18/09/2023 - 09:05

Ðảm bảo môi trường học đường an toàn, lành mạnh 

HOÀNG YẾN (Tổng hợp)

Bạo lực học đường (BLHÐ) không phải là hiện tượng mới. Tuy nhiên gần đây, nạn BLHÐ thường xuyên xảy ra, gây nhiều lo lắng cho phụ huynh và học sinh, sinh viên (HSSV). Pháp luật đã quy định cụ thể các biện pháp phòng ngừa BLHÐ; biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực... để đảm bảo cho HSSV có môi trường học an toàn, lành mạnh.

Học sinh cần môi trường học đường an toàn, lành mạnh. Trong ảnh: Các học sinh trao đổi đáp án sau giờ thi tuyển sinh THPT tại điểm trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: BÍCH NGỌC

Ngày 2-4-2023, nữ sinh G.T.C (14 tuổi, lớp 8) đang ở nhà thì nhóm HS Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội, Trường THCS Xuân Nộn (Hà Nội) gọi ra ngoài để nói chuyện. Sau đó, C bị đánh hội đồng, quay clip và phải nhập viện. Sự việc diễn ra vào ngày chủ nhật và ở bên ngoài nhà trường. Gia đình C khi biết chuyện đã gửi đơn tố giác tới các cơ quan chức năng. Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định nhóm đánh em C có 2 HS lớp 8, Trường THCS Xuân Nộn, 2 nữ sinh khác cùng sinh năm 2007, là HS Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội. Cơ quan chức năng xác định em P và em Y (cùng học lớp 8, Trường THPT Xuân Nộn) đứng quay video vụ việc. Sau khi sự việc xảy ra, Trường THCS Xuân Nộn đã mời phụ huynh những HS này đến làm việc. Nhà trường cũng ra quyết định đình chỉ học tập đối với 3 em T, P, Y để giáo dục và ngăn chặn.

Theo quy định, các biện pháp phòng ngừa BLHĐ gồm: tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của BLHĐ; trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi BLHĐ; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi BLHĐ, phù hợp với khả năng của bản thân; giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học, phòng, chống BLHĐ, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học; công khai kế hoạch phòng, chống BLHĐ và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về BLHĐ; tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến BLHĐ; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Về biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị BLHĐ: phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây BLHĐ, người học có nguy cơ bị BLHĐ; đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể; thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.

Biện pháp can thiệp khi xảy ra BLHĐ: đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học; thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực; thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ có quy định cụ thể về hỗ trợ khi HSSV có nguy cơ bị BLHĐ: phát hiện kịp thời HSSV có nguy cơ bị BLHĐ thông qua các biện pháp quản lý, theo dõi và các kênh thông tin. Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể đối với HSSV. Tổ chức gặp gỡ, tìm hiểu, cảnh báo đối với HSSV về nguy cơ BLHĐ có thể xảy ra. Tư vấn các biện pháp cần thiết để HSSV có thể phòng, tránh BLHĐ. Phối hợp chặt chẽ với gia đình HSSV và tổ chức, cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ HSSV có nguy cơ bị BLHĐ.

Trong trường hợp xảy ra BLHĐ, Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH quy định hướng xử lý như sau: có biện pháp cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra BLHĐ, không để đối tượng tiếp tục gây các hậu quả không mong muốn. Liên lạc, báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý vụ việc theo quy định. Trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì thông báo kịp thời với chính quyền hoặc cơ quan chức năng để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật. Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của nạn nhân. Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế đối với nạn nhân. Theo dõi, đánh giá và có biện pháp hỗ trợ thiết thực bảo vệ an toàn cho nạn nhân trong thời gian tiếp theo. Thông báo kịp thời với gia đình nạn nhân để phối hợp xử lý.

Chia sẻ bài viết