25/11/2013 - 22:19

Vì tương lai thế hệ trẻ

Không khí buổi họp mặt các thầy, cô giáo do Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ tổ chức nhân dịp ngày 20-11 vừa qua, diễn ra thật thân mật, ấm cúng. Nhìn lại chặng đường đã qua của nền giáo dục nước nhà nói chung cũng như của TP Cần Thơ nói riêng, có thể thấy sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của những thầy, cô giáo. Từ việc chăm chút trang giáo án, sáng tạo đồ dùng dạy học để các em có bài học hay; sự tận tụy nâng chất lượng giáo dục, đến xây dựng trường đạt chuẩn… Tất cả hướng đến mục tiêu: vì tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ.

* Từ nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn

Thời gian qua, Trường THPT Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy học, công việc gần đây nhất là hoàn thành các công đoạn cần thiết cho công tác xây dựng trường THPT Thuận Hưng đạt chuẩn quốc gia. Đây là mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục địa phương, Nhận thức được điều đó, tập thể sư phạm trường THPT Thuận Hưng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, chú trọng nâng chất lượng đào tạo.

Những buổi tọa đàm là dịp thầy, cô giáo nhìn lại chặng đường đã qua, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục (Trong ảnh: Quang cảnh buổi tọa đàm trong buổi họp mặt Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11).

Để thực hiện mục tiêu này, Ban giám hiệu nhà trường tự rà soát, đối chiếu thực trạng của trường với 5 tiêu chuẩn của Bộ giáo dục và Đào tạo. Từ đó nhà trường lập kế hoạch đề ra mục tiêu từng năm để khắc phục những tiêu chí chưa đạt. Theo lãnh đạo nhà trường, khi xây dựng trường theo tiêu chí chuẩn quốc gia, khó khăn lớn nhất của Trường THPT Thuận Hưng là chuẩn về chất lượng giáo dục. Bởi trước đây, khi còn là trường bán công, chất lượng học sinh đầu vào rất thấp. Để khắc phục vấn đề này, trường tìm cách nâng cao chất lượng trên quan điểm "muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi", từ đó, trường quan tâm hàng đầu đến việc cải thiện chất lượng đội ngũ bằng nhiều hình thức đào tạo bồi dưỡng, như: tổ chức thao giảng, dự giờ, tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường, tuyển chọn giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi cấp thành phố, tạo điều kiện cho giáo viên đi học thạc sĩ, lo cho giáo viên an cư lạc nghiệp. Hiện trường có 7 thạc sĩ, 5 giáo viên đang học thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh. Trong những năm học qua, trường có nhiều cán bộ, giáo viên được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Để cải thiện chất lượng giáo dục, nhà trường đã tổ chức phụ đạo và phân công giáo viên đỡ đầu học sinh yếu; vận động mạnh thường quân giúp đỡ, không để học sinh phải bỏ học vì nghèo. Chính vì nỗ lực đó, trường có học sinh giỏi cấp thành phố, Quốc gia; 21,2% học sinh thi đỗ vào các trường Đại học. Đặc biệt, trong 2 năm học 2011-2012 và 2012-2013, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT là 100%. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện, diện mạo trường ngày càng khởi sắc… làm thầy và trò nhà trường thêm phấn khởi và cùng quyết tâm nỗ lực dạy tốt, học tốt. Niềm vui càng được nhân lên khi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cô Trần Thúy Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hưng, cho biết: "Quá trình xây dựng trường đạt chuẩn, trường có thuận lợi là được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của UBND TP Cần Thơ, Sở GD&ĐT thành phố, chính quyền, đoàn thể địa phương. Sự quan tâm này tạo động lực để chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, đào tạo những công dân tốt cho xã hội, xứng đáng với niềm mong mỏi của mọi người".

* Đến tấm gương tận tụy với nghề…

Nghề giáo là một nghề, được xã hội kính trọng và tôn vinh, tuy nhiên, để xứng đáng với sự tôn kính đó, thầy cô giáo phải nỗ lực phấn đấu không ngừng. Không nệ hà vất vả của nghề, các thầy cô luôn cần mẫn, kiên trì trong sự nghiệp trồng người, không những hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn đạt thành tích cao trong giảng dạy. Điển hình là cô Giang Chăm Pa, giáo viên trường THCS Thạnh Phú I, huyện Cờ Đỏ.

Năm 2006, tốt nghiệp ngành Văn - Giáo dục công dân Trường Cao đẳng sư phạm Cần Thơ, cô Chăm Pa về công tác tại Trường THCS Thạnh Phú I. Hằng ngày, cô phải chạy xe gần 10 km cây số, vượt qua nhiều cây cầu chắp nối bởi những miếng ván chông chênh, đường đất gồ ghề với những đoạn đổ đá bụi lởm chởm, trời mưa sình lầy... để đến điểm dạy. Thế nhưng, tất cả cản ngại ấy không làm suy giảm nhiệt huyết của cô với nghề. Với vai trò vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa giảng dạy môn Ngữ văn, cô Chăm Pa quan tâm việc giáo dục học sinh phát triển toàn diện về thể lực, trí lực và nhân cách. Cô luôn dành thời gian gần gũi, theo sát mọi hoạt động để định hướng cách nghĩ, cách làm cho học sinh. Trong giảng dạy môn Văn, thông qua các bài giảng, cô khơi gợi ở học sinh lòng yêu quê hương, đất nước; yêu kính ông bà, cha mẹ và chan hòa với bạn bè, đồng cảm và chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh. Theo cô Chăm Pa, đó là phương pháp định hình nhân cách sống sát thực, hiệu quả. Ngoài ra, cô khuyến khích học sinh chịu khó đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu để nâng cao khả năng cảm thụ văn học.

Trong những năm làm nghề "gõ đầu trẻ", cô Chăm Pa vẫn băn khoăn việc làm sao cho học sinh có những hiểu biết cơ bản về những giá trị trong cuộc sống. Bản thân giáo viên đôi khi lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, hoặc chưa kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp, còn các em học sinh thì chưa được rèn luyện, trải nghiệm những kỹ năng sống cần thiết. Sự định hướng giá trị của thế hệ trẻ rất cần thiết. Đặc biệt đối với học sinh ở trường THCS trong giai đoạn hiện nay gặp không ít khó khăn (vì độ tuổi của các em đang ở giai đoạn nửa trẻ em, nửa người lớn). Cô Chăm Pa khẳng định: "Việc giáo dục cho học sinh nhận thức đầy đủ, thấu đáo các giá trị để định hướng cho cuộc sống hôm nay và tương lai rất quan trọng. Có như vậy, sau này, các em mới có thể vững vàng bước vào đời và trở thành công dân tốt cho xã hội".

Không chỉ quan tâm học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản thân cô Chăm Pa luôn cố gắng và tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động chuyên môn do nhà trường phát động như: Hội thi Giáo viên dạy giỏi các cấp, Bồi dưỡng học sinh tham dự cuộc thi Văn hay chữ tốt cấp trường, cấp huyện; tuyên truyền giới thiệu sách, viết sáng kiến kinh nghiệm, bài giảng giáo án điện tử, sáng tạo đồ dùng dạy học... Với nhiệt huyết và nỗ lực không mệt mỏi, năm học 2012 - 2013, cô Chăm Pa đạt thành tích cao trong Hội thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp thành phố.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Chia sẻ bài viết