|
Bơi xuồng ba lá dưới hàng dừa nước xanh rờn hấp dẫn du khách. |
Đó là cách gọi của du khách khi tham gia tour sông nước liên kết các tuyến điểm Tiền Giang - Bến Tre. Chỉ mươi phút rẽ sóng sông Tiền từ thành phố Mỹ Tho, du khách bắt đầu trải nghiệm cuộc sống miệt vườn và nét văn hóa bao đời nay của vùng sông nước Cửu Long. Chuyến đi đã tạo được ấn tượng tốt cho du khách trong và ngoài nước.
Với du khách miền Trung, miền Bắc, nhất là du khách nước ngoài, "cung đường xanh" là chuyến đi thú vị. Chúng tôi, những du khách đến từ miền Tây, khi tham gia chuyến đi này cũng thấy bất ngờ. Những thứ xung quanh mình những tưởng đơn giản nhưng giờ cảm nhận được sự mới mẽ, hấp dẫn.
Điểm đến đầu tiên là cù lao Thới Sơn. Chúng tôi vào thăm một vườn sinh thái. Nơi bến thuyền là những chòi, sạp bán trái cây, sinh hoạt dân dã như chợ quê. Những người làm du lịch chính là dân bản địa được đào tạo bài bản, tươi cười chào mời khách. Một vài người bán trái cây còn nói được vài câu mời mọc bằng tiếng Anh, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn. Khu sinh thái này luôn đông kín người dù mới 9 giờ sáng. Chủ vườn pha trà mật ong kèm với phấn hoa mời khách. Từng ly trà nóng có vị ngọt và thơm đậm đà, đầy quyến rũ. Vừa mời khách, họ vừa giới thiệu cách nuôi ong lấy mật và tác dụng của mật ong, phấn hoa đối với sức khỏe người dùng. Đó là cách marketing rất thuyết phục. Không ít người đã mở hầu bao mua ngay sản phẩm từ điểm dừng chân đầu tiên.
Tiếp theo, chúng tôi được mời sang khu vực khác để thưởng thức trái cây và nghe đờn ca tài tử. Từ xa, đã nghe tiếng nhịp song loan, tiếng đờn cò và tiếng đờn tranh réo rắt. Giọng hát của những cô gái miệt vườn trong vắt, ngân lên mấy câu vọng cổ. Du khách vùng khác lấy làm hào hứng. Người nước ngoài không hiểu được bài hát nhưng cũng rất thích thú nghe. Cái hay của nhà vườn là có được bài hát tiếng Anh chào mừng du khách đầy ấn tượng hát theo làn điệu dân ca Nam bộ, nghe rất gần gũi mà lạ lẫm. Du khách nước ngoài khoái chí vỗ tay tán thưởng.
Khi đã nghe thỏa thích mấy bài vọng cổ, du khách được hướng dẫn ra cuối vườn trái cây để lên xuồng ba lá dạo quanh con rạch dừa nước xanh mượt. Trên con rạch nhỏ rộng chừng vài mét, xuồng ba lá tấp nập qua lại. Có đến 300 chiếc hoạt động thường xuyên đi lại như trẩy hội. Đây là những người dân địa phương, mỗi nhà sắm một chiếc xuồng tham gia đưa du khách tham quan. Các xuồng xếp hàng chờ tới lượt, không có cảnh tranh giành, chèo kéo. Du khách cảm thấy hài lòng.
Đi hết con rạch chừng 30 phút, du khách được đưa ra cầu phao trên sông Tiền để lên ghe, tiếp tục hành trình. Ghe lại túc tắc trên sông, vượt sang bờ bên kia để đến làng nghề làm kẹo dừa xứ Bến Tre. Trước mắt khách công nghệ làm kẹo dừa được trình diễn đầy thú vị. Chảo lá sen chế biến kẹo dừa nằm trên bếp đun trấu tỏa mùi thơm lừng. Những cô gái Bến Tre trong chiếc áo bà ba ngồi miệt mài gói kẹo. Bên cạnh là khu vực bán hàng mỹ nghệ làm từ phụ phẩm của dừa. Nhiều người biết tiếng xứ dừa Bến Tre, nhưng khi tận mắt chứng kiến địa phương khai thác thế mạnh của mình làm du lịch đều không khỏi ngỡ ngàng. Tất cả đều được đầu tư kỹ lưỡng. Du khách thoải mái cầm những vật phẩm lên xem, hỏi han cách làm, công dụng rồi để lại mà từ người làm đến chủ cơ sở đều vui vẻ.
Tiếp theo hành trình chúng tôi lại lọc cọc trên chiếc xe ngựa dọc theo đường quê. Từ ngày phà Rạch Miễu ngừng hoạt động, những nẻo đường quê ở huyện Châu Thành Bến Tre càng trở nên yên tĩnh. Hầu như không có tiếng động cơ lớn ngoài xe máy, xe đạp, nên du khách có thể nghe được tiếng vó ngựa gõ lọc cọc trên đường rất vui tai. Điểm đến là một khu du lịch sinh thái chuyên về ẩm thực. Tại đây, du khách thư thả dạo chơi, thưởng thức các món ăn dân dã Nam Bộ. Sau đó lại lên một ghe máy đi dọc con rạch dừa nước trở lại bến thuyền ở đầu làng nghề kẹo dừa truyền thống để tiếp tục hành trình
"Cung đường xanh" đi theo vòng tròn như thế. Cứ khoảng 20-30 phút, du khách đặt chân đến một điểm khác, thưởng thức một sản phẩm du lịch mới. Cái hay của "cung đường xanh" là sự kết hợp chặt chẽ giữa các khu du lịch với nhau, tạo thành một tuyến tham quan thú vị. Quả thật, nếu không có sự kết hợp giữa chính quyền hai tỉnh Tiền Giang Bến Tre và sự đồng lòng của nhà vườn thì khó hình thành được tuyến du lịch hoàn chỉnh như vậy. Một tour kéo dài khoảng 3-4 giờ tùy theo khách, chúng tôi đã có được hành trình thú vị, trải nghiệm nét dân dã miền sông nước. Đó chính là ấn tượng để lại trong lòng du khách khi rời xa xứ này!
Bài, ảnh: XUÂN NGỌC