23/02/2019 - 14:31

Vun đắp quan hệ Việt Nam-FAO 

Hơn 40 năm qua, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện gần 500 dự án ở nhiều lĩnh vực, từ xóa đói, giảm nghèo, cho đến đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, thủy sản… Việc Cần Thơ tổ chức thực hiện thành công các dự án được triển khai trên địa bàn thành phố, cũng như làm tốt vai trò trung tâm của khu vực ĐBSCL trong thực hiện các chương trình, dự án cấp vùng, đã góp phần vun đắp quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và FAO.

TP Cần Thơ là một trong những địa phương đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở huyện Thới Lai,  TP Cần Thơ. Ảnh: Anh Khoa

Đối tác quan trọng

Là tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, FAO được thành lập vào ngày 16-10-1945 và hoạt động như một trung tâm thu thập và phân tích thông tin, tư vấn kiến thức, kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, lương thực và dinh dưỡng trên phạm vi toàn cầu. Đối với các nước thành viên, FAO khuyến khích và tìm các nguồn tài chính để hỗ trợ chương trình hợp tác kỹ thuật giữa các nước thành viên, tiêu biểu là hợp tác Nam-Nam.

FAO bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1978, vào thời điểm Việt Nam gặp nhiều khó khăn như thiếu lương thực, bị bao vây cấm vận, các kênh hỗ trợ phát triển rất hạn chế. Trong hơn 40 năm đồng hành cùng Việt Nam, FAO trợ giúp Việt Nam rất nhiều trong các lĩnh vực về nông-lâm-ngư nghiệp. Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới về tiếp nhận chương trình của FAO.

Mới đây, trong buổi tiếp Đại diện thường trực Việt Nam tại FAO Nguyễn Thị Bích Huệ, Tổng Giám đốc FAO, Tiến sĩ José Graziano Da Silva đã đánh giá cao bề dày và hiệu quả hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và FAO, coi đây là một điển hình hợp tác thành công, đóng góp đáng kể vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của FAO.

Có thể nói, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của FAO, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đặc biệt trong bối cảnh gia tăng thách thức từ thiên tai và biến đổi khí hậu, FAO đã cùng với các đối tác tại Việt Nam triển khai nhiều dự án thiết thực như các chương trình giúp ứng phó với mối đe dọa dịch bệnh nguy hiểm; tăng cường quản lý kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm; tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai và các mối đe dọa… Trong đó, có các dự án và chương trình lớn trợ giúp khẩn cấp nhằm khống chế dịch cúm gia cầm; đầu tư nghiên cứu hỗ trợ Quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc…

Có thể khẳng định quan hệ Việt Nam-FAO đang phát triển thuận lợi. FAO đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Chương trình hợp tác Nam-Nam và tiếp tục dành sự ủng hộ cho Việt Nam. Theo đó, Khung chương trình hợp tác giữa FAO với Việt Nam giai đoạn 2018-2021 gồm các ưu tiên: Tăng cường an ninh lương thực, tập trung xóa đói, giảm suy dinh dưỡng và đảm bảo an toàn thực phẩm; Phát triển nông nghiệp bền vững, đóng góp cho tăng trưởng xanh và các chiến lược khác của quốc gia trong quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững; Nâng cao khả năng chống chịu cho các cộng đồng trước thiên tai, biến đổi khí hậu và các nguy cơ khác.

Vì tương lai phồn vinh

Trung tuần tháng 10 năm rồi, nhân kỷ niệm lần thứ 38 Ngày Lương thực thế giới và 40 năm hoạt động của FAO tại Việt Nam, FAO đã kêu gọi “Hành động hôm nay - Tương lai ngày mai. Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 là điều có thể”. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của FAO tại Việt Nam, thể hiện tinh thần của quan hệ hợp tác thành công giữa FAO và Việt Nam trong suốt 4 thập kỷ qua. Theo đó, FAO đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng chung tay để đạt mục tiêu ấy, bao gồm cả đầu tư của nhà nước và khu vực tư nhân, nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được hưởng lợi từ cơ hội tăng trưởng và việc làm.

Theo FAO, mục tiêu Không còn nạn đói cũng là chìa khóa của Chương trình phát triển bền vững 2030. Bởi, FAO cho rằng không thể đạt được nhiều Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chẳng hạn như giáo dục có chất lượng và sức khỏe tốt cho tất cả mọi người, nếu không thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là xóa đói. Lương thực và nông nghiệp cũng là trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 nhằm chấm dứt đói, nghèo và suy dinh dưỡng nhằm bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Albert Lieberg, đại diện của FAO tại Việt Nam cho biết: “Mục tiêu giúp phát triển bền vững là hoạt động chính của FAO tại Việt Nam. Mối quan hệ đối tác này nhiều thập kỷ qua, được thể hiện qua vai trò chủ trì của FAO trong thực hiện gần 500 dự án xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng thông qua hợp tác trên các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, thủy sản… Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ với không ít thách thức, FAO cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, luôn ủng hộ Việt Nam trên con đường mang lại tương lai phồn vinh cho người Việt Nam”.

Trước đó, vào tháng 8-2017, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, lãnh đạo của FAO đã cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án đang được triển khai tại Việt Nam như: Chương trình giảm phát thải nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; Chiến dịch lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam; thúc đẩy hệ thống thâm canh lúa cải tiến ở hạ lưu sông Mekong; tăng cường năng lực giám sát và quản lý thông tin dịch hại; xây dựng giải pháp cho việc cung cấp bền vững thức ăn cá tra; hỗ trợ nghiên cứu điển hình về nông nghiệp công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu...

Lãnh đạo của FAO cũng đánh giá cao những thành quả mà Cần Thơ đã đạt được trong thực hiện các chương trình dự án do FAO hỗ trợ cho Việt Nam được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cũng như tổ chức thành công các hội thảo, hội nghị chuyên đề có liên quan, thể hiện vai trò trung tâm của khu vực ĐBSCL trong liên kết, phát triển hướng tới mục tiêu chung của vùng và cả nước.

Một số chương trình và dự án nổi bật của FAO

Thúc đẩy phát triển nông thôn thông qua phát triển các chỉ dẫn địa lý ở cấp khu vực ở châu Á; Phát triển NAMA tại Việt Nam cho các hệ thống năng lượng thực phẩm tích hợp; Sản xuất và thương mại xanh để tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người nghèo ở nông thôn; Nâng cao năng lực và cải cách chính sách để giảm thiểu rủi ro thuốc trừ sâu ở Việt Nam;  Tăng cường quản lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam - tập trung vào việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh có khả năng gây bệnh bao gồm cả Cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao (HPAI), Giai đoạn II; Chiến lược an ninh lương thực và dinh dưỡng tổng hợp cho trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam; Thông tin, Giáo dục và Truyền thông về An toàn Thực phẩm; Nâng cao năng lực cho hệ thống kiểm tra thực phẩm tại Việt Nam…

NHẬT QUANG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết