20/04/2011 - 09:59

Vượt qua tật nguyền

9 tuổi bị viêm tủy sống, 10 tuổi mồ côi mẹ, rồi hai người chị thân yêu cũng lần lượt mắc bạo bệnh qua đời…, dường như mọi bất hạnh đều ập lên đôi vai bé bỏng của Ôn Thị Hồng Nhan. Bà con thân tộc tưởng Nhan sẽ gục ngã, nhưng không, cô gái bé nhỏ vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên. Hiện nay, Nhan là thợ thủ công mỹ nghệ lành nghề của Cơ sở Nhịp Cầu, thuộc Hội Người khuyết tật (NKT) TP Cần Thơ.

Hồng Nhan bên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gáo dừa do chính mình làm ra. 

Đến thăm Cơ sở Nhịp Cầu, nhiều khách hàng có cảm tình với cô Nhan với vóc người nhỏ bé nhưng gương mặt lúc nào cũng tươi tắn, tuy bị tật nặng (liệt tủy sống, liệt từ thắt lưng trở xuống) nhưng Nhan rất cố gắng làm việc. Trong xưởng nóng bức, bụi bặm, Nhan bịt mặt, ngồi tỉ mẩn cưa những mảnh gáo dừa thành những con thú, bình hoa, khung hình, bóp, chén, muỗng... để làm hàng lưu niệm, hàng gia dụng hoặc trang trí nội thất. Là nữ, tay yếu nhưng bất kỳ món hàng nào các bạn nam làm được thì Nhan cũng làm được. Cô Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ, cho biết: “Nhan bị tật nặng, sức khỏe yếu, lúc triển khai lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ bằng gáo dừa, tôi không nghĩ là Nhan học được. Vì làm nghề này, tay phải khỏe, khéo léo, kiên nhẫn thì mới làm được. Nhiều người đến học nghề nhưng lại bỏ ngang vì không làm được. Nhan không những đã làm được mà còn làm rất tốt”.

Nhan là con út trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Năm 9 tuổi, đang học lớp 2, Nhan bị sốt, rồi sau một giấc ngủ dài, khi thức dậy, chân cứng đơ, không đi lại được nữa. Thậm chí ngay cả tiểu tiện, Nhan cũng không tự chủ được. Cha mẹ đưa Nhan đến TP Hồ Chí Minh chữa trị, bác sĩ nói Nhan bị viêm tủy sống. Sau hơn hai tháng điều trị bằng tiền vay mượn, không còn nơi nào vay nợ được nữa nên gia đình đành đưa Nhan về quê. Nhà xa trường học, đường nông thôn sình lầy, cha và các anh, chị quần quật làm mướn kiếm tiền trả nợ, không ai đưa rước nên Nhan đành nghỉ học.

Nhà nền đất, mùa mưa nước ngập lênh láng, Nhan chỉ ngồi trên ghế, nhìn ra đường. Bất hạnh chưa chịu buông tha cho cô gái nhỏ khi vài tháng sau, mẹ Nhan bị bệnh tim qua đời. Nỗi buồn mất mẹ chưa kịp nguôi ngoai thì hai người chị bị bạo bệnh, lần lượt qua đời. Trong căn nhà đã vắng giờ càng thêm hiu quạnh. Mọi người đều đi làm, chỉ mình Nhan ngồi buồn bã nhìn ra ngoài đường.

Sau khi mẹ mất vài năm, cha đi bước nữa. Tuy được mẹ kế đối xử tốt nhưng trong lòng Nhan vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Cho đến một hôm, có chú y sĩ ở trạm y tế cảm thương cho hoàn cảnh của Nhan nên đến nhà nói chuyện khuyên cha Nhan nên đưa cô đến Cơ sở Nhịp Cầu. Sợ con mình đi xa không ai chăm sóc nên cha Nhan không đồng ý. Hai năm sau, năm 2006, khi Nhan 24 tuổi, thấy cha vì mình mà lo buồn, không vui với mẹ kế nên Nhan quyết tâm tìm đến Cơ sở Nhịp Cầu. Nhan kể: “Gia đình nghèo nhưng cả nhà thấy tôi tật nguyền nên luôn thương yêu, chăm sóc cho tôi. Trước khi đi, tôi suy nghĩ không biết sẽ sống ra sao nếu không có người thân. Suốt 1 tuần liền, không ngủ được nhưng tôi nghĩ cha không sống với tôi hết cuộc đời, anh chị cũng phải có gia đình riêng, thôi thì nhắm mắt đi một lần thử xem sao!”.

Đến cơ sở, suốt ba năm Nhan chỉ kết cườm rồi chằm lá. Việc làm khi có khi không nên thu nhập không đủ sống, hàng tháng tuy đã chi dùng rất tằn tiện nhưng Nhan vẫn phải xin thêm tiền gia đình. Ngoài ra, Nhan cũng tự học cách chăm sóc bản thân, nấu ăn. Khó khăn không làm Nhan lùi bước, quyết tâm bám trụ để chờ cơ hội được học nghề. Đến giữa năm 2009, ước mơ được học nghề trở thành sự thật. Dù bị bệnh hay mệt mỏi, Nhan vẫn cố gắng làm gấp 2-3 lần người khác. Bây giờ thu nhập mỗi tháng của Nhan hơn 1,2 triệu đồng. Tuy thu nhập không cao nhưng do biết sống tiết kiệm từ nhỏ nên Nhan vẫn đủ chi dùng. Nhan tâm sự: “Sản phẩm mỹ nghệ làm ra chưa được tiêu thụ nhiều, giá bán thấp nên thu nhập của thợ thủ công chưa cao. Nhưng tôi tin rằng khi Cơ sở Nhịp Cầu được nâng cấp thành điểm du lịch thì sản phẩm làm ra sẽ bán chạy hơn và đời sống của những NKT như chúng tôi được cải thiện”.

Từ ngày đến cơ sở, Nhan được học văn hóa, rồi học Anh văn miễn phí, Nhan có dịp đi tham quan, giao lưu học hỏi ở các câu lạc bộ, Hội NKT khác... Tất cả những điều này đã làm Nhan gần như lột xác. Từ một cô gái ít nói, sống nội tâm, Nhan đã trở nên yêu đời, luôn cố gắng học tập và làm việc để tương lai tươi đẹp hơn. Chia tay tôi, Nhan nói: “Em rất tâm đắc câu nói này: Cuộc sống có thể lấy của bạn thứ này nhưng sẽ bù lại cho bạn thứ khác, quan trọng là đừng mất niềm tin và phải luôn nỗ lực”.

Bài, ảnh: ĐOÀN LÝ

Chia sẻ bài viết