09/05/2020 - 17:43

Vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế 

Sáng 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”. Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Sự kiện được xem là động thái mạnh mẽ của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam như “lò xo nén lại” do dịch COVID-19 và cần được bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Đương đầu với COVID-19

Trong tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với “khó khăn kép”: vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu. Do đó, doanh thu của các DN trong quý I năm 2020 bị sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các quý, năm tiếp theo. Nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN vừa và nhỏ. Kết quả khảo sát gần 130.000 DN do Tổng cục Thống kê thực hiện vào tháng 4 vừa qua cho thấy, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, gần 58% DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong số các DN có hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ DN không xuất khẩu được hàng hóa lên tới 56,9%. Doanh thu quý I năm 2020 của các DN giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều DN đã vượt lên khó khăn, thích ứng với tình hình bằng nhiều giải pháp và hướng đi mới. Nhiều sáng kiến được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như: áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh;… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, cộng đồng DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ các DN khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn. Khoảng 90% DN được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các DN khác; trên 50% DN thực hiện giãn công nợ cho DN đối tác; gần 50% DN thực hiện giảm giá; gần 40% chia sẻ khách hàng với DN khác; gần 30% DN chia sẻ thị trường; 6% thực hiện cho DN khách hàng vay”. 

Lãnh đạo TP Cần Thơ dự Hội nghị tại điểm cầu Cần Thơ.

Song song với nhiệm vụ chống dịch, Chính phủ, các bộ ngành đã luôn đồng hành cùng DN để ổn định và khôi phục sản xuất thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Đơn cử như: Chỉ thị số 11/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/NQ-CP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do COVID-19; Bộ Công thương kiến nghị giảm giá điện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho 2 nhóm khách hàng sản xuất và du lịch; đồng thời, yêu cầu EVN thực hiện hỗ trợ tiền điện từ tháng 4 đến 6- 2020 cho các cơ sở trực tiếp chống dịch COVID-19. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như: Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19…

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Tân Cảng Cái Cui.

Chống trì trệ, đón thời cơ

Với những nỗ lực không mệt mỏi, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. Đây là cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam là đối tác đáng tin cậy của Hàn Quốc trong những năm vừa qua. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chuỗi cung ứng giữa 2 nước bị đứt gãy. Hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc đều cơ bản khống chế được dịch bệnh, do đó, chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể nối lại các hoạt động giao thương, đầu tư giữa 2 nước trên cơ sở phối hợp tốt, nghiêm túc trong phòng chống dịch”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Do tác động của dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam như “lò xo bị nén lại” và thời điểm này cần phải phải bung ra. Chúng ta đã từng chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc” thì nay phải “chống trì trệ như chống dịch”. Hội nghị hôm nay không phải chỉ để nói suông, nói rồi để đó mà các bộ ngành, địa phương phải nhanh chóng bắt tay vào làm ngay, triển khai Chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Đối với DN, sau thời gian giãn cách xã hội, lãnh đạo DN đã có đủ thời gian để tư duy lại về con đường phát triển mới cho DN của mình.

Thủ tướng cũng nêu 3 yêu cầu đối với DN: Không được trông chờ, ỷ lại; phải tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị; áp dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đặc biệt là thành tựu cách cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, 3 vấn đề DN phải giữ: Giữ lao động, giữ thị trường và giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam. COVID-19 là đại dịch nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam nói chung và cộng động DN nói riêng, nếu biết tổ chức quản lý nhà nước tốt, tổ chức kinh doanh tốt, chúng ta sẽ thành công.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), băn khoăn: “Dịch bệnh dần sẽ được khống chế, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là DN phải nắm bắt được xu hướng tiêu dùng sau dịch và nhu cầu thị trường sẽ diễn biến thế nào để có sự thích ứng kịp thời. Vinatex kiến nghị đến các bộ ngành hữu quan nhanh chóng phê duyệt và ban hành hướng dẫn về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) để khi có hiệu lực thì DN tận dụng được ngay những ưu đãi”. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, để vực dậy ngành Du lịch, cần mở chiến dịch truyền thông “Việt Nam điểm đến an toàn” để quảng bá, mời gọi đón khách du lịch quốc tế từ quý IV-2020 đối với các thị trường tình hình dịch bệnh cơ bản khống chế (Đông Bắc Á, Đông Nam Á…). Đối với du lịch trong nước, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành các tam giác động lực phát triển du lịch như: Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Nha Trang - Đắk Lắk - Phú Yên… Cùng với đó là mở lại các chuyến bay nội địa, giảm giá tham quan tại các điểm du lịch do Nhà nước quản lý…

Mặc dù các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ ban hành vừa qua được đánh giá là rất phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng DN. Tuy nhiên, theo phản ánh của DN, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn khá nhiều hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi chính sách chưa thực sự mang tính hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Thực tế, nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hầu hết các ngành, các nhóm DN. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của các giải pháp chỉ đang tập trung vào một số ngành trọng điểm, dẫn đến nhiều DN bị ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 nhưng không được nhận hỗ trợ. Để nhanh chóng đưa được các chính sách của Chính phủ đến từng DN, một số ý kiến đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo có đủ thẩm quyền quyết định và giải quyết vướng mắc cho DN kèm theo “đường dây nóng” để hỗ trợ, giải đáp các ý kiến hỏi đáp từ cộng đồng DN. Đồng thời, thống nhất đầu mối thông tin để phổ biến kịp thời các chỉ đạo và cơ chế chính sách của Chính phủ, bộ ngành tới DN một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh hiện nay, hướng về thị trường nội địa với 100 triệu dân là vô cùng cần thiết. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: Chúng ta phải mở cuộc phát động mạnh mẽ hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm dịch vụ nhằm trụ vững và vượt qua dịch bệnh. Bên cạnh đó, các DN Việt cũng cần có sự liên kết với nhau, tạo ra nhiều chương trình kích cầu liên thông, quy mô rộng lớn. Như vậy, Cuộc vận động sẽ mang tính lan tỏa và mang lại hiệu quả thực chất, giúp thị trường trong nước sôi động trở lại.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết