bị câu hỏi; chương trình hoạt động giám sát của QH được thông qua tại kỳ họp đầu năm để có thời gian, điều kiện triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Về hoạt động lập pháp, các đại biểu đề nghị nêu cao hơn nữa vai trò của cơ quan soạn thảo và thẩm tra; nâng cao chất lượng các dự án luật trình QH; kiên quyết không đưa vào dự kiến Chương trình các dự án không đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục tình trạng gửi tài liệu chậm, giúp các đại biểu có thời gian nghiên cứu đóng góp ý kiến mang tính khả thi cao... Các đại biểu cũng góp ý QH cần nghiên cứu rút ngắn thời gian các kỳ họp QH, song vẫn hoàn thành nội dung chương trình và bảo đảm chất lượng; mỗi đại biểu QH phải nêu cao trách nhiệm và chất lượng hoạt động của mình. Theo các đại biểu, cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động tiếp xúc để tiếng nói của cử tri đến được với QH; quan tâm kiện toàn bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc của QH và các đoàn đại biểu QH, trong đó tăng cường đội ngũ đại biểu chuyên trách và sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đặc thù nhằm thu hút cán bộ nghiệp vụ giỏi để tham mưu tốt...

* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (gọi tắt là Đề án tái cơ cấu nền kinh tế). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu sau: Từng bước và liên tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, tiến tới hình thành mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu, đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7-8% năm thời kỳ 2011-2020. Thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng và sự hỗ trợ có hiệu quả từ trung ương. Từng bước và liên tục cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung; các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực... Các bộ phận hợp thành tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gồm: tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu DNNN, phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh...

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị cơ bản thống nhất với các nội dung của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đưa ra và khẳng định việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Quốc hội. Tuy nhiên, Đề án cần phân tích, bổ sung những tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới thời gian qua đến nền kinh tế Việt Nam; khái quát mô hình tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam từ năm 1986 đến nay; phân tích, nhận diện những yếu kém các thể chế chính sách từ đó đưa ra giải pháp hoặc các thể chế phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Cần xác định đổi mới thể chế để xây dựng quan hệ sản xuất mới nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xác định những tác động của xu hướng toàn cầu hóa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quán triệt rõ các chủ trương đầu tư; phải có hệ thống quản lý doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương; cần chọn, xác định giải pháp mang tính chất đột phá trong quá trình thực hiện... Đề án tái cơ cấu nền kinh tế liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Vì vậy cần xây dựng thời gian, lộ trình triển khai thật cụ thể; các giải pháp cần công khai, minh bạch nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện...

Ngoài việc yêu cầu cơ quan chủ quản - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiên cứu, chỉnh sửa nội dung Đề án theo ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Đề án tái cơ cấu nền kinh tế cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; có đánh giá một cách cơ bản những tác động của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; xác định, xây dựng các dự án thành phần, dự án có liên quan. Những giải pháp của đề án phải mang tính đồng bộ, khả thi và có xác định lộ trình thực hiện. Tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn mục tiêu tăng trưởng với đảm bảo an xinh xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế;...

NGỌC QUYÊN - HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết