01/10/2012 - 20:25

Trường Đại học Cần Thơ

Xây dựng Hòa An phục vụ Tam nông

Là trường đại học trọng điểm, có qui mô đào tạo lớn nhất vùng ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) được xem là "đầu tàu" về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Trường còn là trung tâm đào tạo nhân lực phục vụ phát triển Tam nông (Nông nghiệp, nông dân, nông thôn) cho cả vùng. Để làm được điều này, phải kể đến vai trò quan trọng của Khu Hòa An, một trong 4 cơ sở đào tạo của trường.

Cơ sở đào tạo cho nông nghiệp, nông thôn

Cách trung tâm TP Cần Thơ gần 40 km, khu Hòa An của Trường ĐHCT có lợi thế riêng để phát triển nguồn lực phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở Hòa An đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang- địa phương có thế mạnh về nông nghiệp. Hòa An có trên 100 ha để phát triển khu thực hành, thực tập phục vụ các ngành kỹ thuật nông nghiệp. Đây còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất phèn. Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, ngoài 3 khu chính tại trung tâm TP Cần Thơ, khu Hòa An là cơ sở đào tạo hết sức quan trọng. Khu này có Khoa Phát triển Nông thôn (thành lập tháng 6-2011), có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho phát triển nông thôn theo định hướng nông thôn mới, chuyển giao công nghệ và giải quyết các vấn đề thực tiễn kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển mô hình nông thôn mới vùng ĐBSCL.

PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT khen thưởng cho các sinh viên tiêu biểu năm học 2011-2012 của Khoa Phát triển Nông thôn.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước. Vốn có thế mạnh về đào tạo ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Trường ĐHCT đủ khả năng đào tạo nhân lực cho vùng. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: "ĐBSCL là vùng nông nghiệp, nông thôn nên việc hình thành và phát triển khu Hòa An có ý nghĩa, bởi sẽ đào tạo nhân lực phục vụ phát triển Tam nông. Vì thế, Trường ĐHCT nên đề nghị Chính phủ xây dựng và phát triển mạnh khu này, nhằm giảm áp lực cho khu chính của trường tại trung tâm TP Cần Thơ". Theo ông Khang, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ký kết hợp tác đào tạo với khu Hòa An, nhằm đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực nông nghiệp, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý cấp xã, thị trấn. Chí ít, mỗi địa phương, Phó Chủ tịch phải có trình độ đại học ở lĩnh vực nông nghiệp.

Trường ĐHCT hiện đang đào tạo hơn 44.000 sinh viên, học viên ở 87 chuyên ngành đại học, 36 chuyên ngành cao học và 9 chuyên ngành nghiên cứu sinh. Trường đang làm thủ tục xin mở 6 ngành mới bậc đại học và 4 chuyên ngành tiến sĩ, 1 ngành thạc sĩ. Riêng cơ sở tại khu Hòa An có 7 chuyên ngành, gồm: Kỹ thuật công trình xây dựng, Quản trị kinh doanh, Luật, ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Nông học và Phát triển nông thôn. Tổng số sinh viên đào tạo tại khu Hòa An trên 800 sinh viên.

Đầu tư mạnh để phát triển

Tại lễ khai giảng năm học 2012-2013, tại cơ sở Hòa An, do Trường ĐHCT tổ chức, ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh: "Đối với khu Hòa An, trường nên có đề án, kế hoạch cụ thể để xây dựng cơ sở trở thành trung tâm khoa học kỹ thuật trong vùng, trung tâm văn hóa tiêu biểu tại địa phương, nhân tố quan trọng góp phần phát triển con người một cách toàn diện…".

Có thể nói ngay những năm đầu thành lập, lãnh đạo Trường ĐHCT đã xác định phát triển khu Hòa An thành trung tâm đào tạo cho các tỉnh lân cận (Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang). Vì thế, để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường ĐHCT đã đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thực hành,... đảm bảo cho Khoa Phát triển Nông thôn đào tạo trên 800 sinh viên. Tổng kinh phí đầu tư trên 30 tỉ đồng, từ nguồn kinh phí của trường. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết: "Năm học mới này, đi đôi với công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho khu Hòa An, như: hoàn thành xây dựng Nhà học, khu nhà điều hành (kinh phí 15 tỉ đồng), khu ký túc xá, phòng học, thí nghiệm... Đồng thời, trường tăng cường giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo". Ông Toàn cũng cho biết, được sự hỗ trợ Chương trình quốc gia giáo dục quốc phòng, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các tỉnh, thành ĐBSCL, trường đã xây dựng, trình Đề án Trung tâm Giáo dục quốc phòng, phục vụ đào tạo cho khoảng 2.000 sinh viên ở các trường Đại học vùng ĐBSCL vào năm 2015. Tổng kinh phí xây dựng trên 100 tỉ đồng. Theo kế hoạch, cuối năm 2013, trường sẽ đưa Trung tâm Giáo dục quốc phòng từ khu II về khu Hòa An hoạt động, thu hút khoảng 500 sinh viên theo học.

Mặc dù Trung ương, địa phương đã có sự quan tâm phát triển khu Hòa An nhưng trên tổng thể chung, việc đầu tư cho khu Hòa An vẫn chưa thật sự tương xứng. PGS.TS Hà Thanh Toàn bộc bạch: "Thời gian qua, việc đầu tư cơ sở Hòa An chủ yếu bằng kinh phí của trường. Vì thế, để khu Hòa An thật sự phát triển, trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa từ Trung ương".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết