25/09/2014 - 20:08

“Báu vật” văn hóa đồng bằng

Báo Cần Thơ xin giới thiệu khái quát những đặc điểm chính của 6 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (DSVHPVTQG) ở khu vực ĐBSCL (theo thứ tự được công nhận).

1. Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ

ĐCTT Nam bộ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công nhận DSVHPVTQG đợt đầu tiên (2012) với quyền sở hữu của 21 tỉnh, thành Nam bộ. Ra đời vào đầu thế kỷ 20, trên cơ sở kế thừa và cải biên dòng nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, cốt lõi trong âm nhạc tài tử là 20 bài bản Tổ. Nhạc cụ dùng trong ĐCTT thường gồm: đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn sến, đờn độc huyền... và gõ nhịp song lang. Dù ĐCTT có nguồn gốc từ nhạc lễ triều đình nhưng khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn đã thay đổi, một số bài bản tuy cùng tên nhưng khác chữ nhạc, cung phím, tạo nên một "đặc sản âm nhạc" của Nam bộ.

Ngày 5-12-2013, ĐCTT đã được UNESCO vinh danh DSVHPVT đại diện của nhân loại.

2. Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây

Hiện chưa tài liệu nào xác định nghệ thuật Chầm riêng Chà pây có từ khi nào, nhưng người ta cho rằng nó xuất hiện từ rất lâu đời, sớm hơn cả nghệ thuật múa Rô Băm, kịch hát Dù kê hay hát À Dây… Đây là loại hình trình diễn âm nhạc dân gian trong đời sống sinh hoạt và lao động của người Khmer. Theo tiếng Khmer, "Chầm riêng" có nghĩa là ca hát và "Chà pây" là tên một loại đàn. Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật độc xướng – độc tấu với đàn Chà pây đệm theo. Người trình diễn Chầm riêng Chà pây sẽ hát theo lời thơ có cốt truyện hoặc một vấn đề, sự việc xảy ra trong cuộc sống. Nghệ nhân còn có thể ứng tác ngay trong lúc trình diễn.

Chầm riêng Chà pây được Bộ VHTTDL công nhận DSVHPVTQG vào đợt 2, tháng 4-2013.

Nghệ nhân trẻ Thạch Chêne (Trà Vinh) trình diễn nghệ thuật Chầm riêng Chà pây. Ảnh do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) cung cấp.

3. Nghề dệt chiếu Định Yên

Địa bàn công nhận là xã Định Yên và Định An của huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Làng chiếu Định Yên hình thành hàng trăm năm với những mẫu chiếu có hoa văn đẹp, bền chắc. Điểm đặc biệt ở làng chiếu Định Yên là nhóm chợ bán chiếu từ lúc nửa đêm đến rạng sáng (dân gian gọi là Chợ Ma). Nghề dệt chiếu Định Yên đang được người dân địa phương duy trì, tuy việc dệt chiếu và hình thức mua bán đã có phần thay đổi.

Làng chiếu Định Yên được công nhận DSVHPVTQG đợt 3, tháng 9-2013.

4. Lễ hội Cúng biển Mỹ Long

Lễ hội Cúng biển Mỹ Long hay còn gọi là Lễ hội nghinh Ông diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 5 (âm lịch) trên địa bàn các xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Lễ hội tồn tại hơn 300 năm qua, xuất phát từ tín ngưỡng thờ Đức Ông Nam Hải (cá Voi) của ngư dân. Các lễ chính của lễ hội cúng biển Mỹ Long bao gồm: Nghinh Ông (đám rước trên biển), Chánh tế (tại miễu Bà), Dâng Mâm lộc (tại miễu Bà), Nghinh Ngũ phương (đám rước khắp thị trấn), Tống Quái (đám rước trên biển)...

Lễ hội Cúng biển Mỹ Long được công nhận DSVHPVTQG đợt 4, tháng 10-2013.

5. Nghệ thuật sân khấu Dù kê

Bộ VHTTDL ra quyết định công nhận trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đợt 7, tháng 8-2014. Dù kê còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (sông Hậu). Dù kê do chính người Khmer vùng ĐBSCL sáng tạo nên vào đầu thế kỷ 20, kế thừa những loại hình nghệ thuật có trước đó của dân tộc Khmer cũng như quá trình giao thoa âm nhạc, kịch hát của bà con người Kinh, người Hoa vùng ĐBSCL. Dù kê là loại hình sân khấu ca kịch có cốt truyện. Một vở dù kê được phát triển trên nền nhạc ca hát, đối thoại và động tác diễn. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát, thoại đều kèm theo các điệu múa. Nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật Dù kê gồm nhiều loại, thuộc bộ gõ, bộ dây, hơi và trống chiêng.

6. Lễ hội Ok-Om-Bok

Ok-om-bok còn gọi là Lễ Cúng Trăng là lễ hội dân gian rất lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ hội này diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Cúng Trăng là để tạ ơn Thần Mặt Trăng trong một năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu. Lễ vật cúng tế rất phong phú nhưng không thể thiếu cốm dẹp. Ok-Om-Bok có các nghi lễ quan trọng như: Cúng Thần Mặt Trăng, đút cốm dẹp… Phần hội rộn ràng với hội thả đèn nước, nhảy múa và nhất là đua ghe ngo.

Lễ hội Ok-Om-Bok được công nhận là DSVHPVTQG đợt 7, tháng 8-2014 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

DUY LỮ (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết