03/08/2019 - 10:02

ÐBSCL tập trung hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai 

Trong những ngày qua (tháng 7-2019), tình trạng mưa lớn kèm theo lốc xoáy xuất hiện nhiều ở khu vực ÐBSCL và để lại hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình khi cơn lốc đi qua. Mùa mưa, bão đang vào thời kỳ cao điểm, công tác phòng, tránh, ứng phó với thiên tai là giải pháp mà Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai -

Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL tập trung thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại gây ra trong thời gian tới.

Lãnh đạo TP Cần Thơ thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai vào ngày 22-7-2019 tại quận Thốt Nốt. Ảnh: CTV

Thiệt hại nặng nề

Đợt lốc xoáy vừa qua (ngày 22-7-2019) với cường độ mạnh quét qua các phường Thốt Nốt, Tân Lộc, Trung Kiên, Trung Nhứt thuộc quận Thốt Nốt đã làm 62 căn nhà, 5 bè cá và 2 trường học bị sập, tốc mái, xiêu vẹo. Những hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai phải rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn trong việc đầu tư xây dựng lại nhà mới. Ông Cao Văn Quát, ở phường Trung Kiên có nhà bị sập trong cơn lốc xoáy vừa qua, cho biết: “Gia đình ít ruộng vườn, chúng tôi chỉ có căn nhà là nơi trú mưa, trú nắng. Mưa, gió lớn vừa qua, nhà tôi bị sập, vật dụng trong nhà cũng bị hư hỏng nên gặp khó khi sửa chữa, dựng lại nhà mới. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ngành chức năng quận và thành phố, gia đình tôi mới có khả năng dựng lại căn nhà. Nhà bị hư hỏng, gia đình tôi và hầu hết bà con bị ảnh hưởng đều rơi vào khó khăn. Trong mùa mưa bão, bà con nên cảnh giác đề phòng thiên tai, chằng kéo nhà cửa để tránh rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi”.

Sau khi thiên tai đi qua, lãnh đạo TP Cần Thơ và quận Thốt Nốt đã huy động lực lượng hỗ trợ ngày công, vật chất giúp bà con bị thiệt hại do lốc xoáy dựng lại nhà cửa. UBND các phường tổ chức vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp thêm chi phí cho các gia đình đặc biệt khó khăn dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Theo thống kê, 7 tháng năm 2019, TP Cần Thơ xảy ra 17 đợt lốc xoáy làm sập hoàn toàn 20 căn nhà, tốc mái 106 căn, làm 1 người bị thương, thiệt hại hơn 1,6 tỉ đồng. Có 21 điểm sạt lở làm sụp hoàn toàn 7 căn nhà, 21 căn bị ảnh hưởng, tổng chiều dài sạt lở 486m, thiệt hại hơn 12 tỉ đồng; xuất hiện 1 vụ sét đánh làm chết 1 người, 1 người bị thương. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gần 15 tỉ đồng…

Tại tỉnh An Giang, cơn mưa lớn kèm theo giông lốc, sấm sét vào chiều 23-7-2019 đã làm 1 người chết do sét đánh trong lúc đi chăn vịt ngoài đồng trống (thuộc ấp Đông Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên); trên 600 căn nhà dân bị đổ sập và tốc mái, trong đó có 9 căn nhà bị sập hoàn toàn, 588 căn bị tốc mái, xiêu vẹo. Địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cơn lốc xoáy là thị xã Tân Châu, với 544 căn nhà dân bị sập và tốc mái; huyện Tịnh Biên có 9 căn nhà bị sập và tốc mái; huyện Phú Tân có 24 căn nhà bị sập và tốc mái... Ngoài ra, mưa lớn kèm theo giông lốc, sấm sét đã làm chìm 1 bè cá ở thị xã Tân Châu; hư hỏng một số công trình công cộng trên địa bàn huyện Phú Tân...

Trước đó, ngày 17-7-2019, tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm sập 6 căn nhà và 1 nhà kho; tốc mái 151 căn nhà và 8 nhà kho; hư hỏng nhẹ 49 căn nhà... Giông lốc cũng làm đổ ngã một cổng chào, gãy đổ 9 trụ điện, một trụ đèn tại địa phương. Ngoài ra còn làm đổ ngã 390ha lúa hè thu sắp thu hoạch, tỷ lệ thiệt hại hơn 30%. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là xã Tân Hội, xã Bình Thạnh và các phường An Lạc, An Lộc và An Thạnh… Thiên tai tuy không thiệt hại về người nhưng ước thiệt hại tài sản hơn 1,6 tỉ đồng.

Chủ động phương án ứng phó

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng lượng mưa khu vực Nam bộ thời kỳ tháng 7-8 và tháng 12-2019 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tháng 9 cao hơn 10-30%, riêng tháng 10-11 thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-25%. Tuy nhiên, ở ĐBSCL trong mùa mưa có những ngày nắng nóng kéo dài nên khí quyển không ổn định, mưa xuất hiện sẽ có nhiều giông lốc, sấm sét kèm theo cần phải đề phòng lốc xoáy...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Mưa kèm theo lốc xoáy thường xảy ra vào buổi chiều và tối trong thời gian thời tiết chuyển mùa cho đến khi kết thúc mùa mưa. Hiện tượng này xuất hiện cục bộ trong thời gian ngắn nên rất khó dự báo. Để chủ động phòng tránh, các địa phương cần chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa, nhất là đối với các nhà cấp 4, nhà mái tole, vách lá... nhằm hạn chế thấp nhất hư hỏng khi mưa lớn, lốc xoáy xảy ra”.

Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết này, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa an toàn đề phòng các hiện tượng mưa kèm theo giông, lốc xoáy; kiểm tra, di dời hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở… Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các biện pháp đối phó mưa, lũ, lốc xoáy, sấm sét đến các phường, xã, thị trấn; theo dõi và thông báo kịp thời diễn biến tình hình mưa, giông lốc, bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động ứng phó; chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thi công hoàn thành các công trình thủy lợi trước khi nước lũ đổ về; tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng bảo vệ các khu dân cư, khu vực sản xuất, các cồn trên sông Hậu. Đồng thời, lập phương án chủ động phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân sinh sống vùng thường xuyên xảy ra lốc xoáy; triển khai các chốt cứu hộ, cứu nạn ở từng địa phương và tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt mưa lớn, bão xuất hiện để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai và ứng cứu kịp thời khi sự cố xấu xảy ra...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp-Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chỉ đạo: “Ngay thời điểm này, các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung triển khai những giải pháp rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai tại địa phương, trên tinh thần không để bị động bất ngờ trong bất kỳ tình huống xấu; tập trung theo dõi dự báo, cảnh báo để có biện pháp ứng phó kịp thời. Các địa phương nên có sự liên kết, phối hợp trong dự báo, cảnh báo với nhau và chỉ đạo xuống các cấp, các ngành về công tác phòng chống thiệt hại do lốc xoáy, mưa, bão; tập trung nâng cao năng lực, nhân lực, trang thiết bị cho cơ quan tham mưu, cơ quan chuyên môn về công tác PCTT-TKCN; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh, thành và các cấp, trong đó chú ý phát triển đội xung kích các xã và trang bị kiến thức PCTT-TKCN để ứng phó nhanh nhất nếu sự cố xảy ra…”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết