“Hò khoan chúng em khua mái chèo/ Đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo...” - Ngày nay, chiếc xuồng chèo vẫn là hình ảnh quen thuộc trên sông rạch đây đó, bởi chúng không chỉ tham gia giao thông đường thủy mà còn trở thành phương tiện chở khách - một dịch vụ du lịch được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Đưa khách tham quan tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre
Phương tiện gắn bó bao đời
Trong điều kiện đất đai phần lớn là rừng, bụi hoang vu, đầy thú dữ, ông cha ta đã chọn đường thủy để đi lại vừa tiện lợi, vừa an toàn. Vì vậy, xuồng ghe đã trở thành hình ảnh quen thuộc bao đời gắn chặt với cuộc sống con người Bến Tre. Do địa hình sông rạch, Bến Tre có một hệ thống đường thủy nội tỉnh và liên tỉnh khá tốt và một lực lượng vận tải thủy mạnh, đủ sức phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, từ việc đi lại của hành khách đến việc chuyên chở các sản vật như lúa gạo, dừa khô, trái cây, gia súc, gia cầm… đi TP. Hồ Chí Minh và các nơi khác.
Ngày nay, dù không còn là phương tiện đi lại chính của người dân, nhưng xuồng ghe vẫn là người bạn thân thiết của những người sống dựa vào nghề sông nước hay người chèo xuồng chở khách du lịch thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông nước và đôi bờ xứ dừa. Dịch vụ xuồng chèo trong du lịch ở Bến Tre thịnh hành nhất ở huyện Châu Thành và TP. Bến Tre. Tuy nhiên, ở Châu Thành xuất hiện sớm hơn, lực lượng người dân tham gia cũng đông đảo và náo nhiệt hơn.
Thêm vào đó, trên nhánh sông Mekong ngăn cách hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, dịch vụ xuồng chèo đưa khách du lịch đều phát triển mạnh. Nếu ai đó chụp một tấm ảnh đi xuồng chèo thì nhìn vào cách chèo, ta có thể biết ngay người khách ấy đi du lịch Tiền Giang hay Bến Tre.
Dịch vụ xuồng chèo xuất hiện ở huyện Châu Thành trước năm 1980, khi ấy du lịch ở Châu Thành chỉ mới manh nha những sản phẩm đơn lẻ như xuồng chèo, xe ngựa, chưa liên kết tạo thành sản phẩm tour tuyến như hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành, cán bộ phụ trách mảng du lịch huyện cho biết: “Sự xuất hiện của dịch vụ xuồng chèo trong du lịch Châu Thành bắt nguồn từ nhu cầu của du khách muốn đi ngắm cảnh sông nước, có cây xanh bóng mát và rặng dừa nước”.
Ông Trương Văn Hải, chủ điểm du lịch Quê Dừa (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) cho hay: Mỗi ngày, điểm du lịch Quê Dừa đón khoảng 400 khách, cao điểm lên đến 1.000 khách, trong chuỗi dịch vụ xuồng chèo, đi xe ngựa, uống trà mật ong, ăn trái cây và nghe đờn ca tài tử thì xuồng chèo là dịch vụ luôn được du khách ưa chuộng nhất.
“Chèo đứng, một mái”
Nói về những đặc điểm xuồng chèo Bến Tre, chị Phạm Thị Hồng Đức - người có thâm niên 15 năm chèo xuồng chở khách du lịch trên tuyến rạch Cầu Chùa, xã Tân Thạch kể: Xuồng chèo Bến Tre chỉ có một người chèo đứng và một mái chèo. Ở Tiền Giang không gọi là xuồng chèo mà là xuồng bơi, hai đầu xuồng đều có người cầm cây dầm bơi. Còn Cần Thơ thì cũng chèo đứng nhưng là hai mái chèo.
Những người lớn tuổi trong nhóm chèo xuồng lý giải, chèo một mái thì sức lực hai tay tập trung vào một mái đẩy xuồng đi nhanh hơn so với chia lực ra hai tay hai mái; bên cạnh đó, lòng rạch sâu và rộng nên chèo đứng chỉ cần một người so với bơi phải cần hai người. Loại xuồng thịnh hành hiện nay trong chở khách du lịch là xuồng tam bản nhưng có đến bảy lá, chứ không phải ba lá nên độ ma sát nước lớn, đầm và rất vững, không bị chòng chành.
Xuồng chèo đưa rước khách du lịch trên bến rạch Cầu Chùa, xã Tân Thạch, Châu Thành.
Ở Tân Thạch, hoạt động xuồng chèo còn có lợi thế diễn ra cả ngày, cả tháng mặc cho con nước lớn ròng. Là do địa hình hai con rạch Cầu Chùa và rạch Cầu Chợ lòng rạch sâu, dù là nước lớn hay nước ròng, hoạt động đưa khách du lịch đều có thể diễn ra xuyên suốt cả ngày. Vào lúc nước lên cao nhất trong tháng, mực nước sâu khoảng 4m, khi nước rút cạn nhất cũng còn độ 6 - 7 tấc nước. Nhờ những đặc điểm này mà dịch vụ xuồng chèo ở Tân Thạch được xem là nơi phát triển mạnh nhất vì du khách đến bất cứ lúc nào xuồng cũng đi được. Thêm vào đó, sản phẩm du lịch ở đây được cung cấp khép kín bằng nhiều dịch vụ liên hoàn như: xuồng chèo, đi xe ngựa, uống trà mật ong, ăn trái cây và nghe đờn ca tài tử, nhờ đó giá sản phẩm ở mức vừa phải, khách dễ chọn lựa.
Theo những người chèo xuồng, mỗi ngày người chèo có khoảng 3 - 4 tour đưa khách, quãng đường dài khoảng 1km đưa khách ra vào rạch, thu nhập khoảng 100 - 120 ngàn đồng, chủ yếu là tiền khách boa. Chú Lê Văn Một, 68 tuổi, người được xem là lớn tuổi nhất, nhì trong nhóm xuồng chèo chở khách du lịch kể: Du khách trong nước lẫn quốc tế rất mê chụp ảnh khi đi xuồng chèo. Nhiều du khách nói hình ảnh lá dừa nước hai bên bờ rạch chụm lại như một mái nhà, hay như đang đi trong một hang động. Thiên nhiên hai bên bờ rạch cũng rất trong lành với chim chóc, thỉnh thoảng là rắn bơi qua bơi lại khiến du khách thích thú. “Quê tôi chỉ có cảnh rừng núi và suối, còn đi xuồng chèo trên sông nước thế này thì thật là lạ và thích lắm”, du khách Phan Văn Đoàn đến từ Lâm Đồng bày tỏ.
Các địa phương như xã Tân Thạch, An Khánh và Quới Sơn, huyện Châu Thành là nơi tập trung của dịch vụ xuồng chèo. Thống kê sơ bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành cho thấy, toàn huyện có khoảng 80 chiếc xuồng chèo tham gia đưa khách du lịch đi tham quan. Họ là những hộ buôn bán nhỏ nhờ vào hoạt động của bến phà Rạch Miễu trước đây, khi phà không còn, họ dần chuyển sang làm người chèo xuồng. Với loại hình chèo xuồng đưa khách du lịch thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông nước và đôi bờ xứ dừa, hình ảnh chiếc xuồng và người chèo đã tô thêm nét đẹp dân dã quê nhà xứ dừa.
Theo Báo Đồng Khởi