24/04/2008 - 09:12

Phiên thứ 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Xem xét “mức trần” lãi suất huy động và cho vay vốn

Sáng 23-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (phần liên quan đến lãi suất huy động vốn, cho vay vốn của tổ chức tín dụng và một số quy định khác liên quan đến việc áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Tờ trình của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự đã nêu lên thực tế thời gian qua, lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố chỉ có ý nghĩa tham khảo đối với các tổ chức tín dụng khi ấn định lãi suất huy động vốn và cho vay vốn. Lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố thường ở mức thấp hơn khá nhiều so với lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng và chỉ điều chỉnh tăng, giảm với biên độ thấp nhằm tác động ổn định lãi suất thị trường và kiểm soát lạm phát. Vì thế, nếu áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ Luật Dân sự (khống chế lãi suất cho vay tối đa bằng 150% lãi suất cơ bản) là quá thấp, không phù hợp với thực tế và sẽ dẫn đến rất nhiều hợp đồng cho vay của các tổ chức tín dụng vi phạm quy định này của Bộ luật Dân sự. Đối với các quan hệ cho vay dân sự như hụi, họ, biêu, phường, cho vay cầm đồ và các quan hệ cho vay dân sự khác, mức khống chế lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự (không quá 150% lãi suất cơ bản) cũng là quá thấp, không phù hợp với thực tế.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật phân tích nêu rõ nguyên nhân của tình trạng cho vay vốn của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua vượt qua trần lãi suất không phải vì nguyên nhân do bất cập trong quy định của Bộ luật Dân sự, bởi quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố” tại khoản 1 Điều 476 của Bộ luật Dân sự không xác định lãi suất cụ thể mà chỉ khống chế trần lãi suất trên cơ sở lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố để các giao dịch dân sự về vay, cho vay được diễn ra lành mạnh, ngăn chặn tình trạng vay nặng lãi. Việc để xảy ra tình trạng nhiều hợp đồng tín dụng cho vay của tổ chức tín dụng có lãi suất vượt quá so với trần lãi suất quy định tại Bộ luật dân sự là do Ngân hàng nhà nước không thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân hàng nhà nước là công bố lãi suất cơ bản để “làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh” mà để cho các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất trên cơ sở tham khảo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố. Báo cáo thẩm tra cũng nêu lên thực tế việc xác định lãi suất của các tổ chức tín dụng không quan tâm đến quy định của Bộ luật Dân sự. Trong tờ trình có nêu “từ tháng 6 năm 2002 theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã bãi bỏ quy định các tổ chức tín dụng phải ấn định lãi suất cho vay theo lãi suất cơ bản cộng biên độ”. Tuy nhiên việc bãi bỏ này lại không phù hợp với quy định của Luật Ngân hàng nhà nước. Bởi vì, quy định về lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh được quy định tại luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2003, Luật này có hiệu lực thi hành đến nay, Ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục duy trì cách làm này mà không thực hiện theo quy định mới của Luật. Như vậy nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do vấn đề thi hành Luật Ngân hàng Nhà nước cũng như những quy định có liên quan của Bộ luật dân sự chứ không phải bất cập do quy định của Bộ luật dân sự.

* Chiều 23-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét lần cuối hai dự án Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII vào tháng 5 tới.

 QUỲNH HOA – PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết