Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, TP Vĩnh Long hội tụ rất nhiều lợi thế để phát triển với vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, với vị trí ven sông, TP Vĩnh Long hướng đến khai thác cảnh quan sông nước, tạo khác biệt, hấp dẫn riêng để phát triển kinh tế du lịch.
Ông Nguyễn Trung Kiên- Chủ tịch UBND thành phố- cho biết: thành phố ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch theo mô hình du lịch sinh thái đô thị.
Thành phố xanh, phát triển năng động và ngày càng hiện đại bên dòng Cổ Chiên.
Mở rộng không gian thành phố
Địa thế “hội tụ các con sông” của TP Vĩnh Long thể hiện ngay khi vừa đặt chân lên cầu Mỹ Thuận, hướng mắt nhìn về trung tâm TP Vĩnh Long. Tại đây, dòng sông Tiền bắt đầu chia thành 3 nhánh và 1 trong 3 nhánh đó là sông Cổ Chiên. Trong suốt hành trình uốn lượn qua địa phận TP Vĩnh Long, sông Cổ Chiên tỏa thêm nhiều nhánh rẽ chảy xuyên vào lòng phố. Từ trung tâm TP Vĩnh Long nhìn qua sông Cổ Chiên là vùng cù lao xanh mướt mắt- “thủ phủ” nhiều loại trái cây, các vườn cây giống nổi tiếng, đồng thời, còn có các khu du lịch đậm chất đồng bằng, thiên nhiên trù phú… Cách thành phố khoảng 10km là Khu công nghiệp Hòa Phú được xem là khu công nghiệp kiểu mẫu, phát triển năng động, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động…
Thời gian qua, thành phố đã và đang từng bước hoàn thành việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhiều dự án tạo điểm nhấn đã được đầu tư. Trong đó, công trình kè sông Cổ Chiên giúp bừng sáng bức tranh thành phố ven sông. Dọc kè sông là các công viên, bến tàu, khách sạn, các khu du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng… và sắp tới thành phố còn có các đoạn kè mới: kè từ cầu Lộ đến cầu Cái Cá (tuyến bờ Phường 2); cầu Kinh Cụt đến cầu Cái Cá (tuyến bờ Phường 1)…
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, các tuyến kè không chỉ tạo điểm vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao cho người dân, mà nếu khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, công trình còn mang lại giá trị kinh tế xã hội lớn, góp phần phát triển du lịch, tạo động lực mới để TP Vĩnh Long phát triển.
Theo ngành xây dựng tỉnh, TP Vĩnh Long đang mở rộng một cách tuyến tính dọc theo sông Cổ Chiên, QL1, QL53, dọc đường Phạm Thái Bường (Phường 4) và trục đường Mậu Thân (Phường 3). Bên cạnh các lợi thế về giao thông, hạ tầng, lao động… định hướng sắp tới sẽ “mở rộng không gian” thành phố về các hướng xung quanh: thêm một phần của huyện Long Hồ (các xã: An Bình, Hòa Ninh, Thanh Đức, Tân Hạnh, Phước Hậu), với diện tích khoảng 111,54km2.
TP Vĩnh Long đảm bảo đầy đủ các điều kiện về hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Hướng đến trở thành điểm du lịch trọng tâm kết nối với các điểm du lịch khác, nhất là du lịch cộng đồng tại các xã cù lao trong tỉnh; hình thành các tuyến- tour du lịch tham quan di tích, lễ hội dân gian, đờn ca tài tử, hát bội,…
Định hướng thu hút đầu tư, phát triển du lịch
Ông Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, cho biết khai thác cảnh quan sông nước, đặc biệt là tạo khác biệt, hấp dẫn riêng để thu hút du lịch là vấn đề luôn được tỉnh quan tâm. Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 01 về phát triển du lịch. Theo đó, các dòng sông từng bước được cải tạo, di dời nhà trên sông. Các khu vực ven sông không chỉ xây kè mà còn áp dụng các giải pháp “mềm” như cây xanh, thảm cỏ… tạo sự thân thiện, giao lưu giữa con người với dòng sông.
Theo đó, khi phát triển đô thị sẽ giữ lại tối đa các con sông, kinh rạch và đất cây xanh đất nông nghiệp ven sông tạo mạng lưới cây xanh và mặt nước liên tục trong đô thị. Trong đó, sẽ xây dựng TP Vĩnh Long đa dạng hóa du lịch/Vĩnh Long- thành phố không tham quan hết trong ngày.
Định hình các trọng điểm du lịch phân tán nên du khách có thể tham quan nhiều địa điểm đặc sắc của Vĩnh Long. Không chỉ phát triển du lịch sông nước mà còn xây dựng trọng điểm du lịch gần nút giao với đường cao tốc, khiến khách đi qua phải dừng chân ghé lại, thu hút khách du lịch vào TP Vĩnh Long.
Biến khu vực ven sông Cổ Chiên thành trục du lịch, xây dựng trọng điểm du lịch khác biệt so với các thành phố khác trong ĐBSCL. Trục cảnh quan sông Cổ Chiên gồm: công viên ven sông Cổ Chiên được bố trí ở địa điểm phù hợp tính chất của một công viên liên vùng, quy mô lớn và sẽ trở thành biểu tượng của TP Vĩnh Long.
Hoặc, khu vực cồn Chim được bao bọc bởi sông ngòi, thiên nhiên phong phú, dễ tiếp cận khu vực trung tâm và gần cù lao An Bình, thích hợp để phát triển thành khu du lịch sinh thái lưu trú dài ngày. Hoặc, phát triển thành khu vực cao cấp bậc nhất Vĩnh Long, ngoài phục vụ du khách còn xây biệt thự thu hút người từ đô thị lớn đến ở…
Một góc thành phố xinh đẹp, hiền hòa bên sông.
Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm: Định hướng năm 2018 và những năm tiếp theo, thành phố chú trọng phát triển du lịch, với mục tiêu chung là: Đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trong đó, ưu tiên kêu gọi đầu tư, phát triển khu du lịch sinh thái Cồn Giông, Cồn Chim nhằm tạo các loại hình sinh hoạt cộng đồng có điểm nhấn giải trí; ẩm thực về đêm, khu mua quà lưu niệm, tổ chức tham quan khu di tích lịch sử gắn liền với du lịch tâm linh…
Phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần đưa TP Vĩnh Long trở thành đô thị loại I. Để phát triển TP Vĩnh Long thì trong quy hoạch, ngành đã chú trọng hình thành những vùng phát triển mới, những khu đất mới, dự án mới… để nhà đầu tư cần thì tất cả đã sẵn sàng.
Theo Báo Vĩnh Long