29/05/2011 - 09:48

Vĩnh Tuy - mái đình trăm tuổi

Xã Vĩnh Tuy ngày nay giáp với hai xã Lương Nghĩa của huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Từ xưa, Vĩnh Tuy còn được biết tên với các tên: Cả Đĩa hay Lá Niên. Vĩnh Tuy xưa là một phần của làng Vĩnh Lộc, thuộc Tổng Thanh Giang. Đến năm 1888, mới được chính thức công nhận là làng (tương đương với xã) thuộc Tổng Thanh Tuyền.

Theo các vị cao niên trong vùng kể lại, vào giai đoạn Vĩnh Tuy được công nhận làng, có hai vợ chồng ông lão làm nghề buôn bán lúa gạo, thực phẩm ở đây, không biết tên là gì và từ đâu đến. Bà con quen gọi ông là Lái Niên (nhiều người lý giải rằng, có thể ông tên Niên, và làm nghề “mua đi bán lại” - tức “lái”, nên gọi là Lái Niên). Hai vợ chồng già quanh năm sống trên chiếc ghe, đi tận các kinh rạch buôn bán. Đến đâu thấy người nghèo khổ là ông giúp tiền bạc, cho mượn lúa giống và chỉ dẫn bà con cách gieo trồng, chăm bón. Ông hẹn đến vụ thu hoạch sẽ đến lấy lúa lại. Nhờ hạt giống và sự hướng dẫn của ông mà đồng lúa của ai cũng trĩu bông, vàng hạt, lúa trúng đầy bồ. Nhưng chờ đợi mãi mà không thấy vợ chồng ông Lái Niên đến để bà con trả nợ và nói lời cảm ơn. Bà con tìm hiểu mới biết, ông Lái Niên bị bạo bệnh đã qua đời. Để tỏ lòng biết ơn, bà con địa phương đã dựng nên một ngôi miếu bằng tre lá đơn sơ để thờ ông, gọi là miếu Lái Niên - tiền thân của đình Vĩnh Tuy ngày nay. Địa danh Lái Niên cũng có từ đây.

Thời đó, Mai Viết Tuấn - một đại điền chủ của địa phương - ỷ thế cậy quyền, đã kiếm cớ đập phá miếu thờ và ném bài vị thần chủ ra ngoài đường. Sau đó, dòng họ Mai Viết làm ăn thất bại, ngày càng suy sụp. Trước sức ép và nhu cầu tín ngưỡng của bà con trong làng và cũng để chuộc tội với người đã khuất, năm 1895, chính Mai Viết Tuấn đã đứng ra xây dựng đình thần Vĩnh Tuy và thỉnh thần chủ về thờ. Năm 1900, hương cả Thái Đắc Biếu cho xây dựng thêm võ ca và võ quy.

 Đình thần Vĩnh Tuy.

Sau này, địa danh Lái Niên được bà con gọi trại thành Lá Niên, được đặt cho tên chợ, tên cầu, tên rạch... Đình thần Vĩnh Tuy vẫn còn thờ ông Lái Niên, như tấm lòng của bà con với vị ân nhân đã giúp tổ tiên của họ cách làm ăn, sinh cư lập nghiệp.

Sau đó, ông Mai Viết Tuấn lại bỏ tiền trùng tu lại Chánh điện, võ quy, võ ca của đình hết sức khang trang, mái đình lợp ngói âm dương, mua vật thờ phục vụ nghi lễ rất phong phú. Gần 116 năm “trơ gan cùng tế nguyệt”, hứng chịu bao lớp bụi thời gian, sự tàn phá của thiên nhiên và bom đạn, đình thần Vĩnh Tuy đã bị hư hỏng nhiều.

Đình Vĩnh Tuy có mặt tiền và mặt hậu đều soi bóng bên dòng kinh nhỏ, bốn bề trống trải, khoáng đãng, hội đủ “phong chầu thủy tụ”, theo kiến trúc đình Nam bộ. Đình có diện tích gần 8.000m2, sân đình rất rộng, có hai gốc dương khổng lồ, rũ nhánh tỏa mát mái đình. Lối vào cổng chính, bên trái là miếu thờ Thủy thần và Thổ thần nằm sát bên nhau, với quan niệm “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”; bên phải là miếu thờ Bà Chúa xứ và miếu Ông Tà. Chánh điện có ba gian: trái, phải và trung tâm khá rộng, gồm các bàn thờ thờ Thần Hoàng Bổn cảnh, Tiên sư, Tổ sư, Tả Ban, Hữu Ban, Cửu Thiên Huyền nữ... Đình có hệ thống cửa cái, cửa phụ, cửa sổ dày đặc nên rất mát mẻ, sáng sủa.

Đáng quý là hiện nay đình Vĩnh Tuy còn giữ được 16 cột đình cổ bằng gỗ căm xe cao hơn 9m và dàn kèo, xà, phương được chạm trổ hoa, tứ linh và ở mỗi đuôi kèo đều được chạm đầu rồng rất nghệ thuật và mang ý nghĩa tâm linh. Đặc biệt, dàn khung của ngôi đình hoàn toàn không sử dụng một cây đinh nào mà được làm theo kết cấu khung. Theo các bô lão trong vùng, đình có rất nhiều tấm hoành phi, câu đối nhưng đến nay đã thất lạc, hư hỏng phần nhiều. Đến nay chỉ còn hai biển hiệu chữ Hán gần trăm năm tuổi là: “Vĩnh Tuy Hội Miếu” (nghĩa là: Đình (miếu) Vĩnh Tuy, nơi bà con hội họp) và “Trạch Bái Nhân Hoàn” (nghĩa là: Ân đức thấm nhuần cả vũ trụ) với phần chạm khắc rất tinh tế và tỉ mẩn, sơn son thếp vàng. Ngoài ra, đình cũng còn các hiện vật quý khác như: 1 trung hồng chung, 1 trống cổ, 1 chuông sắt, 1 mõ gỗ, 2 bộ binh khí bằng đồng...

*

* *

Người dân Lá Niên không chỉ tự hào vì mình có ngôi đình cổ, là nơi gửi gắm bao hoài bảo, ước mong mà vì đình đã góp phần vào thắng lợi trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.

Ngày 24-8-1945, lực lượng cách mạng xã đã kéo đến Nhà Việc đình Vĩnh Tuy giải tán 12 hương chức, hội tề - đứng đầu là tên Cả Đính. Cờ Việt Minh cắm trước sân đình. Từ năm 1947, đình trở thành nơi hội họp của cách mạng, là nơi huấn luyện Vệ quốc đoàn, mở lớp Bình dân học vụ. Cũng trong năm này, bà con Lá Niên chứng kiến cảnh xét xử hai tên Việt gian đại gian ác Hồ Quang Giang và Lê Duy Tiên. Đặc biệt, năm 1948, đình thần Vĩnh Tuy được chọn làm nơi mở khóa học chính trị Mác - Lê-nin, do đồng chí Lê Duẩn, lúc bấy giờ là Bí thư Trung ương Cục Miền Nam phụ trách. Ngoài ra đình còn là cơ sở hoạt động chính trị, cách mạng của xã Vĩnh Tuy, Ủy ban Kháng chiến khu Tây Nam Bộ, tiểu đoàn 307, 410... qua các thời kỳ. Năm 1950, tổ âm nhạc của quân khu IX do nhạc sĩ Đắc Nhẫn làm tổ trưởng cùng các nhạc sĩ tên tuổi: Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Quách Vũ, Quốc Hương... về công tác tại vùng này cũng chọn đình làm nơi nghỉ ngơi, làm việc.

Bởi thế đình thần Vĩnh Tuy không chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước cho nhiều thế hệ người dân trong vùng.

*

* *

Hơn trăm năm cũng đủ để người dân nơi đây có thể tự hào về một mái đình rêu phong cổ kính, phủ dày lớp bụi của thời gian. Đình thần Vĩnh Tuy gắn liền với huyền tích về đôi vợ chồng già biết thương người nghèo khó, giúp đỡ cộng đồng, về những địa danh mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng sông nước, đồng bưng: Lá Niên, Cả Đĩa... và cả những “huyền tích” thời hiện đại khi đình thần đã chở che cho bao thế hệ người con kiên trung đứng lên chống giặc...

Cứ ngày rằm, 16 tháng Giêng hằng năm, đình có cúng hội Kỳ Yên, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an với sự tham dự của bà con trong vùng Lá Niên và các vùng lân cận. Đặc biệt, đình thần Vĩnh Tuy còn lưu giữ được 3 lễ hội khá đặc biệt là: lễ cúng tống, lễ cúng vào mùa, và lễ hội mừng mùa. Lễ cúng tống được tổ chức 3 năm 1 lần với ý nghĩa xua đi cái xấu, cái chết chóc, bệnh tật, mang đến cuộc sống yên bình, thịnh vượng cho bà con. Nghi thức quan trọng của cúng tống là kết bè thủy lục rồi bỏ đầu heo, gạo, muối, thả trôi ra sông Cái Lớn. Lễ cúng vào mùa diễn ra vào mùng Mười tháng Năm hằng năm, mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt. Còn mùng Mười tháng Mười là lễ hội mừng mùa, tạ ơn thần linh, trời đất đã cho nhân dân được trúng mùa.

Đình thần Vĩnh Tuy được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2009 như là sự ghi công của ngôi đình làng gắn liền với bao biến cố, thăng trầm của vùng đất này.

Hằng ngày, nhiều bà con trong vùng vẫn đến đình cúng bái, nguyện cầu cho làng xã bình an, gia can sung túc. Mọi người thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến công lao của bao thế hệ tiền nhân đã ngã xuống trên vùng đất này cho cháu con hôm nay được vui hưởng cây lành trái ngọt.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết