16/06/2009 - 08:44

Việt Nam đã có 26 trường hợp nhiễm cúm A(H1N1)

* Bệnh nhân thứ 2 ở Tiền Giang dương tính với cúm A(H1N1)

Ngày 15-6, Việt Nam đã xác nhận thêm 1 ca dương tính với cúm A(H1N1) nam giới 14 tuổi, sống tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, là người nhà và sống cùng với bệnh nhân nữ 14 tuổi đã được xác định dương tính với cúm A (H1N1) từ Mỹ về Việt Nam ngày 5-6 trên chuyến bay UA869.

Như vậy, đến chiều 15-6, Việt Nam đã có 26 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1). Trong đó, 13 trường hợp đã được xuất viện, không có tử vong, các trường hợp còn lại đều đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Trong tổng số trường hợp dương tính có 22 trường hợp về nước từ các vùng đang có dịch, 4 trường hợp nhiễm bệnh tại Việt Nam, những người này đều là người nhà và có tiếp xúc gần với những người về nước bị bệnh.

* Cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết: Sau 5 ngày điều trị, trường hợp dương tính với vi-rút cúm A (H1N1) đầu tiên ở Hà Nội đã hồi phục sức khỏe. Qua 3 lần xét nghiệm, bệnh nhân này đều có kết quả âm tính với vi-rút cúm A (H1N1). Tuy nhiên, đây là bệnh nhân đầu tiên ở Hà Nội nên cần theo dõi chặt chẽ, đề phòng bệnh có thể tái phát. Hôm nay, viện đã tiến hành xét nghiệm lần cuối, nếu kết quả vẫn âm tính thì 1-2 ngày tới, bệnh nhân sẽ được xuất viện, trở về với gia đình.

Tiến sĩ Kính cũng cho biết thêm: Sau thời gian khoanh vùng, giám sát và theo dõi tình hình sức khỏe của những người liên quan, tiếp xúc với bệnh nhân trên, chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện nhiễm cúm A (H1N1). Tất cả các thành viên trong gia đình bệnh nhân đều khỏe mạnh, sức khỏe tốt.

* Tổ chức Y tế thế giới thông báo, đến ngày 15-6 đã có 29.669 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 74 quốc gia, trong đó có 145 trường hợp tử vong. Dịch cúm A(H1N1) vẫn đang tiếp tục lan nhanh tại một số nước như Canada, Nhật Bản, Tây Ban Nha.

* Ngày 15-6, bác sĩ Hoàng Thọ Mẫn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang cho biết: bệnh viện đang theo dõi sức khỏe và thực hiện quy trình cách ly bệnh nhân Trần Chánh Đại 14 tuổi, ở ấp Mới, xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) vừa có kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh là dương tính với vi-rút cúm A(H1N1).

Đây là ca thứ hai nhiễm cúm A(H1N1) ở Tiền Giang. Bệnh nhân đầu tiên là Nguyễn Trần Diễm Chinh, sinh năm 1995, quốc tịch Mỹ, tạm trú tại Ấp Mới, xã Long Định, huyện Châu Thành. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang cũng đang tiếp nhận một bệnh nhân 18 tuổi, Việt kiều Mỹ tạm trú xã Long An, huyện Châu Thành bị sốt, ho, sổ mũi nghi nhiễm cúm A(H1N1). Hiện nay, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đang nỗ lực theo dõi sức khỏe, điều trị cho các bệnh nhân cũng như giám sát người thân hoặc những người tiếp xúc với các bệnh nhân trên.

* Ngày 14-6, các nhà chức trách Anh thông báo một bệnh nhân nhiễm vi-rút cúm A (H1N1) đã tử vong tại một bệnh viện ở Scotland (thuộc Vương quốc Anh). Đây là bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng vì loại vi-rút này tại Anh và là trường hợp đầu tiên xảy ra bên ngoài châu Mỹ. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Anh là nước có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nhất thế giới, dựa trên các yếu tố môi trường xã hội, mật độ dân số cao, hoạt động hàng không nhộn nhịp, lượng du khách đông... Tính đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.226 ca nhiễm vi-rút cúm A (H1N1) - cao nhất châu Âu. Ngày 15-6, Philippines cũng thông báo về trường hợp lây nhiễm cúm A (H1N1) “nội địa” đầu tiên ở nước này, sau khi 11 học sinh tiểu học ở làng Hilera, trên đảo Luzon (miền Nam Philippines) phải nhập viện.

* Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản, do Giáo sư Yoshihiro Kawaoka của Viện Y khoa thuộc Trường Đại học Tokyo lãnh đạo, vừa phát hiện ra nguyên nhân khiến vi-rút cúm A(H1N1) lây lan nhanh hơn ở người. Sau khi quan sát sự biến đổi một loại prô-tê-in ở vi-rút H1N1 và phân tích gien của vi-rút này, các nhà khoa học đã kết luận sự biến đổi của haemagglutinin (chất gây ra sự đóng cục của tế bào máu) đã giúp vi-rút này bám chặt hơn lên bề mặt các tế bào của con người. Việc lây nhiễm liên tục từ người sang người có thể khiến vi-rút này biến đổi thành một chủng vi-rút mới có thể tự tái tạo ở họng và hai lá phổi của con người.

VIỆT HÀ – TRƯƠNG CÔNG TRÍ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết