14/11/2021 - 12:46

“Đất vàng” bị bỏ hoang 

Việt Nam nổi tiếng là đất nước có văn hóa ẩm thực phong phú, từ ẩm thực dân gian truyền thống đến ẩm thực hiện đại cách tân, biến tấu. Vậy nhưng, tiềm năng này chưa được tận dụng thật tốt để khai thác trong các lĩnh vực như quảng bá văn hóa, du lịch... Với điện ảnh, đề tài ẩm thực Việt Nam như “đất vàng” bị bỏ hoang.

Ẩm thực Việt Nam từng rất nhiều lần được thế giới vinh danh, công nhận. Gần đây nhất, lần đầu tiên Việt Nam có tới 5 món ăn đặc sản được cùng lúc 2 tổ chức kỷ lục thế giới xác lập kỷ lục. Cụ thể, Hiệp hội Kỷ lục thế giới (World Record Association - WRA) xác lập 5 kỷ lục thế giới về ẩm thực đặc sản của Việt Nam, gồm: Ðất nước sở hữu nhiều món sợi và nước hấp dẫn nhất thế giới; Ðất nước có nhiều món mắm và các món ăn chế biến từ mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới; Ðất nước có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới; Ðất nước sở hữu nhiều món cuốn nhất thế giới; Ðất nước sở hữu nhiều món ăn làm từ hoa nhất thế giới. Trước đó, vào năm 2020, 5 món ăn này đã được Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) xác lập.

Ẩm thực Việt Nam vốn rất phong phú, là đề tài hấp dẫn cho điện ảnh. Trong ảnh: Nghệ nhân trình diễn làm bánh dân gian Nam Bộ.

Một minh chứng khác, hồi giữa năm 2021, TasteAtlas - trang web nổi tiếng được mệnh danh là “Bản đồ ẩm thực thế giới” công bố 100 món bánh ngọt ngon nhất thế giới. Bánh da lợn, món ăn dân dã của người dân Nam Bộ, vinh dự được bình chọn trong tốp 100.

Ðiểm qua một số công nhận của thế giới để thấy rằng, tiềm năng ẩm thực Việt Nam là rất phong phú. Vậy nhưng, điện ảnh nước ta đã khai thác được gì từ tiềm năng này?

Khoảng 20 năm qua, lác đác chỉ vài bộ phim khai thác đề tài ẩm thực, có thể kể đến như “Mùi ngò gai”, “Kunfu phở”, “Vua bánh mì”, “Bánh mì Ông Màu”... Tuy nhiên, đây là những bộ phim “nhắc đến” chứ không đi sâu vào cách làm, giá trị ẩm thực - văn hóa của đặc sản. Ðiển hình như bộ phim “Vua bánh mì” là một cuộc tranh giành quyền lợi nhiều hơn là nói về nghề gia truyền làm bánh mì. Những kiến thức kiểu “bánh mì được ông bà hồi xưa dùng để chống đói” cũng rất sai lệch. Hay với phim “Bánh mì Ông Màu”, kỹ năng làm nhân cho bánh mì thịt cũng rất qua loa, “nói nhiều hơn làm”.

Một điều buồn cười khi nhiều người nói về phim Việt Nam là ăn nhiều quá. Cứ xoay đi xoay lại, lại có cảnh nhân vật ăn, từ nhà hàng, quán ăn đến tại nhà. Cảnh vào bếp cũng rất nhiều trong phim. Nhưng họ ăn cái gì, nấu món gì thì hầu như chưa được khai thác. Nên chăng, trong những phân cảnh đó, phim tập trung về một món ăn ngon, đặc sản, cách mẹ dạy con, bà dạy cháu nấu ăn... thì sẽ đặc sắc và hấp dẫn hơn là cầm chén cơm không mà cho rồi cảnh quay.

Nói về thực trạng này, các nhà làm phim cũng đưa ra những cái khó. Thứ nhất, đề tài ẩm thực Việt Nam nếu làm không hấp dẫn sẽ rất khó thu hút người xem, nếu không lồng ghép vào những tình tiết giật gân, câu khách. Kế đến, để hoàn thành phim về ẩm thực chỉn chu, đẹp mắt, mức đầu tư là rất lớn. Ngoài chi phí nguyên vật liệu, sự đầu tư về cảnh quay, góc quay, thiết bị là cực kỳ công phu bởi ai cũng biết, quay ẩm thực là “món” khó nhằn nhất với điện ảnh. Ngoài ra, khi phim đề cập đến ẩm thực, nhất là ẩm thực truyền thống, thì còn cần phải có kiến thức, hiểu biết sâu mới có được những thước phim thuyết phục, không “cưỡi ngựa xem hoa”. Ðầu tư nhiều, rủi ro cao, vậy nên các nhà làm phim thường ngại đầu tư mảng đề tài này.

Một bộ phim điện ảnh, nếu khai thác hết giá trị của cảnh quay, sẽ có tác dụng lan tỏa lớn. Phim “Kong” quay tại Việt Nam hay phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” quay tại tỉnh Phú Yên là những điển hình. Rất cần có những thước phim về ẩm thực Việt Nam để món ngon nước ta được nhiều người biết đến, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá văn hóa.

Bài, ảnh: DUY LỮ

Chia sẻ bài viết