02/07/2008 - 21:39

Vú sữa Lò Rèn rộng đường xuất khẩu

Quy trình sản xuất trái vú sữa Lò Rèn, loại trái cây đặc sản tỉnh Tiền Giang, theo tiêu chuẩn Global GAP vừa được Công ty SGS Việt Nam chứng nhận. Đây là sản phẩm nông nghiệp thứ hai của Việt Nam (sau trái thanh long) được chứng nhận tiêu chuẩn trên. Vậy là, vú sữa Lò Rèn đã có được giấy “thông hành” để vươn ra thị trường thế giới.

* Vạn sự khởi đầu nan

Tiền Giang là cái nôi của vú sữa Lò Rèn. Vùng chuyên canh loại trái cây này được trồng tập trung ở xã Vĩnh Kim và các xã lân cận của huyện Châu Thành trên diện tích khoảng 2.300 ha, sản lượng trên dưới 22.000 tấn/năm. Đây là loại trái cây đặc sản của tỉnh và được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, tập quán sản xuất phân tán, xử lý trái vụ... thời gian qua đã làm cho vú sữa Lò Rèn không phát huy lợi thế, tiềm năng vốn có, mà còn làm giảm tuổi thọ của cây, sản phẩm không an toàn...

Từ thực trạng này, tháng 4-2007, UBND tỉnh Tiền Giang giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai chương trình “Hỗ trợ phát triển toàn diện vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” ở 13 xã của huyện Châu Thành và 3 xã của huyện Cai Lậy. Mục tiêu của chương trình là xây dựng vùng chuyên canh cây vú sữa áp dụng tiêu chuẩn GAP và các giải pháp khoa học tiên tiến để nâng cao chất lượng năng suất phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chương trình gồm 4 đề tài lớn, trong đó có đề tài “Nhân rộng và phát triển mô hình GAP vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”. Mô hình đã kế thừa hoàn chỉnh và tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất theo hướng GAP đã được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam xây dựng từ năm 2005.

Thực hiện kỹ thuật bao trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Ảnh: NGÔ VĂN TÔNG 

Sau khi tham quan mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn Global GAP trên thanh long của Bình Thuận, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh phối hợp với Hội Làm vườn huyện Châu Thành tiến hành tập huấn mô hình cho Ban Quản trị Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và 33 nông dân tự nguyện tham gia sản xuất vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn Global GAP với 12 ha. Tháng 11-2007, Ban Quản trị HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chính thức hợp đồng sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn Global GAP.

Để đạt được chứng nhận này, hệ thống chất lượng của HTX phải thỏa mãn 141 yêu cầu và nông dân phải thực hiện 236 yêu cầu Global GAP. Trong đó, quy trình đòi hỏi áp dụng đúng, nghiêm ngặt các yêu cầu từ sản xuất đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng như các biện pháp kỹ thuật từ sản xuất đến thu hoạch (quy định về phun, bón phân thuốc trừ sâu; bao trái, đóng gói...). Ngoài ra, nguồn nước, đất cũng yêu cầu phải đảm bảo... để tạo ra sản phẩm an toàn. Chính vì những yêu cầu quá khắt khe trên của tiêu chuẩn, nên trong quá trình thực hiện, một số nông dân nản lòng và rút lui không áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX, kể: “Với diện tích sản xuất của nông hộ trong HTX nhỏ lẻ, phân tán (từ 2.000m2 – 4.000m2); tập quán, thói quen sản xuất cũ đã hình thành quá lâu nên nhiều nhà vườn khó có thể thay đổi được ngay. Mặt khác, cán bộ hướng dẫn chưa có kinh nghiệm, lĩnh vực áp dụng còn quá mới ở tỉnh cũng như ĐBSCL... Có những lúc chúng tôi tưởng như đành buông xuôi, không thể thực hiện được. Nhờ sự động viên, khuyến khích của các cơ quan chuyên môn, hỗ trợ của doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật... cùng sự kiên trì quyết tâm vượt qua khó khăn của HTX và 19 hộ nông dân thực hiện, cuối cùng mới có thành công này”.

* Giấy thông hành cho vú sữa “đi Tây”

Anh Lê Văn Sơn ở ấp Dầu, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, phấn khởi nói: “Kết quả thật bất ngờ, áp dụng quy trình sản xuất mới này chi phí sản xuất giảm 30-50%, số lượng trái đạt chất lượng tăng từ 30% lên 70%, dẫn đến lợi nhuận tăng 40% so với sản xuất bình thường”. Tuy nhiên, theo anh Sơn, điều quan trọng hơn là qui trình sản xuất mới đã giúp tăng cường sự liên kết giữa những người sản xuất nhỏ lẻ với nhau, nâng cao kiến thức về sản xuất an toàn. Bởi lâu nay, nhà vườn không quan tâm đến sản xuất trái cây an toàn là nguyên nhân dẫn đến chất lượng trái và hiệu quả sản xuất thấp (phun thuốc, bón phân nhiều hơn nhu cầu của cây), đầu ra bấp bênh (do không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính). Áp dụng và đạt tiêu chuẩn Global GAP vừa tạo điều kiện cho trái vú sữa xuất khẩu ổn định đầu ra, vừa tăng hiệu quả sản xuất.

Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Ngàn cho rằng, dù diện tích còn “khiêm tốn”, nhưng việc áp dụng thành công quy trình sản xuất vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt tiêu chuẩn Global GAP đã “mở cánh cửa” cho loại trái cây đặc sản của tỉnh “bước ra” thị trường thế giới. Năm 2007, HTX đã xuất thử nghiệm thành công 2 tấn vú sữa đầu tiên sang Nga. Với giấy “thông hành” này, năm 2008, HTX sẽ xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường châu Âu; đồng thời sẽ vận động nhà vườn mở rộng thêm 40 ha trồng vú sữa Lò Rèn áp dụng theo quy trình trên.

Thành công mới chỉ là bước đầu, nhưng là tiền đề quan trọng cho HTX và vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn của Tiền Giang nói riêng và các loại cây ăn trái khác nói chung phát triển trong tương lai. Ông Andrew Keenan, Tổng Giám đốc Công ty SGS Việt Nam đã phát biểu tại buổi trao chứng nhận Global GAP cho HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim: “Việc đạt chứng nhận Global GAP như một thông điệp rõ ràng nhất chứng tỏ HTX đã đạt được những yêu cầu mới nhất của thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu. Đồng thời, thành công này cũng góp phần xây dựng hình ảnh trái cây Việt Nam đạt chất lượng đáng tin cậy và an toàn trên trường quốc tế”.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết