20/01/2019 - 09:32

Xuân về trên biển đảo Tây Nam
Bài 2: Một lòng vì biên cương Tổ quốc 

Nơi đầu sóng, ngọn gió, quân và dân các đảo tiền tiêu nương tựa nhau bám biển, giữ đảo, chung lòng dựng xây, vun đắp cho đảo ngày càng phát triển. Chính những người con biển đảo ấy đang gánh vác trọng trách quê hương giao phó, giữ vững chủ quyền biển đảo cực Nam của Tổ quốc thân yêu.

Chiến sĩ tăng gia sản xuất. 

Đẹp hình ảnh người lính hải quân

Hầu hết các trạm ra-đa của Tiểu đoàn 551 Vùng 5 Hải quân đều đóng quân trên đồi cao của các hòn đảo ở biển Tây Nam gặp phải nhiều khó khăn: Mùa khô thiếu nước sinh hoạt; mùa mưa nhiều sấm sét, sương mù, hạn chế tầm quan sát.

Tuy nhiên, các đơn vị trạm ra-đa luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác. Các đơn vị tập trung, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của cấp trên về công tác sẵn sàng chiến đấu; duy trì chặt chẽ chế độ, lực lượng, phương tiện trực đúng quy định; duy trì hoạt động ra-đa 24/24, bảo đảm kịp thời, độ tin cậy cao. Trạm ra-đa còn hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đóng quân trên địa bàn nắm chắc tình hình trên không, trên biển, trong phạm vi quan sát; kịp thời thông báo, báo cáo giúp chỉ huy các cấp xử lý các tình huống không bị động bất ngờ; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, an tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thầy giáo Trần Bình Phục gieo chữ nơi đảo xa.

Bên cạnh công tác chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ các trạm ra-đa còn thi đua tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn tại đơn vị. Trung úy Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm Ra-đa 625 ở Hòn Đốc cho biết, mặc dù đơn vị đóng quân trên đồi cao, lượng nước ngọt cung cấp bị hạn chế nhưng năm nào đơn vị cũng vượt mức cấp trên giao về chỉ tiêu tăng gia sản xuất. Đơn vị nuôi đàn heo rừng, nuôi gà, trồng thêm rau xanh, không những đáp ứng bữa ăn hàng ngày của bộ đội mà còn đưa ra thị trường.

“Ngay từ những năm đầu thành lập trạm, anh em tổ chức làm chuồng trại, nghiên cứu mua giống heo rừng ở Tây Nguyên về chăn nuôi, nhân giống. Heo rừng cũng rất dễ nuôi và tốn ít công chăm sóc. Hiện nay, mỗi năm đơn vị xuất lượng heo giống từ 50-60 con, với giá thị trường từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/con. Còn với heo thịt, mỗi năm đơn vị xuất từ 300-400kg thịt với giá dao động từ 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/kg”-Trung úy Nguyễn Quốc Hùng kể.

Không chỉ tăng gia sản xuất, bộ đội ở vùng biển đảo còn góp phần xóa mù chữ cho con em trên đất đảo. Lớp học do thầy giáo Trần Bình Phục, bộ đội biên phòng ở Hòn Chuối phụ trách có nhiều em vào đất liền tiếp tục con đường tri thức và học được nghề, có công ăn việc làm ổn định. Thầy Trần Bình Phục chia sẻ: “Ra đảo công tác là tâm nguyện ban đầu muốn góp sức mình nơi đảo xa, nhưng gắn bó với nghiệp gõ đầu trẻ cho con em ngư dân lại là cơ duyên không ngờ tới”. Gần 10 năm trôi qua, Đại úy Trần Bình Phục vẫn miệt mài với 3 tấm bảng đen được treo trong lớp học ghép để dạy cho tụi nhỏ đủ các khối lớp từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở. Thầy Trần Bình Phục bộc bạch: “Động lực giúp tôi kiên trì bám đảo, bám lớp chính là niềm tin rằng dù ở nơi tiền tiêu đầy sóng gió vẫn có những tấm lòng sẻ chia của đồng chí, đồng đội, nhất là hậu phương yêu thương, luôn hướng về chúng tôi”.

Đượm tình quân dân

Nhân dân thường dành nhiều tình cảm tốt đẹp, thân thương cho những chú bộ đội cụ Hồ, bởi cả trong chiến tranh lẫn trong hòa bình, quân - dân luôn gắn bó, đoàn kết một lòng bảo vệ quê hương, dựng xây cuộc sống. Những nơi biển đảo xa xôi, cách trở, mối thân tình ấy càng bền chặt hơn, đượm tình quân - dân cá nước.

Y sĩ quân y thăm khám cho người dân.

Nằm ở vị trí tiền tiêu, năm nào các đảo vùng biển Tây Nam cũng hứng chịu hậu quả nặng nề của các cơn giông bão, gây nhiều thiệt hại về người và của cho ngư dân sống trên đảo. Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, lúc nào quân - dân cũng cận kề, cùng vượt qua thiên tai. Mỗi khi có thông tin cơn bão sắp kéo đến, cán bộ, chiến sĩ các trạm ra-đa, đồn biên phòng vận động bà con neo đậu tàu thuyền vào bờ, lên trạm trú bão với phương châm còn người còn của, sinh mạng con người là quan trọng nhất. Những ngày mưa bão, bộ đội nhường cơm sẻ áo cho bà con; hết bão, lại cùng bà con sửa chữa nhà cửa, cứu hộ tàu thuyền, ổn định lại cuộc sống.

Ông Phạm Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết, vừa qua cơn bão số 1 của năm 2019, số lượng lớn các phương tiện của ngư dân nơi khác đến Nam Du núp bão, hơn 30 tàu thuyền bị chìm. Nhờ sự phối hợp của lực lượng vũ trang, cùng với bà con nhân dân trên đảo, giúp đỡ, cưu mang bà con gặp nạn từ việc ăn ở những ngày bão, đến hỗ trợ phương tiện, chi phí cho bà con trở về quê.

Chú Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản ở Hòn Chuối, bộc bạch: “Không nơi nào tình quân dân gắn bó như ở hải đảo. Bộ đội là chỗ dựa vững chắc cho dân, giúp dân vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống cách xa đất liền và nhiều biến động về thời tiết. Ở Hòn Chuối, mỗi năm tụi tôi dời nhà hai lần để tránh bão, sau bão lại phải sửa chữa nhà cửa, lúc nào cũng có bộ đội tiếp sức”.

Với công tác cứu hộ cứu nạn trên biển, đường dây nóng của tổ chức phối hợp giữa chính quyền và các lực lượng luôn trực sẵn sàng. Khi có thông tin tàu thuyền gặp nạn, trạm ra-đa kịp thời báo tọa độ, tàu cứu hộ sẽ ra biển ứng cứu kịp thời. Thời gian qua, nhiều trường hợp được hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng chết người. Ngoài ra, khi bà con có vấn đề về sức khỏe, những trường hợp nặng cần chuyển vào đất liền, cũng chính nhờ lực lượng trên địa bàn hỗ trợ phương tiện để đưa dân vào bờ.

Các trạm ra-đa và đơn vị biên phòng còn nhận đỡ đầu hàng tháng cho hộ nghèo, khó khăn, hưởng ứng cuộc vận động mỗi tổ chức gắn với một địa chỉ tình thương. Trên cơ sở địa phương soát xét hộ khó khăn nhất, đơn vị quân đội sẽ hỗ trợ hàng tháng, giúp bà con thoát nghèo. Ngoài ra, lực lượng hải quân và các đơn vị đóng quân trên địa bàn các đảo còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng, thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội đảo ngày càng phát triển, cải thiện đời sống nhân dân.

Ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải cho biết, các lực lượng đóng quân trên địa bàn phối hợp rất tốt với chính quyền địa phương trong công tác xây dựng nông thôn mới của đảo, nhất là tiêu chí về môi trường. Định kỳ hàng tuần, địa phương ra quân thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường, huy động được sự ủng hộ hưởng ứng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hải quân và người dân địa phương.

Ở xã đảo Tiên Hải, nơi giáp với biên giới Campuchia, hàng năm, chính quyền phối hợp với các lực lượng quân đội tổ chức các hoạt động giao lưu giữa hai địa phương, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc.

(Còn tiếp)

Bài cuối: Chở Tết yêu thương  ra đảo sum vầy

Bài, ảnh: Thu Sương

 

Chia sẻ bài viết